“Biển mây” trên đỉnh Pù Gió.
VQG Xuân Liên nằm trên địa bàn 5 xã: Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Vạn Xuân và Thường Xuân, có tổng diện tích 25.601ha, gồm rừng đặc dụng, rừng sản xuất và vùng bán ngập nước hồ thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt. VQG Xuân Liên được biết đến là 1 trong 5 trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam, có quần thể cây sa mu, pơ mu cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Cùng với đó, VQG Xuân Liên là nơi có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt với những ngọn núi cao hàng nghìn mét so với mực nước biển (Pù Gió, Pù Ta Leo, Pù Hòn Hàn), những con thác đẹp và nhiều giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, bản địa lắng đọng theo tiến trình vận động và phát triển của mảnh đất và con người nơi đây. Trong đó, đỉnh Pù Gió bồng bềnh trong mây, sương phủ thực sự là nét chấm phá độc đáo, khéo léo, đầy sức hấp dẫn xen lẫn chút bí ẩn của tự nhiên.
Các dãy núi thuộc các huyện miền Tây tỉnh Thanh Hóa đều có đặc điểm chung là sự tiếp tục của các dãy núi chạy từ tỉnh Hủa Phăn (Lào) rồi thấp dần về phía Đông. Đỉnh Pù Gió có độ cao 1.620m so với mực nước biển, mây mù bao phủ, vào mùa hè nhiệt độ ở đây dao động từ 20 - 25 độ C. Đứng trên đỉnh Pù Gió, du khách có thể nhìn bao quát được hết núi rừng Xuân Liên hùng vĩ, cảm nhận được hơi ẩm của mây trời vờn quanh. Tại đây, du khách có thể được chiêm ngưỡng cảnh quan thơ mộng của rừng nguyên sinh, thu trọn tầm mắt khung cảnh hồ Cửa Đạt, ngắm hoa đỗ quyên trắng nở rộ và tham quan dấu tích chiến địa pháo phòng không của quân và dân ta trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Từ trên đỉnh Pù Gió, những con suối nhỏ đổ xuống tạo thành dòng thác đẹp và lớn nhất trong khu vực VQG Xuân Liên, đó là thác Hón Yên. Thác Hón Yên có nước chảy quanh năm, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Một điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt của thác Hón Yên so với các dòng thác khác của Thanh Hóa là có rất nhiều tảng đá với kích thước khác nhau chắn ngang dòng nước. Tại các điểm thác nước đổ xuống tiếp xúc với mặt tảng đá tạo nên lớp bọt nước trắng xóa tỏa ra tứ phía, hình thành một không gian thác mát mẻ.
Với những người ưa thích khám phá, mạo hiểm, tour trekking chinh phục đỉnh Pù Gió hứa hẹn mang đến những trải nghiệm đáng giá, khó quên. Được biết, đây là 1 trong 5 tuyến trekking nằm trong khu vực VQG Xuân Liên (cùng với các tuyến trekking thăm cây di sản pơ mu, sa mu; ngắm voọc xám và vượn đen má trắng; ngắm voọc xám, vượn đen má trắng và thăm cây di sản pơ mu, sa mu; đỉnh Pù Xèo - thác 7 tầng - Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mang lại đột phá cho ngành du lịch khu vực miền núi.
Tour trekking mạo hiểm chinh phục đỉnh Pù Gió diễn ra trong khoảng 3 ngày 2 đêm với cung đường trải dài hơn 20km, xuất phát từ Trạm Kiểm lâm Hón Can, kết thúc tại hồ Cửa Đạt. Tạm gác lại những xô bồ, ồn ã, áp lực của nhịp sống hiện đại, du khách chậm rãi, len lỏi những bước chân khám phá đại ngàn, khám phá thế giới tự nhiên đầy kỳ thú, bí ẩn. Đại ngàn Xuân Liên vẫn xanh màu xanh bất tận; muôn loài chim rừng cùng ríu ran, lảnh lót tấu lên những khúc nhạc chào mừng; sắc hoa, lá tô thắm những cung đường; không khí trong lành, mát dịu ùa vào lồng ngực... Giai điệu trong trẻo, rộn ràng của ca khúc “Nhà em ở lưng đồi” (Đức Trịnh phổ nhạc, lời thơ Lê Tự Minh) từ đâu ngân vang trong ý nghĩ: “Nhà em ở lưng đồi/ Nơi chim rừng thánh thót/ Bầu trời xanh dịu ngọt/ Gió tràn về mênh mang/ Nhà em giữa nắng vàng/ Con suối tràn bờ đá/ Hương rừng thơm mùa hạ/ Đường chiều về quanh co"...
Những cung đường, trải nghiệm trên hành trình chinh phục đỉnh Pù Gió vừa kích thích, thú vị nhưng cũng không kém phần thử thách. Để đảm bảo an toàn, thuận lợi cho du khách trên hành trình trekking, ngoài việc chuẩn bị “một tâm hồn đẹp” thì du khách cần phải trang bị những vật dụng cần thiết như: Balo, giày trekking hoặc giày đi bộ, tất cao cổ để hạn chế vắt cắn, nước uống, đồ vệ sinh cá nhân, một số loại thuốc chữa bệnh thông thường (cảm cúm, hạ sốt, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa...); bông, băng y tế; đèn pin, dao gấp hoặc dụng cụ đa năng; pin dự phòng, căn cước công dân hay hộ chiếu...
Đến với Pù Gió vào thời gian nào, du khách cũng có thể khám phá, trải nghiệm nét đẹp, sức hấp dẫn của nơi này. Đối với những du khách thích săn mây thì đến Pù Gió vào thời điểm mùa xuân và mùa đông là tuyệt vời nhất. Đại ngàn trong bồng bềnh mây trắng khiến du khách có cảm giác như chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm vào cõi tiên. Cảnh tượng như mơ trong cõi thực.
Thống kê từ Ban Quản lý VQG Xuân Liên, trung bình mỗi năm đơn vị đón khoảng hơn 1 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, học tập kinh nghiệm, trong đó có du khách quốc tế. Đó là tín hiệu đáng mừng, đồng thời vẫn cho thấy khoảng cách giữa tiềm năng, lợi thế và khai thác, phát triển du lịch tại VQG Xuân Liên.
Để du lịch nơi đây có thể “cất cánh”, định vị được thương hiệu, bản sắc, thời gian tới, Ban Quản lý VQG Xuân Liên cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị, tiềm năng; thúc đẩy hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái; hoàn thiện các tour, tuyến du lịch đã có; đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch để tăng sức hấp dẫn, gọi mời du khách và xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mang đậm đặc trưng, sắc thái văn hóa vùng. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm, tạo điều kiện, có phương hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến một số quy định pháp lý về thu hút đầu tư các dự án cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng...
PCĐ
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dinh-pu-gio-trong-may-255371.htm
Bình luận (0)