Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất nhà khoa học hưởng lợi theo giai đoạn nghiên cứu

ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho rằng, nhà khoa học nên được hưởng lợi theo giai đoạn nghiên cứu, không nên quy định cứng nhắc 30% như Dự thảo Luật.

Báo Khoa học và Đời sốngBáo Khoa học và Đời sống18/05/2025

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được kỳ vọng tạo ra hành lang pháp lý đột phá, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực then chốt này. Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đã có trao đổi bên hành lang Quốc hội về những vấn đề trọng tâm, từ cơ chế chia sẻ lợi ích cho nhà khoa học đến việc tạo dựng thị trường khoa học công nghệ thực chất, thu hút doanh nghiệp đầu tư.

nguyen-quang-huan.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.

Không nên quy định cứng nhắc 30%

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho hay, một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo là quy định nhà khoa học được hưởng 30% từ phần thu nhập mang lại do kết quả nghiên cứu. Tôi cho rằng đây là một chính sách tiến bộ, thể hiện rõ quan điểm coi khoa học và công nghệ là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Theo đó, quy định này ghi nhận công sức, trí tuệ và đóng góp thực chất của nhà khoa học, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và kết quả ứng dụng thực tế. Chính sách này sẽ khơi dậy động lực sáng tạo, giúp các nhà nghiên cứu dám nghĩ, dám làm, chủ động tìm tòi hướng nghiên cứu có tính ứng dụng và giá trị thực tiễn cao. Ngoài ra, việc chia sẻ lợi ích từ kết quả nghiên cứu cũng là cách giữ chân nhân tài, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh nguồn lực khoa học không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập mang lại do kết quả nghiên cứu là chưa thật sự linh hoạt. Thay vào đó, nên xem xét quy định linh hoạt hơn, chẳng hạn từ 10% đến 35%, tùy thuộc vào từng giai đoạn cụ thể của quá trình nghiên cứu.

“Bởi lẽ, mức độ rủi ro và đóng góp thực tế của nhà khoa học ở từng giai đoạn là khác nhau. Ở giai đoạn chế tạo thử, chuẩn bị thương mại hóa, khi sản phẩm đã dần hoàn thiện và có tiềm năng rõ ràng, việc chia sẻ quyền lợi cao hơn là hợp lý. Ngược lại, ở giai đoạn đầu nghiên cứu, khi rủi ro còn cao, việc xác định tỷ lệ hưởng lợi quá lớn sẽ gây khó khăn cho các đơn vị đầu tư hoặc chuyển giao”, đại biểu phân tích.

Do đó, theo đại biểu, cần có một cơ chế phân bổ lợi ích hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của kết quả nghiên cứu, để vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà khoa học, đơn vị chủ quản và đối tác ứng dụng.

Gỡ vướng chính sách, 'tiếp lửa' cho doanh nghiệp đầu tư

Về chính sách xác định các công nghệ chiến lược và cơ chế đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho hay, điểm then chốt là tạo ra thị trường khoa học công nghệ thực sự, kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Trước nay, Nhà nước thường đầu tư nghiên cứu, nhưng kết quả lại không sát nhu cầu xã hội. Luật mới đang mở hướng cho doanh nghiệp tham gia ngay từ giai đoạn thử nghiệm – vì chính doanh nghiệp mới hiểu thị trường cần gì.

Tuy nhiên, để sự tham gia này thực sự hiệu quả và khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn hơn, đại biểu cũng chỉ rõ những vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, ông cho rằng, vấn đề bản quyền và phân chia lợi ích giữa nhà khoa học và doanh nghiệp vẫn cần quy định rõ hơn. Điều 28 của Luật đã đề cập đến, nhưng còn khá chặt, có thể làm doanh nghiệp ngại đầu tư. Do đó, cần tạo cơ chế linh hoạt, để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào chế tạo, thử nghiệm, rồi sau đó thương mại hóa. Nhà nước cũng có thể cùng đầu tư với doanh nghiệp vào các đề tài lớn, có tính ứng dụng cao.

Bên cạnh việc tạo điều kiện về cơ chế hợp tác và chia sẻ lợi ích, dự thảo Luật cũng ghi nhận những bước tiến đáng kể trong chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí dành cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được tính là chi phí hợp lý trước thuế, điều này trước đây chưa từng có. Ngoài ra, Luật khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nội bộ. Tuy nhiên, phát triển xanh và kinh tế số không chỉ nằm ở một luật. Những nội dung này còn được thể hiện rõ trong các Nghị quyết của Chính phủ và các luật khác. Doanh nghiệp nếu nắm bắt được xu thế công nghệ, nhất là hạ tầng số, thì có thể “đi tắt đón đầu,” bắt kịp trình độ các nước tiên tiến.

Không chỉ dừng lại ở các ưu đãi tài chính, một điểm mới quan trọng khác nhằm giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi mạnh dạn đổi mới cũng được đề cập. Luật lần này còn khuyến khích doanh nghiệp thông qua cơ chế thử nghiệm, tức là nếu nghiên cứu không thành công thì doanh nghiệp cũng không bị truy cứu trách nhiệm, trừ khi có vi phạm cố ý. Đây là bước tiến lớn giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới.

Song song với việc thúc đẩy doanh nghiệp tự nghiên cứu, việc đưa các kết quả nghiên cứu từ các tổ chức công ra thị trường cũng là một bài toán cần lời giải. Về việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho hay, vẫn là điểm đang được thảo luận. Chủ trương là phải tháo gỡ nhanh, cắt giảm thủ tục rườm rà để nhà khoa học không phải mất thời gian giải trình hồ sơ. Trong Luật đã thể hiện tinh thần đó, nhưng như tôi đã nói, Luật không thể quy định chi tiết mọi thứ. Chúng ta cần hệ thống nghị định, thông tư cụ thể hóa các nguyên tắc mà Luật đề ra. Như vậy mới thực sự giúp nhà khoa học thương mại hóa được sản phẩm của mình một cách thuận lợi.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân đánh giá, Dự thảo Luật lần này ra đời rất kịp thời, tiếp nối Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 193) nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Nghị quyết 57). Ngay sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, dư luận, cử tri, doanh nghiệp và giới khoa học đều mong chờ một hành lang pháp lý rõ ràng để thực hiện.

Nghị quyết 193 là bước đi đầu tiên, nhưng do giới hạn về hình thức văn bản, chưa thể bao trùm hết như một luật. Vì thế, sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 là cần thiết. Lần sửa đổi này mang tính bao quát hơn, đề cập rõ ràng đến vai trò của doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ. Về thủ tục hành chính, Luật mới đã đơn giản hóa mạnh mẽ: loại bỏ 9 đến 11 thủ tục cũ, chỉ giữ lại hai thủ tục bắt buộc và bổ sung 4 thủ tục mới để phù hợp với các hoạt động thực tiễn.

Tuy nhiên, Đại biểu cũng đề nghị trong quá trình hoàn thiện luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, cần có hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng quy định đúng nhưng khó thực hiện. Nếu thực hiện tốt quy định thì sẽ khuyến khích sự sáng tạo của các nhà khoa học.

Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/de-xuat-nha-khoa-hoc-huong-loi-theo-giai-doan-nghien-cuu-post1542051.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm