Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Độc đáo nón làm từ bồn bồn

Với mong muốn tận dụng cây bồn bồn tạo ra những sản phẩm thời trang đẹp, thân thiện với môi trường, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (gọi tắt Hợp tác xã), ấp Ruộng Sạ 2, xã Vĩnh Phong đã nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm nón thủ công làm từ cây bồn bồn.

Báo An GiangBáo An Giang21/07/2025

Chị Nguyễn Thị Nhung giới thiệu sản phẩm nón làm từ bồn bồn sau khi hoàn thành

Đang kiểm tra những sản phẩm nón do thợ vừa đan, chị Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: “Sản phẩm nón làm từ bồn bồn được thực hiện từ năm 2024 và duy trì liên tục nhờ nguồn nguyên liệu được thu mua trực tiếp tại địa phương. Nón được đan từ bồn bồn, giữ nguyên màu sắc tự nhiên sau khi phơi khô dưới nắng, hoàn toàn không sử dụng phẩm màu”.

Dù không dùng khung định hình, chiếc nón bồn bồn vẫn có đường nét hài hòa, mềm mại. Từng sợi lá được đan khít, đều tay, đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật khéo léo, tỉ mỉ và lực tay tốt. Là một trong những người thợ đan nón lâu năm, chị Nguyễn Thị Nhung không chỉ thành thạo các kỹ thuật đan từ cây lục bình, bồn bồn, mà còn trực tiếp hướng dẫn những thợ mới. Tay thoăn thoắt đan nón, chị Nhung niềm nở cho biết: “Cọng bồn bồn khô dài và dai hơn lục bình, nên nón bồn bồn có độ bền cao hơn. Ngoài nón trơn, chúng tôi còn có thể đính thêm họa tiết như hoa, bươm bướm, quai nón... theo yêu cầu của khách hàng để tạo nên sản phẩm hợp thời trang”.

Theo chị Nhung, để hoàn chỉnh một chiếc nón bồn bồn cần qua nhiều công đoạn: Lựa chọn lá đạt tiêu chuẩn, phơi nắng trên 3 ngày, tước lá thành từng cọng (rộng 3 - 5cm), sau đó đan thủ công. Thợ có tay nghề cao có thể hoàn thành một chiếc nón trong 2 - 3 tiếng, trung bình mỗi người đan được 4 - 5 chiếc/ngày.

Hiện nón bồn bồn được bán giá khoảng 100.000 đồng/chiếc. Nhiều công ty du lịch ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các địa phương trong tỉnh như Phú Quốc, Hà Tiên tìm đến Hợp tác xã đặt hàng nón thô để mang về chế tác thêm và bán cho du khách. Khách hàng miền Bắc và du khách quốc tế rất ưa chuộng sản phẩm vì độ bền, tính thẩm mỹ và nét mộc mạc riêng biệt.

Ông Nguyễn Văn Thống - Bí thư Chi bộ ấp Ruộng Sạ 2 cho biết: “Không chỉ tạo đầu ra ổn định cho cây bồn bồn, việc đan nón còn tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương. Công việc nhẹ nhàng, linh hoạt thời gian, phù hợp với phụ nữ có con nhỏ, trung niên... Trung bình mỗi thợ có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng”. Thời gian tới, Chi bộ ấp Ruộng Sạ 2 tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã quảng bá sản phẩm qua các hội chợ, sàn thương mại điện tử và mở rộng đầu ra cho các mặt hàng thủ công từ lục bình, bồn bồn, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngoài sản phẩm nón, Hợp tác xã đang nghiên cứu phát triển thêm các mặt hàng thủ công từ bồn bồn như túi xách, rổ đựng mỹ phẩm, đồ gia dụng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Bài và ảnh: TƯỜNG VI

 

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/doc-dao-non-lam-tu-bon-bon-a424662.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm