Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc đáo lễ cúng cầu an đầu năm mới của đồng bào Chăm

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 trùng với thời gian đầu năm mới theo lịch Chăm nên có rất đông đồng bào Chăm ở các địa phương của tỉnh Ninh Thuận về Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar để tổ chức lễ cúng cầu an. Tuy giản dị nhưng lễ cúng cầu an chứa đựng những nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa04/05/2025

Từ sáng sớm, gia đình bà Trượng Thị Linh (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) gồm 15 thành viên đã có mặt tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar để thực hiện lễ cúng cầu an nhân dịp đầu năm mới. Các thành viên trong gia đình đều khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống mới nhất, đẹp nhất. Sau khi tìm được vị trí thích hợp, mỗi người trong gia đình chung tay chuẩn bị bày biện lễ cúng. Điều đặc biệt, các lễ vật bày biện trên mâm cúng đều được bố trí theo từng cặp để thể hiện cho sự hòa hợp âm dương. Khi thầy cúng tới, sau khi xem qua các lễ vật, thầy cúng hỏi tên từng thành viên trong gia đình và bắt đầu việc cúng lễ. Thầy cúng thay mặt gia đình tâu lên các vị thần linh thiêng những niềm mong mỏi về quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào, gia đạo bền vững, vợ chồng, anh em, con cháu hòa thuận. Buổi cúng kết thúc khi thành viên cuối cùng trong gia đình được xướng tên. Sau đó, mọi người trong gia đình cùng nhau chia sẻ những lễ vật cúng và hưởng lộc ngay tại chỗ. “Dân làng chúng tôi vừa cúng tống ôn xua đuổi điềm xấu, đón điềm tốt đến cho dân làng xong, bây giờ đi đến các tháp để thực hiện lễ cúng cầu an cho gia đình mình. Lễ cúng cầu an đầu năm mới lần này trùng với dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước nên người dân chúng tôi càng vui mừng, phấn khởi và tổ chức lễ lớn hơn”, bà Trượng Thị Linh cho biết.

Đồng bào Chăm mang lễ vật về Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar để cúng cầu an đầu năm mới.
Đồng bào Chăm mang lễ vật về Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar để cúng cầu an đầu năm mới.

Lễ cúng cầu an đầu năm mới của đồng bào Chăm là một hoạt động nằm trong thời gian diễn ra lễ Rija, thường kéo dài khoảng 2 tuần. Trong lễ Rija thì lễ Rija Nagar (hay còn gọi Rija Nưgar - Rija Xứ sở) là lớn nhất do cộng đồng làng tổ chức. Trong lễ này, các làng tổ chức những hoạt động cúng lễ long trọng với ý nghĩa tống khứ những điều xấu xa, xui xẻo trong năm cũ và đón nhận những điều tốt lành trong năm mới. Thông qua đây, mọi người cũng bày tỏ lòng biết ơn đến những người khai dân lập ấp, có công lao đối với xóm làng, nhớ ơn về tổ tiên, cội nguồn dân tộc. Cùng với phần lễ, các làng cũng tổ chức những hoạt động biểu diễn văn nghệ truyền thống đặc sắc để gia tăng không khí vui vẻ đầu năm. Sau khi làng cúng xong, các gia đình trong làng lần lượt thu xếp đi đến các đền tháp ở tỉnh Ninh Thuận và các địa phương lân cận để thực hiện lễ cúng cầu an đầu năm mới cho gia đình mình. Một trong những địa điểm được đồng bào Chăm chọn đến trong dịp này là Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar, nơi thờ nữ thần Pô Inư Nagar - Mẹ xứ sở của đồng bào Chăm, cùng một số vị thần linh khác theo quan niệm của đồng bào. Sau khi cúng ở các đền tháp xong, mỗi gia đình người Chăm lại về cúng tại nhà mình và khép lại những ngày đón lễ đầu năm mới theo lịch Chăm.

Một vị thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng cầu an cho gia đình người Chăm.
Một vị thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng cầu an cho gia đình người Chăm.

Lễ Rija nói chung tuy không được gọi là Tết giống như lễ hội Katê và lễ hội Ramưwan, nhưng đây cũng là một lễ hội quan trọng của cộng đồng Chăm diễn ra vào thời điểm giao mùa, giữa mùa mưa với mùa khô. Theo ông Đàng Xuân Kỷ - một người có chức sắc và uy tín trong đồng bào Chăm, mỗi lần đến lễ cúng đầu năm mới là báo hiệu cho sự chuyển giao của thời tiết, khí hậu. Điều này rất quan trọng đối với công việc sản xuất nông nghiệp của đồng bào Chăm, nên người dân rất coi trọng ngày lễ này và cúng lễ thành tâm để cầu mong thần linh ban cho quốc thái dân an, làng xóm yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia đình hạnh phúc... Lễ cúng đầu năm mới từ lễ Rija Nưgar ở các làng, đến lễ cúng cầu an của các gia đình đều mang tính cộng đồng rất cao và thể hiện nhiều giá trị văn hóa của người Chăm. Qua những ngày lễ này, các giá trị cộng đồng được phát huy tích cực, gắn kết tình cảm xóm làng, tinh thần tương thân tương ái.

Những mâm lễ vật được đồng bào Chăm bày biện để cúng các vị thần linh.
Những mâm lễ vật được đồng bào Chăm bày biện để cúng các vị thần linh.
Thiếu nữ Chăm chuẩn bị lễ vật.
Thiếu nữ Chăm chuẩn bị lễ vật.
Lễ cúng cầu an đầu năm mới là dịp để đồng bào Chăm tưởng nhớ đến các vị thần linh, tổ tiên và nguyện cầu về những điều tốt đẹp.
Lễ cúng cầu an đầu năm mới là dịp để đồng bào Chăm tưởng nhớ đến các vị thần linh, tổ tiên và nguyện cầu về những điều tốt đẹp.

GIANG ĐÌNH

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202505/doc-dao-le-cung-cau-an-dau-nam-moi-cua-dong-bao-cham-aab5517/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam
Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm