Vĩnh Long đang hình thành một vùng liên kết kinh tế sông- biển giàu tiềm năng, với diện tích gần 6.300km2, dân số hơn 4,25 triệu người. Trong đó có khoảng 1,9 triệu lao động trong độ tuổi, đây là nền tảng nguồn nhân lực dồi dào và rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và logistics.
Kinh tế biển là một trong những thế mạnh, với nhiều tiềm năng mà tỉnh Vĩnh Long chú trọng phát triển. |
Nhận diện tiềm năng phát triển mới
Theo Sở Công Thương, trước sáp nhập, mỗi địa phương đều có tiềm năng, thế mạnh riêng. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long (cũ) giữ vai trò trung tâm logistics nội vùng và công nghiệp nhẹ với các khu, cụm công nghiệp lớn như Hòa Phú, Bình Minh.
Có hệ thống siêu thị, chợ khá hoàn thiện; các tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, QL1, QL53 kết nối xuyên trục cao tốc Đông Tây và cao tốc Bắc Nam, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa nhanh chóng, kết nối TP Hồ Chí Minh- ĐBSCL.
Trong khi đó, khu vực tỉnh Bến Tre là thủ phủ dừa cả nước với 79.000ha. Nếu tính luôn Trà Vinh có thêm 27.400ha, thì hiện tại tỉnh Vĩnh Long có hơn 106.000ha trồng dừa, dẫn đầu về chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, đưa kim ngạch vượt mốc 1 tỷ USD/năm.
Ngoài ra, các khu công nghiệp như Giao Long, An Hiệp thu hút mạnh đầu tư FDI vào chế biến và sản xuất thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh còn nổi bật với vai trò trung tâm năng lượng sạch và kinh tế biển.
Sau hợp nhất, tỉnh đang vận hành thương mại tổng công suất các nhà máy phát điện là 5.416MW điện, trong đó có 918MW điện được phát từ nguồn năng lượng tái tạo, tổng sản lượng điện cung cấp khoảng 30 tỷ kWh/năm, tạo ra giá trị tương đương 24.300 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, Cảng biển Định An- Trà Cú và Khu kinh tế Định An đang hình thành mạng lưới logistics ven biển, tạo lợi thế cho việc lưu thông hàng hóa, nhất là sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu quy mô lớn.
Tỉnh hiện có 6 trung tâm thương mại, 1 trung tâm mua sắm, 16 siêu thị, 141 cửa hàng tiện lợi và hơn 400 chợ truyền thống, trong đó có 19 chợ đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 ước đạt 660.000 tỷ đồng, đây là một con số rất ấn tượng, phản ánh vai trò trụ cột của ngành thương mại trong cơ cấu kinh tế vùng.
Thúc đẩy hợp tác vùng và thu hút đầu tư
Ông Trần Quốc Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, sau sáp nhập, ngành công thương tỉnh Vĩnh Long không chỉ kế thừa thế mạnh của từng địa phương, mà còn được nâng lên một tầm mới, đủ năng lực để trở thành trung tâm chế biến, trung tâm năng lượng và trung tâm thương mại của toàn vùng Tây Nam Bộ. Theo đó, ngành công thương sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, tập trung triển khai đồng bộ vào các định hướng phát triển trọng tâm.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, tỉnh Vĩnh Long định hướng phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, xanh và hiện đại, tập trung phát triển các cụm, khu công nghiệp chuyên ngành, ưu tiên ngành chế biến nông, thủy sản, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, điện- điện tử.
Kế đến, thúc đẩy đầu tư công nghiệp sạch, ít phát thải, chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất. Đặc biệt, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tạo nền tảng cung ứng nội địa và liên kết với các trung tâm sản xuất lớn trong khu vực. Mời gọi các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành năng lượng tái tạo của tỉnh Vĩnh Long và cả vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng tốc chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động thương mại, xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu ngành công thương. Tập trung phát triển thương mại điện tử gắn với nông sản chủ lực, mở rộng tiêu thụ qua sàn giao dịch và chuỗi siêu thị…
Từ những định hướng này, Vĩnh Long hướng đến hình thành trung tâm điều phối chuỗi cung ứng liên tỉnh, kết nối sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển. |
Cũng theo ông Tuấn, ngành công thương sẽ tập trung phát triển thị trường nội địa gắn với bảo vệ người tiêu dùng; tập trung nâng cấp hệ thống chợ, trung tâm thương mại theo hướng văn minh, an toàn, có quản lý hiện đại. Tăng cường quản lý thị trường, đặc biệt kiểm soát hàng giả, gian lận thương mại, thương mại điện tử xuyên biên giới.
“Ngành công thương tỉnh chú trọng thúc đẩy hợp tác vùng và thu hút đầu tư có chọn lọc. Chủ động kết nối phát triển chuỗi cung ứng công thương với TP Hồ Chí Minh, ĐBSCL và khu vực Đông Nam Bộ. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí và danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, với các chính sách hỗ trợ minh bạch, đồng bộ”- ông Tuấn cho biết.
Cùng với đó, xây dựng đội ngũ, kiện toàn bộ máy ngành sau sáp nhập để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực quản trị hiện đại và xử lý tình huống liên ngành để chủ động hội nhập quốc tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp của tỉnh phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh.
“Ngành công thương Vĩnh Long sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp làm thước đo; lấy số hóa làm công cụ và lấy liên kết vùng làm giải pháp,… Toàn ngành chủ động, sáng tạo, đổi mới để đóng góp tích cực cho tăng trưởng GRDP của tỉnh và đóng góp có giá trị cao vào sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202507/dinh-huong-phat-triencac-nganh-kinh-te-tiem-nang-beb06ac/
Bình luận (0)