Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dinh Độc lập - Chứng nhân lịch sử giữa lòng TP.Hồ Chí Minh

Trên một diện tích 12ha, dinh thự mới được xây dựng với kiến trúc rất đẹp. Mặt tiền của dinh dài 80m, vật liệu xây dựng đa số được đưa từ Pháp qua. Vào năm 1870, do xảy ra chiến tranh Pháp - Phổ nên công trình phải tới năm 1873 mới hoàn thành, khi đó dinh có tên là Norodom vì đặt theo tên của Quốc Vương Campuchia lúc đó, con đường phía trước dinh cũng được đặt tên là Norodom. Trong quá trình tồn tại từ năm 1873 đến 1945, Dinh được sử dụng như là dinh thống đốc và sau đó là dinh toàn quyền. Năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp, tòa nhà trở thành nơi làm việc của Nhật, đến cuối tháng 9 năm 1945, nó trở lại chức năng là nơi làm việc của chính quyền Pháp khi Nhật thất bại trong thế chiến II.

Báo Quảng NgãiBáo Quảng Ngãi03/05/2025

(Baoquangngai.vn)- Những ngày qua, đông đảo người dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới lại tìm về Dinh Độc lập - biểu tượng của chiến thắng, hòa bình thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 50 năm đã trôi qua, Dinh Độc lập với dấu mốc thiêng liêng của dân tộc thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước ghé thăm.
 
Trong kho tàng các di tích văn hóa lịch sử của đất nước, Dinh Độc lập góp mặt như một trong những di tích quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt. Tuy vậy không nhiều người nước ngoài đến Việt Nam biết đến lịch sử xây dựng nên khu dinh thự hiện đại bật nhất này trước đây. Đó là sau khi chiếm được Nam Kỳ lục tỉnh vào năm 1867, đến tháng 2/1868, Thống đốc Nam kỳ Lagrandiere đã đặt viên đá đầu tiên trong buổi lễ xây dựng lại Dinh thống đốc cũ được xây dựng vào năm 1863 làm bằng gỗ, khu dinh mới này được xây dựng theo bản phác thảo của kiến trúc sư Hermite.
 
Dinh Độc Lập đã và đang thực hiện tốt chức năng giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ Việt Nam
Dinh Độc Lập đã và đang thực hiện tốt chức năng giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ Việt Nam
Khách quốc tế tham quan Dinh Độc lập
Khách quốc tế tham quan Dinh Độc lập

Sau năm 1954, khi Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống đã cho đổi thành dinh Độc Lập. Năm 1962 phần lớn dinh bị phá hủy sau một cuộc ném bom của đảng đối lập, Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng lại dinh mới ngay trên khu đất cũ theo bản thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Trong quá trình xây dựng dinh mới, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chuyển sang dinh Gia Long gần đó (nay là thư viện TP.Hồ Chí Minh) ở và làm việc. Vào đầu tháng 11/1963 xảy ra sự kiện đảo chính, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát nên quá trình xây dựng phải dang dở một thời gian, mãi đến năm 1966 mới hoàn thành. Từ đó cho đến trước 30/4/1975, đây là nơi ở và làm việc của các đời tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, đồng thời cũng là biểu tượng quyền lực của chế độ này.

Dinh Độc Lập không chỉ mang vẻ đẹp kiến trúc mà còn là biểu tượng của nền hòa bình, thống nhất
Dinh Độc Lập không chỉ mang vẻ đẹp kiến trúc mà còn là biểu tượng của nền hòa bình, thống nhất

Dinh Độc Lập cao 26m, có diện tích xây dựng 4.500m2; diện tích sử dụng lên đến 20 nghìn m2, gồm tầng hầm, tầng trệt, 3 tầng chính, 2 gác lửng và 1 sân thượng với hơn 100 phòng được trang trí nội thất khác nhau. Công trình có các phân khu: Khu làm việc của tổng thống và chính quyền, khu ở của gia đình tổng thống, khu vực phụ trợ (nhà kho, bếp, nhân viên) và hệ thống hầm trú ẩn cùng các phòng thông tin, tác chiến trong trường hợp xảy ra chiến sự liên quan trực tiếp tới dinh.

 

Kiến trúc của Dinh Độc Lập nổi bật với sự kết hợp giữa phong cách hiện đại và truyền thống. Được xây dựng với mục đích làm nơi làm việc và sinh hoạt của tổng thống, dinh thự có các khu chức năng rõ ràng: khu làm việc của tổng thống và chính quyền, khu vực sinh hoạt của gia đình, khu phụ trợ, cùng với hệ thống hầm trú ẩn kiên cố. Hệ thống hầm này không chỉ là nơi bảo vệ gia đình và các nhà lãnh đạo chính quyền trong trường hợp chiến sự mà còn được trang bị đầy đủ phòng thông tin và tác chiến, có khả năng chịu được trọng pháo và bom hạng nặng.

Xe tăng T-54B mang số hiệu 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 là một trong hai chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào húc đổ công Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Xe tăng T-54B mang số hiệu 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 là một trong hai chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào húc đổ công Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam


Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 – cột mốc vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dinh Độc Lập không chỉ là “chứng nhân” lịch sử, nơi lưu dấu mốc son chói lọi mà còn là một biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất đất nước, đúng như tên gọi ngày nay của công trình này - Hội trường Thống Nhất. 

Khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm trước Dinh Độc Lập
Khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm trước Dinh Độc Lập


Dinh Độc Lập đã và đang thực hiện tốt chức năng giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ Việt Nam và là cầu nối giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, là điểm đến của hầu hết các đoàn tham quan và là một trong những địa điểm thu hút số lượng khách tham quan đông nhất tại các di tích - bảo tàng tại TP.Hồ Chí Minh.

Năm 1976, Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích lịch sử Dinh Độc Lập là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Việt Nam. Hiện, Dinh Độc lập lưu giữ khoảng 6.800 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật. Địa điểm lịch sử này đón hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Du khách khi đến đây không chỉ được tận mắt chứng kiến một công trình kiến trúc tuyệt vời mà còn được hiểu thêm về lịch sử của Việt Nam thông qua những câu chuyện và hiện vật được trưng bày tại dinh.

Bài, ảnh: THANH THUẬN

 

Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202505/dinh-doc-lap-chung-nhan-lich-su-giua-long-tphcm-feb0031/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm