Nhiều bộ phim “cháy vé” lại bị đánh giá là những cú trượt dài về nội dung, lối kể chuyện cũ kỹ, thậm chí là nhàm chán. Đáng ngại hơn, xuất hiện tình trạng một bộ phận khán giả đi xem phim Việt chỉ để… thất vọng, rồi quay sang giễu nhại trên mạng xã hội, tạo thành trào lưu thiếu tích cực.
Thành công từ chiến dịch truyền thông
Trong những năm gần đây, nhất là đầu năm 2025, thị trường phim Việt chứng kiến một xu hướng rõ rệt: Phim càng nhiều chiêu trò, càng dễ thu hút khán giả. Dòng phim giải trí thuần túy chiếm lĩnh phòng vé với các yếu tố “đinh” như: Tấu hài, bạo lực, yếu tố tâm linh, hay những cảnh quay gợi cảm câu khách. Điều này không sai nếu chỉ xét trên khía cạnh thị trường, nhưng đã tạo ra mặt bằng nội dung lệch chuẩn.
Thí dụ, có những phim đạt doanh thu cao bậc nhất trong lịch sử điện ảnh Việt nhưng người xem dễ dàng nhận ra công thức quen thuộc: Một nhóm nhân vật “dị biệt”, lời thoại đậm chất mạng xã hội, các tình huống phi lý nhưng được dàn dựng công phu. Không có gì mới về nội dung, không khai thác chiều sâu tâm lý hay xung đột nội tại bởi nhà sản xuất cho rằng mình hiểu khán giả đại chúng muốn gì và dồn lực vào đó, bất chấp nguyên tắc kể chuyện tối thiểu của điện ảnh.
Tệ hơn, thành công về doanh thu của những bộ phim như thế khiến các nhà đầu tư, nhà sản xuất nghĩ rằng cứ “đánh trúng thị hiếu” là thắng. Từ đó, hình thành một guồng quay đầu tư theo phong trào: Đổ tiền vào các kịch bản dễ hiểu, dễ làm, dễ bán vé, dễ quảng cáo… trong khi phim nghệ thuật, phim lịch sử, hay các tác phẩm đậm sắc mầu, nhịp điệu xã hội đòi hỏi chiều sâu và sự dấn thân lại bị xếp sau, thậm chí khó có cửa ra rạp.
Trên các nền tảng mạng xã hội, không ít khán giả trẻ chia sẻ cảm giác: “Xem phim Việt để tức”, “ra rạp xả stress rồi về… stress hơn”. Cảm xúc ấy không hẳn vì họ quay lưng với điện ảnh nước nhà, mà bởi đã tin tưởng và rồi thất vọng. Doanh thu cao không thể mãi là “vương miện” che lấp sự yếu kém trong chất lượng kịch bản, diễn xuất hay đạo diễn. Điều này đặt ra vấn đề cho cả các nhà quản lý lẫn giới chuyên môn rằng liệu điện ảnh Việt đang phát triển thực chất và đi đúng hướng hay chưa?
Tại một số cuộc hội thảo, tọa đàm có quy mô toàn quốc và quốc tế về điện ảnh, các chuyên gia đã lý giải hiện tượng điện ảnh Việt đang ngả dần về phía thị trường hóa quá mức, trong đó có những căn nguyên sâu xa, cả từ phía nhà làm phim lẫn từ hệ sinh thái điện ảnh bao quanh. Đầu tiên là do thiếu nền tảng đào tạo bài bản, định hướng thẩm mỹ rõ ràng.
Nhiều nhà làm phim hiện nay đến từ các ngành nghề khác như: Truyền thông, marketing hay đơn giản là có tiềm lực tài chính muốn thử sức với điện ảnh. Họ giỏi trong việc dự đoán thị trường, tung chiến dịch truyền thông dồn dập nhưng lại không được đào tạo bài bản về ngôn ngữ điện ảnh, vốn là thứ yêu cầu tư duy cấu trúc, hình ảnh, nhịp điệu và nhân sinh quan. Hậu quả là phim thường “nửa mùa”: Bề ngoài hoành tráng, bên trong sáo rỗng.
Bên cạnh đó, hiện tượng nhà sản xuất lấn át đạo diễn và khán giả định hình nội dung đang khá phổ biến. Trong nhiều dự án, đạo diễn vừa sáng tạo nhưng vừa phải phục vụ cho mục tiêu doanh thu của nhà đầu tư. Khi quyết định nội dung nằm trong tay đối tượng không ưu tiên nghệ thuật sẽ dẫn tới hệ quả tất yếu là những kịch bản dễ dãi, nhân vật một chiều, xung đột được giải quyết bằng sự nhạt nhẽo hoặc phản cảm. Ngoài ra, phải kể tới một bộ phận khán giả bị chi phối bởi mạng xã hội, clip ngắn và xu hướng “càng nhanh càng vui” đang tác động, tạo nên thói quen xem phim không cần hiểu, không cần nhớ. Vậy nên, ngay cả những bộ phim đậm chất lịch sử, nhân văn hay mang hơi hướng thể nghiệm cũng bị quay lưng. Thiếu nền tảng, bảo thủ về thị hiếu cũng trở thành lực cản khiến các nhà làm phim tử tế nản lòng.
Ở nhiều nước có nền điện ảnh phát triển, Nhà nước và các tổ chức độc lập đóng vai trò định hướng qua việc tài trợ các dự án nghệ thuật, tổ chức liên hoan phim và phát triển các không gian chiếu phim ngoài dòng thương mại. Việt Nam cần một hệ sinh thái như vậy.
Bên cạnh đó, hệ thống phê bình chuyên nghiệp chưa làm đúng vai trò thúc đẩy chất lượng phim trong nước, trong khi các đánh giá tràn lan trên mạng xã hội thường cảm tính, thiên vị hoặc bị chi phối bởi nhiều yếu tố khiến công chúng không có căn cứ chuyên môn để đánh giá đúng về một bộ phim thật sự thành công về cả doanh thu lẫn chất lượng.
Điện ảnh Việt từng có thời kỳ vàng son với những tác phẩm kinh điển. Tuy nhiên, dòng chảy ấy bị đứt đoạn khi phim tư nhân lên ngôi nhưng chưa có hệ giá trị phát triển chuẩn mực. Kết quả là các nhà làm phim thế hệ tiếp nối không có truyền thống kế thừa vững chắc, đôi khi buộc phải thỏa hiệp với thị trường nếu muốn tồn tại.
Tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả
Việt Nam có kho tàng lịch sử, văn hóa đồ sộ trải dài hàng nghìn năm, từ các triều đại dựng nước, giữ nước, đến những thời kỳ hào hùng như: Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, công cuộc đổi mới và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, hội nhập quốc tế… Tuy nhiên, điện ảnh Việt hiện nay gần như bỏ ngỏ mảnh đất tiềm năng ấy, hoặc nếu có khai thác thì cũng dừng ở mức... “cho có”.
Làm phim lịch sử là một “cuộc chiến” thật sự: Chi phí cao (trang phục, bối cảnh, kỹ xảo, huấn luyện diễn viên), thời gian sản xuất dài, và nhất là, rủi ro lớn về doanh thu. Trong khi đó, không có quỹ hỗ trợ lớn, cũng không có bảo hiểm tài chính từ các quỹ phim độc lập, nhà sản xuất tư nhân vì thế đắn đo, sợ thất bại. Bên cạnh đó, không ít nhà làm phim e ngại cách diễn giải lịch sử cho nên nhiều dự án rơi vào tình trạng an toàn hóa đến mức nhạt nhòa.
Các nhà phê bình điện ảnh cho rằng, phim lịch sử hay không nhất thiết phải hoành tráng, điều quan trọng nhất vẫn là kịch bản. Song, điện ảnh Việt lâu nay chưa có truyền thống đầu tư chiều sâu cho kịch bản. Các dự án thường bắt đầu bằng ý tưởng rồi mới tìm người “chắp” tình tiết, vì thế phim nặng tính minh họa, thiếu kịch tính điện ảnh, không tạo được “cú huých” cảm xúc.
Dù còn nhiều lực cản, nhưng thực tế vẫn có những dự án phim điện ảnh chính luận của Việt Nam đã vượt khó để đạt những thành công đáng ghi nhận. Thành công của phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” năm 2025 là một bước ngoặt quan trọng vì sức lan tỏa của một bộ phim về chiến tranh, cách mạng được làm ra với tâm huyết điện ảnh đích thực. Phim không đi theo lối mòn minh họa hay sáo rỗng mà chọn cách kể chuyện gần gũi, tinh tế, đậm tính nhân văn. Khán giả thấu hiểu, chiến tranh hiện lên không chỉ với bom đạn mà còn là bi kịch của thân phận con người, là khoảng trống lặng lẽ trong tâm hồn. Kể lịch sử bằng câu chuyện của con người cũng là cách tiếp cận mà điện ảnh thế giới đã thành công từ lâu. Sức hút từ tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho thấy khán giả Việt sẵn sàng đón nhận phim lịch sử, miễn là được kể bằng một ngôn ngữ điện ảnh chỉn chu, chạm đến chiều sâu cảm xúc.
Một thế hệ đạo diễn trẻ như: Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Trần Thanh Huy, Nguyễn Phan Quang Bình... đang cho thấy sự lựa chọn tương đối xuyên suốt, bền vững, vận dụng yếu tố lịch sử để khai phá cảm xúc và bản sắc điện ảnh. Bên cạnh đó, nhiều dự án phim ngắn, phim độc lập, thậm chí phim học đường, cũng đang lặng lẽ khai thác lịch sử địa phương, văn hóa dân gian hay nhân vật bị quên lãng trong dòng chảy thời gian.
Không khó để thấy giới trẻ ngày càng có nhu cầu tìm về lịch sử theo những cách mới. Họ đọc tiểu thuyết lịch sử, xem vlog về di tích, đắm mình trong những video phục dựng, cosplay nhân vật cổ. Sự thành công của các tác phẩm như: “Đại Việt sử ký toàn thư” phiên bản kể chuyện, “Việt sử giai thoại” hay các gameshow lịch sử trên mạng xã hội cho thấy sức sống của lịch sử khi được thổi vào hơi thở mới đầy sáng tạo. Nếu điện ảnh biết đón lấy làn sóng này thì đó chính là nguồn khán giả trung thành cho những bộ phim lịch sử công phu.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết, trên thị trường quốc tế, nhiều phim thành công vì dung hòa được yếu tố nghệ thuật và giải trí để thu hút người xem. Nếu những tác phẩm trong nước được đầu tư về mọi mặt thì hoàn toàn có thể chinh phục khán giả toàn cầu. Tuy nhiên, muốn xây dựng được nền công nghiệp điện ảnh phải có sự phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân. Trước hết là xây dựng cơ chế chia lợi nhuận hợp lý để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh; có cơ chế khích lệ nhà làm phim như: Hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo và phát triển tài năng trẻ… để truyền cảm hứng sáng tạo ra những tác phẩm đạt chất lượng không chỉ với thị trường trong nước mà còn cả quốc tế.
Rõ ràng, điện ảnh Việt có đủ tiềm năng nhưng cần một cơ chế quản lý thật sự đúng tầm, hiệu quả và được thực hiện đồng bộ để vươn tầm. Khi đủ sức thỏa mãn nhu cầu của cả giới chuyên môn lẫn công chúng đại trà thì chắc chắn doanh thu và chất lượng phim sẽ không còn tỷ lệ nghịch.
Nguồn: https://nhandan.vn/dien-anh-viet-doanh-thu-chua-song-hanh-cung-chat-luong-post879520.html
Bình luận (0)