Xã Đội Cấn có trên 3.600 ha đất lâm nghiệp (chiếm gần 80% diện tích đất tự nhiên). Đây là lợi thế để xã phát triển kinh tế đồi rừng. Chính vì vậy, người dân trên địa bàn xã đã tập trung khai thác lợi thế này để đầu tư trồng rừng với một số loại cây chính như bạch đàn, thông, quế...
Là một trong những hộ trồng rừng lâu năm và mang lại hiệu quả kinh tế cao của xã, ông Vi Trường Khiêm, thôn Bản Chang, xã Đội Cấn cho biết: Năm 2008, theo dự án 661 (về tổ chức triển khai công tác trồng rừng tại các thôn bản, các xã giáp biên thuộc 5 huyện biên giới), gia đình tôi đã trồng hơn 2 ha thông. Từ đó đến nay, ngoài chăm sóc diện tích thông, gia đình tôi tiếp tục đầu tư, cải tạo đất đồi để trồng thêm bạch đàn, quế. Hiện nay, gia đình có 2 ha thông, khoảng 8 ha cây bạch đàn, 3 ha quế. Trung bình mỗi năm, từ thu hoạch nhựa thông, gia đình tôi thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, diện tích bạch đàn của gia đình cũng đã cho thu hoạch 3 đợt, gần đây nhất, đầu năm 2025, tôi đã thu hoạch gần 2 ha cây bạch đàn, mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng.
"Những năm qua, người dân xã Đội Cấn đã tích cực phát triển kinh tế rừng, đem lại hiệu quả thiết thực. Đội Cấn cũng là xã có phong trào trồng rừng phát triển mạnh với diện tích rừng trồng lớn thứ hai của huyện. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền xã, các đơn vị liên quan vận động người dân trồng dặm, trồng mới rừng, nhất là những diện tích sau khi khai thác; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho người dân để người dân có thêm kiến thức, kỹ năng, từng bước nâng cao chất lượng rừng trồng." Ông Chu Tuấn Doanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tràng Định |
Tương tự gia đình ông Khiêm, gia đình chị Vi Thị Thoa, thôn Nặm Khoang, xã Đội Cấn cũng tích cực phát triển kinh tế rừng. Chị Thoa cho biết: Từ hiệu quả của một số hộ trồng bạch đàn xung quanh và nhận thấy đây là loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, năm 2015, gia đình tôi đã đầu tư trồng hơn 2 ha cây bạch đàn. Đây là loại cây có thời gian thu hoạch khá dài, mỗi lứa bạch đàn trồng từ 4 - 6 năm có thể cho khai thác với chu kỳ 3 năm/đợt (mỗi lứa thu được 3 – 4 đợt). Cuối năm 2024, diện tích bạch đàn của gia đình đã khai thác đợt 2, đem lại thu nhập trên 250 triệu đồng. Hiện, bên cạnh việc chăm sóc chồi mới của cây bạch đàn, gia đình còn đang tập trung chăm sóc thêm 1 ha quế.
Không chỉ 2 gia đình trên, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đội Cấn cũng chủ động đầu tư, phát triển trồng rừng. Được biết, cây thông đã được người dân trên địa bàn xã trồng từ năm 2008 thông qua dự án 661 với diện tích gần 200 ha. Đến năm 2015, phong trào trồng rừng trên địa bàn xã bắt đầu phát triển mạnh. Đến nay, trong số 317 hộ dân toàn xã thì có trên 90% hộ trồng rừng. Hộ trồng ít có từ 2 - 3 ha, hộ trồng nhiều từ 15 - 20 ha.
Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Đội Cấn cho biết: Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền xã xác định phát triển lâm nghiệp là hướng đi chủ lực, là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, xã đã định hướng và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân như tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân trồng rừng; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 1 - 2 lớp tập huấn/năm về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho người dân; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra chất lượng rừng trồng; định hướng và khuyến cáo bà con chủ động chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hại; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng.
Cùng đó, để người dân có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế đồi rừng, chính quyền xã luôn tạo điều kiện, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng rừng. Đến nay, toàn xã có 133 hộ vay vốn với dư nợ trên 7,9 tỷ đồng, trong đó chủ yếu vay để trồng rừng.
Hiện, tổng diện tích rừng trên địa bàn xã Đội Cấn là hơn 1.690 ha, chủ yếu là các loại cây như bạch đàn (800 ha), quế (300 ha), thông (250 ha)... Từ phát triển kinh tế rừng, hiện toàn xã có trên 80 hộ có thu nhập từ 80 - 200 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập của dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,6%, giảm 7,5% so với năm 2021; thu nhập bình quân đạt 55,6 triệu đồng/người/năm, tăng 19,6 triệu đồng so với năm 2021.
Nguồn: https://baolangson.vn/doi-can-vuon-len-tu-rung-5046439.html
Bình luận (0)