Bệnh viện “đẹp ngỡ ngàng”
Những ngày này, nhiều người dân lưu thông qua khu vực Bệnh viện đa khoa khu vực TP Thủ Đức (đường Lê Văn Chí) đều tranh thủ dừng lại chụp hình, không tin nơi đây có một bệnh viện khang trang, hiện đại như thế.
TS-BS Cao Tấn Phước, Giám đốc BV đa khoa khu vực TP Thủ Đức, chia sẻ: Bệnh viện mới quy mô 1.000 giường có tổng mức đầu tư trên 1.900 tỷ đồng và gói trang thiết bị y tế đạt chuẩn quốc tế 1.450 tỷ đồng. Bệnh viện sẽ nỗ lực vượt bậc để phát triển thành trung tâm điều trị chuyên sâu khu vực phía Đông của thành phố. Từ bên ngoài đến bên trong bệnh viện đều được bao phủ mảng xanh, hòa quyện với thiên nhiên, mang lại không khí trong lành và không gian thư thái cho người bệnh. Tại tầng 3, nơi đặt 22 phòng mổ áp lực âm hiện đại, phòng ICU và khu kỹ thuật, các công đoạn lắp ráp trang thiết bị đang được hoàn thiện, phấn đấu hoàn thành khi hết quý 3-2025. Khu nội trú ngoài hệ thống máy lạnh điều hòa trung tâm còn được trang bị rèm che hiện đại, ti vi và nhiều tiện ích khác.

Ngược về cửa ngõ Tây Bắc của thành phố, sau hơn 1 tuần bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn mới vận hành toàn bộ công năng, đội ngũ thầy thuốc, người bệnh của bệnh viện này vẫn còn lâng lâng hạnh phúc. “Bà ngoại tôi 92 tuổi, trước đây điều trị đột quỵ ở Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM, đi lại vất vả. Từ khi bệnh viện này có khu chăm sóc tích cực đột quỵ cấp, gia đình đưa ngoại về đây theo dõi, điều trị. Thầy thuốc ân cần, chăm sóc tận tình, cơ sở vật chất hiện đại... nên gia đình tôi yên tâm lắm. Riêng tôi đã quyết định sẽ sinh thêm con thứ 2 tại đây”, chị Huỳnh Nhật Thảo (ngụ huyện Hóc Môn) chia sẻ.
Hơn 12 năm gắn bó với bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nội - Thần kinh, kể: Ngày đầu mới về công tác tại bệnh viện, không ngờ khó khăn đến thế. Cơ sở vật chất, hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu. Vào mùa mưa, bệnh viện thường rơi vào tình trạng ngập lụt, thầy thuốc phải đi ủng khám chữa bệnh. Giờ đây, câu chuyện đó đã lùi về quá khứ khi bệnh viện mới khang trang, hiện đại. Giấc mơ của chúng tôi đã thành sự thật. Khoa hiện có 23 nhân sự (11 bác sĩ, 12 điều dưỡng) và với sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến cuối, chúng tôi sẽ xây dựng khoa Nội - Thần kinh thành trung tâm điều trị đột quỵ như sự kỳ vọng của người dân thành phố.
Kỳ vọng mới
Năm 2021, 3 bệnh viện cửa ngõ thành phố được khởi công xây mới với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Ba bệnh viện đều có sân đậu máy bay trực thăng, hướng đến việc vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không một cách nhanh chóng, giúp ích cho người bệnh nặng trong tương lai. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành Vương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, bộc bạch: Trước đây, người thân của bệnh nhân ung thư, đột quỵ khi xin giấy chuyển tuyến cho biết là đi khám ở bệnh viện tuyến cuối vất vả quá, phải xếp hàng lúc 3-4 giờ sáng. Ước gì bệnh viện có khoa điều trị để họ không phải ngược xuôi. Mong ước đó giờ đã thành hiện thực sau khi bệnh viện được xây mới đã ký kết hợp tác để các Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định… mở phòng khám vệ tinh ngay tại Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, đồng thời đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điều trị cho chúng tôi. Khi chúng tôi làm chủ được các kỹ thuật hiện đại, người bệnh sẽ được điều trị toàn diện mà không phải đi lại vất vả như trước.
Tương tự, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, BV đa khoa khu vực TP Thủ Đức cũng đã ký kết hợp tác với các bệnh viện tuyến cuối, trên nền tảng phát triển thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh. Khi đó, các bệnh viện sẽ không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, củng cố phát triển các chuyên khoa nền tảng không thể thiếu như cấp cứu, hồi sức, sản khoa, ngoại khoa, nhi khoa, sơ sinh, lão khoa, chấn thương chỉnh hình, mắt, y học cổ truyền… Song song đó, bệnh viện sẽ đẩy mạnh phát triển chuyên sâu lĩnh vực can thiệp nội mạch như tim mạch, thần kinh, mạch máu ngoài tim với sự đầu tư trang thiết bị hiện đại như hệ thống CT từ 256 lát cắt trở lên, MRI 3.0 Tesla…
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy, đây là định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển 3 bệnh viện cửa ngõ. Thời gian tới, thành phố tiếp tục đưa vào vận hành Bệnh viện An Bình (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng, triển khai dự án xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (trên 2.400 tỷ đồng). UBND TPHCM cũng vừa ban hành Kế hoạch số 2559/KH-UBND về triển khai Đề án huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển y tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2025-2030 với hàng loạt dự án cụ thể tại các bệnh viện công lập, tư nhân và cơ sở đào tạo y khoa, có tổng nguồn huy động từ nguồn vốn công và xã hội hóa 33.600 tỷ đồng.
TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược tại KCN Lê Minh Xuân 2, huyện Bình Chánh; năm 2025 khởi công xây dựng Trung tâm Khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao dự kiến đặt tại cơ sở 1 của Bệnh viện Ung bướu; thành lập Trung tâm Khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao tại Cụm Y tế Tân Kiên và Cụm Y tế TP Thủ Đức; hình thành thêm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tại Cụm Y tế Bình Chánh, Cụm Y tế TP Thủ Đức và các khu vực khác phù hợp với quy hoạch được phê duyệt; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hiện hữu. Xây dựng thành phố trở thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao...
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dien-mao-moi-cua-nganh-y-te-tphcm-post793467.html
Bình luận (0)