Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Diễn biến mới tranh cãi thu tiền tác quyền ca khúc cách mạng trên YouTube

(Dân trí) - Liên quan đến vụ "ngăn chặn phổ biến ca khúc cách mạng", các bên liên quan là BH Media và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã đưa ra thông tin và phản hồi.

Báo Dân tríBáo Dân trí28/05/2025

VCPMC chặn video nhạc cách mạng, lạm dụng quyền, tận thu tác quyền?

Vào tháng 4, ngay trước thềm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, một loạt video nhạc cách mạng đăng tải trên YouTube bất ngờ bị chặn, khiến dư luận xôn xao và đã làm dấy lên tranh cãi gay gắt giữa các bên liên quan.

Trong đó có nhiều ca khúc quen thuộc, mang đậm giá trị văn hóa - lịch sử như: Vì nhân dân quên mình (tác giả Doãn Quang Khải), Bài ca thống nhất (Võ Văn Di), Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu và Bùi Công Minh) và Đoàn vệ quốc quân (tác giả Phan Huỳnh Điểu) thuộc album Bài ca người lính Vol2.

Các video này đều do Trung tâm Hãng phim Trẻ sản xuất và được BH Media quản lý phát hành trên nền tảng số.

Ngày 27/5, công ty BH Media đã có buổi trao đổi với các cơ quan báo chí liên quan đến vụ việc.

Diễn biến mới tranh cãi thu tiền tác quyền ca khúc cách mạng trên YouTube - 1

Video “Đoàn vệ quốc quân” bị chặn (Ảnh: BH Media cung cấp).

BH Media cho biết, phía VCPMC đã có hành vi cản trở việc phổ biến (chặn) các tác phẩm âm nhạc cách mạng kể trên, nhằm yêu cầu chủ sở hữu video phải đóng thêm tiền bản quyền.

BH Media cho rằng, hành động này của VCPMC là “lạm dụng quyền”, “tận thu tác quyền” và công ty hoàn toàn không đồng tình.

Bởi theo BH Media, YouTube đã trả tiền tác quyền cho các video âm nhạc của Hãng phim Trẻ rồi.

Cụ thể, BH Media cho rằng, họ có bằng chứng cho thấy trên hệ thống quản lý nội dung của YouTube hiển thị rất rõ thông tin: VCPM-CS (tức VCPMC) đã gắn quyền vào tác phẩm Đoàn vệ quốc quân và nhận 100% quyền “Biểu diễn” (PR - Performance Right) và 100% quyền “Sao chép” (MR - Mechanical Right). Tức là, VCPMC sẽ được nhận tiền tác quyền do YouTube trả rồi.

“Một mặt VCPMC âm thầm thu phần tiền bản quyền YouTube đã chi trả, mặt khác VCPMC lạm dụng sức mạnh của các công cụ xử lý bản quyền mà YouTube cung cấp, để “block” (chặn), “takedown” (gỡ bỏ) video, khiến các nhà sản xuất âm nhạc, nhà sáng tạo nội dung phải đóng thêm tiền tác quyền.

Việc VCPMC “block” video để gây sức ép thu thêm nhiều lần tiền tác quyền khiến cho các bên sản xuất, phát hành âm nhạc phải chịu thêm gánh nặng chi phí. Nếu họ chịu đóng tiền tác quyền cho VCPMC, mức phí đó thường chỉ là phí cấp quyền cho một năm sử dụng. Những năm tiếp theo, có thể, họ sẽ tiếp tục phải đóng phí gia hạn cho VCPMC”, ông Nguyễn Hải Bình - Tổng Giám đốc BH Media - cho hay.

Đại diện BH Media cho biết, mô hình cấp phép hiện nay của VCPMC khác với thông lệ quốc tế, trong đó các tổ chức đại diện quyền như PRS for Music (Anh), GEMA (Đức), ASCAP (Mỹ)… sau khi ký thỏa thuận với YouTube sẽ không chặn hay yêu cầu trả thêm tiền ngoài hệ thống.

Cách thu phí như hiện nay đang đẩy chi phí sản xuất tăng lên, khiến các đơn vị phát hành không còn mặn mà sử dụng các tác phẩm thuộc quản lý của VCPMC. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chính các tác giả đã ủy quyền cho trung tâm.

Ngoài ra, phía BH Media cho rằng, hành động “block” video không chỉ tạo áp lực tài chính mà còn ảnh hưởng đến quyền tiếp cận của công chúng với những tác phẩm mang tính lịch sử, giáo dục.

"Việc VCPMC đi “gõ” từng cá nhân để đòi thêm tiền tác quyền không chỉ trái quy định của nền tảng YouTube mà còn trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo điểm a, khoản 3, điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, các chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này.

Ví dụ như sao chép video đăng lên YouTube chỉ nhằm mục đích phát video (truyền đạt tác phẩm) cho khán giả xem trên YouTube", đại diện BH Media nói.

Ông Nguyễn Hải Bình cũng nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa tác giả với các nhà sản xuất, phát hành là mối quan hệ cộng sinh”. Bởi nếu không có các nhà sản xuất và đơn vị phát hành thì các tác phẩm âm nhạc sẽ không đến được với công chúng, cũng không thể tạo ra doanh thu tác quyền.

Chúng tôi luôn tôn trọng quyền tác giả, tuy nhiên, việc bảo vệ quyền tác giả trên môi trường YouTube tại Việt Nam cần được minh bạch và tuân thủ theo chính sách của nền tảng cũng như thông lệ quốc tế".

Diễn biến mới tranh cãi thu tiền tác quyền ca khúc cách mạng trên YouTube - 2

Dẫn chứng BHMedia đưa ra (Ảnh: BH Media cung cấp).

VCPMC phản hồi

Liên quan về thông tin do BH Media đưa ra, phía VCPMC đã gửi phản hồi phóng viên Dân trí rằng, BH Media đang hiểu chưa đúng khi cho rằng YouTube đã trực tiếp thanh toán đầy đủ tiền tác quyền cho VCPMC.

Theo VCPMC, việc hệ thống quản lý nội dung (CMS) của YouTube hiển thị quyền biểu diễn (PR) và quyền sao chép (MR) không đồng nghĩa với việc đơn vị này được miễn trừ nghĩa vụ pháp lý.

Thực chất, đây chỉ là thông tin kỹ thuật, phản ánh việc phân chia doanh thu nội dung trên nền tảng, không thể coi là bằng chứng pháp lý cho việc miễn trừ trách nhiệm thanh toán các quyền khác.

Phía VCPMC lý giải rằng YouTube, với tư cách là nền tảng phân phối, đã thiết lập một cơ chế tự động chia sẻ doanh thu cho các loại quyền như PR và MR, nhằm thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả cho các tác phẩm được phát trên nền tảng.

Tuy nhiên, khoản tiền này không bao gồm "quyền sao chép để đồng bộ hóa" (sync rights) - quyền cần thiết để tạo ra bản ghi âm, ghi hình hoặc bản sao kỹ thuật số dùng cho mục đích đăng tải lên YouTube.

Theo đơn vị này, đây là nghĩa vụ riêng của người sản xuất, đăng tải video - tức các tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác nội dung âm nhạc để kinh doanh, hưởng lợi từ nền tảng.

VCPMC cũng viện dẫn Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam để khẳng định rằng, việc sao chép tác phẩm với mục đích đăng tải trên các nền tảng số không thuộc nhóm hành vi “sao chép để thực hiện quyền khác” được miễn trừ, mà thuộc trường hợp phải xin phép và trả tiền tác quyền theo quy định của khoản 2 Điều 20.

Trên cơ sở đó, VCPMC khẳng định, họ có đầy đủ quyền đại diện để cấp phép sử dụng và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bản quyền đối với các video âm nhạc được sản xuất chuyên nghiệp bởi các công ty truyền thông, trong đó có BH Media.

Các cá nhân hay doanh nghiệp sử dụng tác phẩm âm nhạc cho mục đích khai thác thương mại trên YouTube, dù trực tiếp hay gián tiếp kiếm tiền từ nền tảng, đều phải thực hiện nghĩa vụ liên quan đến quyền tác giả.

Đơn vị này cũng phản bác việc BH Media viện dẫn các tổ chức quốc tế như ICE hay Songtrust để làm đối chứng, cho rằng việc so sánh này là thiếu chính xác.

Theo VCPMC, họ là tổ chức đại diện quyền tác giả tại Việt Nam, được ủy quyền đầy đủ và hợp pháp, với phạm vi hoạt động và cơ chế khác hoàn toàn so với các tổ chức nước ngoài chỉ tập trung vào một vài loại quyền tài sản.

Đáng chú ý, phía VCPMC cho biết đã nộp hai đơn khởi kiện BH Media ra tòa án. Một đơn kiện nhằm yêu cầu bồi thường thiệt hại vì xâm phạm quyền tác giả đối với 27 tác phẩm thuộc thành viên trung tâm.

Đơn kiện thứ hai liên quan đến việc BH Media đưa ra phát ngôn bị cho là sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh của tổ chức, yêu cầu cải chính và công khai xin lỗi.

Về phía BH Media, đơn vị này phản hồi rằng đến thời điểm hiện tại họ chưa nhận được thông báo chính thức từ tòa án về hai vụ kiện nói trên.

Tuy nhiên, nếu vụ việc được thụ lý, BH Media cho biết sẵn sàng theo đuổi đến cùng để làm rõ vấn đề. Đại diện của BH Media cho biết công ty sẽ gửi văn bản tới các cơ quan chức năng để phản ánh về vấn đề thu phí tác quyền bất hợp lý của VCPMC.

Quyền sao chép tác phẩm trên nền tảng YouTube: Theo quy định của pháp luật, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền sao chép tác phẩm, được quyền kiểm soát việc khai thác, sử dụng tác phẩm của mình, bao gồm cả việc tạo ra các bản sao kỹ thuật số của tác phẩm.

Việc các tổ chức, cá nhân sử dụng quyền sao chép tác phẩm để định hình và/hoặc tạo ra bản ghi âm, ghi hình (video) hay bản sao kỹ thuật số của tác phẩm nhằm mục đích thương mại thay vì sao chép vật lý như trước đây, được xem là hành vi sử dụng quyền sao chép tác phẩm (sao chép để đồng bộ hóa).

Các đơn vị sản xuất và cung cấp nội dung sử dụng quyền sao chép tác phẩm để tạo ra bản ghi âm, ghi hình nhằm đăng tải và phát hành trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội.

Thông qua các nền tảng này, công chúng, người nghe nhạc có thể tiếp cận tác phẩm âm nhạc, sản phẩm âm nhạc và từ đó mang lại doanh thu, lợi nhuận cho các nền tảng; đồng thời, theo đó các đơn vị cung cấp nội dung/người đăng tải/chủ kênh cũng được hưởng lợi theo cơ chế phân chia lợi ích của nền tảng.

Về nghĩa vụ của người sử dụng: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ thể thực hiện hành vi sao chép tác phẩm để định hình và/hoặc tạo ra các bản ghi âm, ghi hình/video để đăng tải, phát hành trên các nền tảng trực tuyến nhằm mục đích khai thác thương mại có nghĩa vụ phải xin phép sử dụng và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả căn cứ theo ủy quyền của tác giả và các hình thức sử dụng quyền sao chép mà đơn vị sử dụng thực hiện để tiến hành thỏa thuận, đàm phán, cấp phép và thu tiền bản quyền đối với việc sử dụng này.

Khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ

Để được xem là "sao chép chỉ để thực hiện quyền khác" theo quy định, hành vi sao chép phải đáp ứng hai điều kiện:

(i) mục đích sao chép nhằm thực hiện một quyền khác - là điều kiện cần thiết, bắt buộc; (ii) đồng thời, chủ thể sao chép phải là người thực hiện "quyền khác" đó.

Đối chiếu với hành vi sao chép trực tuyến, trong trường hợp sao chép trực tuyến để khai thác thương mại trên các nền tảng như YouTube hay Facebook thì lúc này có sự tham gia của hai chủ thể pháp lý riêng biệt với hai hành vi sử dụng riêng biệt, đó là:

- "Người đăng tải" thực hiện quyền sao chép để tạo bản sao kỹ thuật số lưu trữ trên nền tảng.

- "Nền tảng trực tuyến" sử dụng quyền truyền đạt, cung cấp tác phẩm đến công chúng thông qua các phương tiện kỹ thuật của mình.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/dien-bien-moi-tranh-cai-thu-tien-tac-quyen-ca-khuc-cach-mang-tren-youtube-20250528131619204.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm