Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề thi Tốt nghiệp THPT khó 'bất thường': Có đảm bảo công bằng cho học sinh?

TPO - Đề thi một vài môn trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025, năm đầu tiên đổi mới thi cử của Chương trình GDPT 2018 gây “sốc” cho nhiều thí sinh khi có độ khó “bất thường”.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong01/07/2025

Đề thi thách thức học sinh trường chuyên

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên lứa học sinh lớp 12 thi cử theo chương trình GDPT 2018. Kết thúc kỳ thi, nhiều thí sinh bật khóc vì đề môn Toán, tiếng Anh quá khó.

Đặc biệt là đề thi Tiếng Anh, khiến học sinh trường chuyên, học sinh giỏi cũng hoang mang. Môn tiếng Anh thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian thi 50 phút nhưng đề thi dài kín 4 mặt giấy với chi chít chữ.

Nhiều thí sinh nói rằng, đề được in với kích cỡ chữ nhỏ, dung lượng quá dài, lượng từ vựng và cấu trúc ngữ pháp dùng ở mức nâng cao hơn rất nhiều so với những gì thí sinh được học trong sách giáo khoa, khiến các em hoa mắt, chóng mặt ngay từ giây phút đọc đề.

Đề thi Tốt nghiệp THPT khó 'bất thường': Có đảm bảo công bằng cho học sinh? ảnh 1

Đặc biệt là đề thi Tiếng Anh, khiến học sinh trường chuyên, học sinh giỏi cũng hoang mang. (ảnh: Như Ý)

Chính thầy cô giáo bộ môn Ngoại ngữ năm nay cũng đánh giá, đề thi quá khó, các câu hỏi đã nâng mức độ kiến thức đơn lẻ lên cấp độ đoạn văn, bài văn, lượng thông tin lớn, thời gian làm bài chỉ có 50 phút, nhiều em sẽ không thể hoàn thành. Một giáo viên trường THPT chuyên thốt lên: "Đề thi tốt nghiệp năm nay cũng là thách thức đối với cả học sinh chuyên". Thầy cô dự đoán, phổ điểm môn tiếng Anh sẽ chỉ dừng lại ở mức 4-5 điểm.

Kỳ thi đã khép lại nhưng vấn đề “đề thi khó” vẫn nóng khắp các diễn đàn, nhận được sự quan tâm lớn của học sinh, phụ huynh.

Một phụ huynh ở xã Kỳ Văn (Hà Tĩnh) có con năm nay dự thi Tốt nghiệp THPT chia sẻ, trước kỳ thi con nỗ lực học ngày học đêm. Ở vùng quê chưa có điều kiện học ngoại ngữ như học sinh thành phố nhưng con vẫn tìm kiếm tài liệu, bám sách vở để tự tin bước vào kỳ thi. Nhưng khi thi về, con thất thần vì “không làm được bài ngoại ngữ”, đoán “chỉ được khoảng 5 điểm”. Con kể, ngay sau phút đọc lướt qua đề đã cảm thấy “sốc, hụt hẫng”, mất tinh thần làm bài.

“Nhìn con nằm thiếp đi, không thiết tha ăn uống mà tôi buốt ruột. Bộ GD&ĐT ra đề phải tính toán đến các đối tượng học sinh, đảm bảo sự công bằng”, phụ huynh này nói.

Đề thi cần được chuẩn hoá

GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đề thi năm nay theo hướng đánh giá năng lực học sinh với cấu trúc, định dạng đề thi thay đổi hoàn toàn so với năm trước. Học sinh thấy khó là do, một số tính chất mới của đề thi khiến thí sinh bỡ ngỡ. Tuy nhiên, trước đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức đợt thử nghiệm diện rộng ở cả 3 miền trên toàn quốc. Việc thực nghiệm nhằm đánh giá khả năng đáp ứng của học sinh để nhằm điều chỉnh độ khó đề thi. Khi hội đồng đề thi làm việc, vấn đề phổ điểm cũng đã được tổ làm đề trao đổi kỹ lưỡng.

TS Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia giáo dục cho rằng, theo chương trình GDPT 2018, học sinh hoàn tất lớp 12 được kỳ vọng đạt trình độ tiếng Anh B1 theo Khung tham chiếu châu Âu (CEFR) nhưng đề thi Tốt nghiệp THPT 2025 lại xuất hiện loạt câu hỏi có độ khó vượt ngưỡng B1, cả về từ vựng lẫn kỹ năng đọc hiểu. Các bài đọc mang tính học thuật, cấu trúc câu phức tạp, yêu cầu suy luận và phân tích sâu, vốn không phù hợp với năng lực của học sinh lớp 12 theo mục tiêu của chương trình.

