Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Định hình không gian phát triển cho Đồng Nai mới

Quy mô diện tích, dư địa đất đai phục vụ phát triển lớn hơn chính là tiền đề quan trọng để tỉnh Đồng Nai mới định hình lại không gian phát triển cho từng lĩnh vực kinh tế. Qua đó, khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế phát triển.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai01/07/2025

Đồng Nai đang triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Ảnh: P.Tùng
Đồng Nai đang triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Ảnh: P.Tùng

Mục tiêu Đồng Nai hướng đến trong dài hạn là trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam.

Lối mở cho động lực chính của nền kinh tế

Tỉnh Đồng Nai mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập tỉnh Bình Phước (cũ) và tỉnh Đồng Nai (cũ) là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về quy mô dân số, diện tích và quy mô nền kinh tế. Tỉnh Đồng Nai mới có vị trí quan trọng, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ liên vùng, là “thủ phủ” công nghiệp lớn nhất cả nước.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, tỉnh Đồng Nai mới xác định mục tiêu phát triển công nghiệp vẫn là động lực chính của nền kinh tế. Với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, quỹ đất rộng lớn, còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt là thu hút ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

Tỉnh mới với quy mô diện tích lớn hơn, dư địa đất đai lớn hơn chính là nền tảng để tỉnh Đồng Nai mới tiếp tục phát huy thế mạnh về phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Hiện nay, Đồng Nai đã hoàn thành việc lập đề án khu thương mại tự do rộng 8,1 ngàn hécta gần Sân bay Long Thành với 4 khu chức năng gồm: sản xuất; logistics; tài chính - thương mại - dịch vụ; nghiên cứu đổi mới sáng tạo và kinh tế số.

Từ trước đến nay, tỉnh Đồng Nai (cũ) vẫn được xem là “thủ phủ” công nghiệp của cả nước, là địa phương dẫn đầu về số lượng khu công nghiệp. Tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng đã tạo ra những bước đột phá phát triển về kinh tế - xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức lớn: quỹ đất phát triển công nghiệp ngày càng thiếu hụt. Trong bối cảnh đó, việc được bổ sung quỹ đất công nghiệp rộng lớn từ tỉnh Bình Phước được xem là lối mở, phát triển ngành công nghiệp.

Viện trưởng Viện Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Phạm Viết Thuận cho rằng, sau khi sáp nhập sẽ có rất nhiều cơ hội cho tỉnh Đồng Nai mới phát triển, do tỉnh mới được tạo thêm nguồn lực. Thời gian qua, quỹ đất phát triển công nghiệp của tỉnh Đồng Nai (cũ) ngày càng trở nên hạn hẹp. Giờ đây, tỉnh mới có thêm dư địa đất đai từ tỉnh Bình Phước thì định hướng phát triển công nghiệp sẽ thuận lợi hơn.

“Muốn phát triển kinh tế - xã hội thì phải có những khu, cụm công nghiệp. Quỹ đất rộng hơn thì phát triển thuận lợi hơn” - tiến sĩ Phạm Viết Thuận đánh giá.

Tạo bứt phá cho những lĩnh vực mới

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, tỉnh Đồng Nai mới sẽ trở thành trục hành lang kinh tế quan trọng, mạng lưới giao thông đa dạng, đa phương thức (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy) với Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là cửa ngõ hàng không quốc tế của Việt Nam, Cảng Phước An là trung tâm cảng biển lớn của cả nước.

Với vị trí này, Đồng Nai mới sẽ trở thành một trung tâm sản xuất hàng hóa, dịch vụ, logistics lớn của đất nước. Đây cũng là một trong những lĩnh vực kinh tế được tỉnh định hướng phát triển mạnh trong thời gian tới.

Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai mới sẽ tập trung thu hút đầu tư, hình thành các khu đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp. Phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung tạo ra những chuỗi giá trị mới, có hàm lượng chất xám cao hơn.

Trên thực tế, hiện nay, Đồng Nai cũng đã bắt tay thực hiện Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại dịch vụ.

Đặc biệt, với việc “sở hữu” Sân bay Long Thành, cộng hưởng với quỹ đất phát triển rộng lớn hơn, các lĩnh vực kinh tế mới như logistics, phát triển đô thị sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá phát triển trong thời gian tới.

TS-KTS Hoàng Hữu Phê, đại diện liên danh đơn vị tư vấn Viện Kiến trúc quốc gia - Công ty Nihon Sekkei, Inc (Nhật Bản) - Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco (liên danh VIAR-NS-Coninco) đánh giá, với định hướng phát triển đô thị Sân bay Long Thành trở thành một Aerotropolis (đặt sân bay làm trung tâm phát triển kinh tế) tận dụng sự kết nối, logistics và công nghiệp để tạo ra các trung tâm đô thị phát triển mạnh mẽ, mở rộng ra ngoài phạm vi sân bay.

Trong khi đó, GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viên Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá động lực phát triển của một sân bay lớn như Sân bay Long Thành không chỉ lan tỏa trong phạm vi một tỉnh, mà còn trên phạm vi vùng và cả nước. Do đó, với tỉnh Đồng Nai mới có quy mô diện tích, dân số lớn hơn, độ lan tỏa động lực phát triển từ Sân bay Long Thành cũng sẽ rộng hơn.

“Điều này sẽ tạo ra cơ hội để tỉnh mới phát triển mạnh hơn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, nhất là các lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ, logistics. Tất cả những lĩnh vực này đều đòi hỏi những không gian phát triển rộng” - GS-TS Võ Xuân Vinh chia sẻ.           

Phạm Tùng

 

 

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/dinh-hinh-khong-gian-phat-trien-cho-dong-nai-moi-3eb010c/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên
DIFF 2025 - Cú hích bùng nổ cho mùa du lịch hè Đà Nẵng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm