Là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống trên 98%, Lục Hồn sở hữu kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng của các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Theo đó, những năm qua, Đảng ủy xã đã lãnh đạo, chỉ đạo duy trì tổ chức hiệu quả các lễ hội truyền thống như lễ hội đình Lục Nà, lễ mừng cơm mới trong khuôn khổ Hội mùa vàng, Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Bình Liêu. Thông qua các hoạt động như: Biểu diễn văn nghệ, giao lưu hát then - đàn tính, thi đấu thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, trình diễn trang phục dân tộc trên ruộng bậc thang, hội thi mâm lễ mừng cơm mới... không chỉ tạo không khí vui tươi, đoàn kết cộng đồng mà còn góp phần quan trọng bảo tồn, giáo dục truyền thống và giới thiệu, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương tới bạn bè, du khách bốn phương.
Cùng với đó, công tác sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể cũng được xã quan tâm, thực hiện bài bản, tích cực. Xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản Then Tày, lễ mừng cơm mới; xây dựng Đề án bản văn hóa người Tày; tái hiện lễ cưới dân tộc Sán Chỉ, tục lấy nước đầu năm của người Tày… vào mỗi dịp lễ hội. Trong đó, nghi lễ Then của người Tày ở Quảng Ninh mà Bình Liêu là đại diện tiêu biểu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013. Năm 2019, Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Thêm nữa, xã thường xuyên mở các lớp truyền dạy hát then, đàn tính, hát soóng cọ cho nhân dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu nhi; thành lập và duy trì các CLB văn nghệ dân gian. Toàn xã hiện có 1 CLB hát then - đàn tính cấp xã và 16 CLB văn nghệ tại các thôn.
Đồng chí Vi Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Lục Hồn, cho biết: Việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống không chỉ góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, mà còn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc phát huy vai trò chủ thể trong giữ gìn văn hóa. Từ nền tảng đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phát triển mô hình du lịch cộng đồng, xây dựng homestay gắn với văn hóa bản địa, tận dụng cảnh quan, phong tục, tập quán, ẩm thực truyền thống để thu hút du khách. Đây không chỉ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế mà còn góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Song song với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xã Lục Hồn đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân từ bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Vai trò của các thầy cúng, thầy mo, người có uy tín trong cộng đồng tiếp tục được phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” được triển khai sâu rộng, gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng NTM, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân.
Với cách làm bài bản, sáng tạo và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, xã Lục Hồn đã và đang trở thành điểm sáng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, văn minh, hướng đến sự phát triển bền vững.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/diem-sang-xa-luc-hon-3359255.html
Bình luận (0)