Ông Vinh đặt ra vấn đề, đề thi có thể chưa được chuẩn hóa bằng thử nghiệm thực tế. Trong khi yêu cầu là đề thi phải qua nhiều vòng thử nghiệm để đánh giá độ khó, tính hợp lệ và độ tin cậy. Việc thiếu minh bạch trong quy trình xây dựng đề là điều không thể xem nhẹ đối với một kỳ thi quốc gia có ảnh hưởng tới hàng triệu học sinh mỗi năm.

Để đảm bảo sự ổn định của các kỳ thi, ông Vinh cho rằng, Bộ GD&ĐT rất cần chuẩn hóa đội ngũ xây dựng đề thi quốc gia cả về chuyên môn lẫn kỹ thuật ra đề, thiết kế bài thi chuẩn hóa, phản ánh đúng chuẩn đầu ra và bảo đảm độ tin cậy.

“Một đề thi Tốt nghiệp THPT cho học sinh trên toàn quốc cần được xây dựng theo nguyên tắc sư phạm, khoa học, chuẩn hóa, lấy người học làm trung tâm và hướng tới sự công bằng, tin cậy, đo được chuẩn đầu ra đúng của chương trình GDPT”, ông Vinh nói.

Chuyên gia giáo dục cho rằng, đề thi tiếng Anh khó, quá nhiều câu hỏi với ngữ liệu dài dòng, nặng nề đến mức khó tin. Nếu một học sinh có năng lực trung bình, không thể đọc hiểu được đề thi này.

Việc đưa một đề thi quá khó, phân hoá quá mạnh vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT là không phù hợp với tất cả đối tượng học sinh trên mọi vùng miền Tổ quốc với các điều kiện học tập khác nhau. Nói một cách công bằng, đề thi hay nhưng rất khó chỉ phù hợp với nhóm học sinh có điều kiện học tập ngoại ngữ ở đô thị, nơi có nhiều trung tâm luyện thi và gây thiệt thòi cho học sinh vùng núi, vùng khó khăn, nơi không có điều kiện học tập.

Thầy Đinh Đức Hiền, Giám đốc điều hành Trường phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang cũng đánh giá đề thi năm nay khó, vượt quá sức của thí sinh. Nhiều dữ liệu trong các câu hỏi, không có trong sách giáo khoa. Học sinh muốn làm được đề thi phải có thông tin, dữ liệu từ các nghiên cứu, thí nghiệm, đòi hỏi các em phải có tư duy đọc hiểu, phân tích, liên kết, tổng hợp so sánh, dựa trên kiến thức căn bản để tìm ra câu trả lời.

Thầy Hiền cũng cho rằng, lâu nay, giáo dục của chúng ta vẫn đi theo hướng “thi gì học nấy”, với đề thi khó như năm nay gây tâm lý lo lắng, bất an cho học sinh trong năm học tới. Điều này càng thúc đẩy gia tăng việc học thêm, luyện thi để làm được đề thi tốt nghiệp.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đề thi khó, kiến thức vượt tầm sách giáo khoa là đi ngược với chủ trương hạn chế học thêm, dạy thêm của ngành giáo dục.

Trong buổi họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, kỳ thi năm tới sẽ tinh chỉnh những tồn tại trong kỳ thi năm nay và ghi nhận xem xét ý kiến về “đề thi khó”.

Nhưng phụ huynh lại có lý lẽ riêng, nền giáo dục đã chuẩn bị những gì cho lứa học sinh lớp 12 năm nay trước khi bước vào kỳ thi với những đề thi khó? Trong quá trình học, các em luôn đạt điểm 9, 10, là những học sinh “xuất sắc”, giỏi toàn diện nhưng lại “sốc” vì đề thi Tốt nghiệp THPT.

Trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025, toàn quốc có gần 1,17 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, học sinh tự chọn thêm 2 môn khác. Ngoại ngữ có 352,652 thí sinh đăng ký dự thi, xếp thứ 3, sau Lịch sử và Địa lý.

Năm ngoái, tiếng Anh là môn thi bắt buộc. Toàn quốc có hơn 906.000 thí sinh dự thi môn Tiếng Anh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đề thi được đánh giá phù hợp năng lực học sinh tuy nhiên có tới 42,67% thí sinh có điểm dưới trung bình, 145 em bị điểm liệt và chỉ có 565 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Nguồn: https://tienphong.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-kho-bat-thuong-co-dam-bao-cong-bang-cho-hoc-sinh-post1756129.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm