Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đổi mới tư duy, khai thác tiềm năng du lịch đường sắt

(Chinhphu.vn) - Hiện nay ngành đường sắt Việt Nam đang từng bước "lột xác", biến hạn chế thành thế mạnh để phát triển du lịch trải nghiệm. Không chỉ là phương tiện vận chuyển đơn thuần, tàu hỏa nay trở thành không gian để du khách thưởng ngoạn và cảm nhận chiều sâu lịch sử, văn hóa.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ13/05/2025

Đổi mới tư duy, khai thác tiềm năng du lịch đường sắt- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Oanh chia sẻ niềm vui khi lần đầu được trải nghiệm khoang tàu du lịch cao cấp - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Đó là nhận định của ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khi công bố ga Hải Phòng trở thành "Điểm du lịch" và ra mắt đoàn tàu chất lượng cao "Hoa Phượng đỏ" - bước đi mới trong chiến lược phát triển du lịch di sản bằng đường sắt.

Hơi thở mới của du lịch đường sắt Việt Nam

Lần đầu tiên trong lịch sử hơn một thế kỷ, ngành đường sắt Việt Nam trình làng đoàn tàu du lịch cao cấp với thiết kế đậm chất Đông Dương, tiện nghi hiện đại và đậm bản sắc thành phố cảng.

Toa VIP 34 chỗ ngồi được thiết kế sang trọng, ghế bọc da êm ái có thể xoay 180 độ, kết hợp cùng các toa tiêu chuẩn 64 chỗ, hệ thống cửa bán tự động, wifi miễn phí, màn hình LED... đã mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho hành trình bằng tàu hỏa - vừa hiện đại, vừa giàu chất trải nghiệm.

Đổi mới tư duy, khai thác tiềm năng du lịch đường sắt- Ảnh 2.

Bà Bùi Thị Liệu cảm nhận sự thoải mái và dịch vụ chu đáo trên chuyến hành trình khám phá Hải Phòng - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thân thiện với môi trường, đoàn tàu "Hoa Phượng đỏ" không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là điểm đến di động, nơi lưu giữ ký ức và khơi dậy cảm xúc cho du khách trên từng hành trình.

Trên chuyến tàu đầu tiên, cụ Bùi Thị Liệu năm nay đã ngoài 80 xúc động chia sẻ: "Từ bé đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi được đi tàu du lịch. Ngồi ghế thoải mái, lại có nhạc, có phục vụ chu đáo".

Chung cảm xúc ngỡ ngàng, bà Nguyễn Thị Oanh (71 tuổi, quận Hải An) bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai đổi mới của ngành đường sắt: "Từ cách phục vụ đến chất lượng khoang tàu, tất cả đều khác biệt. Từ nay, nếu đi Hà Nội hay các tỉnh khác, tôi sẽ ưu tiên chọn tàu hỏa".

Không chỉ người dân địa phương, du khách từ Hà Nội như anh Lê Huy Hiệp cũng đánh giá cao chuyến tàu mới: "Không gian tàu thoáng mát, ghế êm, phục vụ tận tình, tạo cảm giác thoải mái suốt hành trình. Với mức giá hiện tại, tôi thấy hoàn toàn hợp lý và sẽ đưa cả gia đình đi du lịch Hải Phòng bằng tàu".

Đổi mới tư duy, khai thác tiềm năng du lịch đường sắt- Ảnh 3.

Chuyến tàu du lịch “Hoa Phượng đỏ” tạo nên những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Với người trẻ như bạn Ngọc Anh (Hải Phòng), trải nghiệm trên tàu VIP là một hành trình đặc biệt: "Khi ngồi toa VIP, được phục vụ trái cây, nhạc sống - giống như một quán cà phê thu nhỏ nhưng di động. Cảm giác rất mới mẻ với những ai yêu du lịch và muốn tìm kiếm cảm hứng khác biệt thay vì đi ô tô hay máy bay".

Nỗ lực đổi mới, biến hành trình tàu hỏa thành sản phẩm du lịch độc đáo

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết, thời gian qua, ngành đường sắt đã chủ động đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhằm mang đến những sản phẩm vận tải gắn với du lịch được khách hàng tích cực đón nhận.

Tiêu biểu có thể kể đến các chương trình như "Hành trình kết nối di sản miền Trung", "Hành trình đêm Đà Lạt", các tuyến tàu SE19/20, SE21/22 (Sài Gòn - Đà Nẵng), Sjourney, đoàn tàu Thống Nhất và mới đây nhất là đoàn tàu du lịch "Hoa Phượng đỏ".

Theo ông Khánh, ngành đường sắt không chỉ hướng đến mục tiêu đơn thuần là phương tiện kết nối giữa các địa phương, mà đang từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.

Đổi mới tư duy, khai thác tiềm năng du lịch đường sắt- Ảnh 4.

Ga Hải Phòng được xây dựng từ năm 1902, là một trong những nhà ga cổ kính và có giá trị lịch sử bậc nhất của ngành đường sắt - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

"Mỗi hành trình là một trải nghiệm. Chúng tôi muốn con tàu không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn trở thành điểm 'check-in' di động; nhà ga là nơi lan tỏa văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản", ông Khánh nhấn mạnh.

Để thực hiện mục tiêu đó, ngành đường sắt đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp du lịch để xây dựng các sản phẩm kết nối các điểm đến đặc sắc. Những điểm từng được xem là hạn chế như thời gian di chuyển dài hay tốc độ không cao đang dần được biến thành lợi thế, nhờ vào việc tích hợp thêm các tiện ích, dịch vụ phong phú trên tàu nhằm phục vụ du khách yêu thích trải nghiệm chậm rãi, sâu sắc.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao sự chủ động của ngành đường sắt trong việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa - lịch sử.

"Việc công nhận ga Hải Phòng là điểm đến du lịch không chỉ thể hiện vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế, mà còn là sự ghi nhận đối với những giá trị lịch sử, văn hóa mà thành phố hoa phượng đỏ đã và đang gìn giữ", ông Thủy chia sẻ.

Ông Thủy khẳng định, tàu du lịch "Hoa Phượng đỏ" không chỉ là phương tiện giao thông mới mẻ mà còn là biểu tượng cho xu hướng phát triển bền vững giữa giao thông đường sắt và du lịch. Với thiết kế hiện đại mang phong cách Đông Dương, dịch vụ đa dạng, đậm dấu ấn địa phương, đoàn tàu hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo khi khám phá Hải Phòng và các tỉnh lân cận.

Theo đó, sự ra đời của tuyến tàu du lịch này sẽ mở ra một chương mới cho du lịch Hải Phòng, đặc biệt là trong việc tôn vinh các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống. Đây sẽ là sản phẩm hấp dẫn cả du khách trong nước và quốc tế.

Cũng theo ông, ngành đường sắt đang từng bước đưa lịch sử đến gần với hiện tại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế - văn hóa thông qua những đoàn tàu di sản. Ông bày tỏ kỳ vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều tuyến tàu du lịch được khai thác như Hà Nội - Thái Nguyên, các tuyến phía Bắc và phía Tây, từ đó góp phần xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đến với du khách trong và ngoài nước.

Với tư duy đổi mới và cách làm sáng tạo, ngành đường sắt đang từng bước khẳng định vị thế là người đồng hành cùng du lịch Việt Nam trên hành trình khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử và bản sắc vùng miền.

Những đoàn tàu như "Hoa Phượng đỏ" không chỉ mang đến phương tiện di chuyển hiện đại, thân thiện với môi trường, mà còn mở ra không gian trải nghiệm sống động cho du khách. Từ nhà ga đến toa tàu, tất cả đều đang được "thổi hồn" để trở thành điểm đến du lịch, nơi du khách không chỉ đi, mà còn cảm, nhớ và muốn quay lại.

Nguyễn Văn Hiền


Nguồn: https://baochinhphu.vn/doi-moi-tu-duy-khai-thac-tiem-nang-du-lich-duong-sat-102250513095458627.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm