Triệu phú ở bản làng

Ở gần trục đường chính qua bản Cửa Rào, xã Môn Sơn, khu vườn của ông Trần Đình Nhàn được người dân trong bản gọi là “vườn đẹp, người siêng”. Ngôi nhà được bao quanh bởi màu xanh mát và trù phú của cây cối và các khu chăn nuôi sạch sẽ, ngăn nắp.
Mùa nào thức nấy, cây trái vườn nhà, các loại vật nuôi mang lại cho ông Nhàn nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm.
Các loại cây trồng như thanh long, mít Thái, ổi và hệ thống chuồng trại được quy hoạch bài bản, ngăn nắp, sạch sẽ. Hiện ông đang duy trì đàn dê hơn 20 con, 4 con bò và gần 10 con lợn thịt.

Ông Trần Đình Nhàn cũng dành một góc vườn để trồng các loại dược liệu, rau gia vị, vừa phục vụ gia đình, vừa là nguồn bổ sung thu nhập mỗi ngày.

Ông Ngân Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Môn Sơn cho hay, những nông dân siêng năng, chăm chỉ như ông Trần Đình Nhàn không phải là hiếm. Việc phát triển kinh tế gia trại, trang trại đang dần trở thành hướng đi bền vững, được người dân tích cực thực hiện. Xã Môn Sơn đang xuất hiện ngày càng nhiều “triệu phú ở bản”, họ thoát nghèo và làm giàu bằng chính sức lao động của mình.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Tiếp sức cho sự phát triển kinh tế của người dân Môn Sơn, Lục Dạ là những chính sách nhân văn, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ người dân về mọi mặt đời sống. Trong đó có nhiều chương trình, dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây, con giống, làm nhà ở cho hộ nghèo, sửa chữa nhà ở cho hộ cận nghèo… Những hỗ trợ ấy là đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo, yên tâm lao động sản xuất, xây dựng đời sống ấm no.

Những ngày này, đến thăm các bản làng ở xã Môn Sơn, điều dễ nhận thấy ở đây là những công trường xây dựng khá tấp nập. Thêm vào đó là những con đường mới được sửa chữa, nâng cấp, vừa chắc chắn, vừa rộng rãi. Tại bản Bắc Sơn, đứng trước cửa ngôi nhà của mình, chị Nguyễn Thị Nhuần cho biết, cổng và bờ tường của nhà mình trước đây nằm ở vị trí tâm đường, cách vị trí cũ 2m.
“Không chỉ nhà tôi, mà nhà và cổng, bờ tường, đất đai của tất cả các hộ nằm hai bên con đường này đều như vậy. Bản Bắc Sơn có 76 hộ đã đồng ý hiến đất, hiến tài sản của mình để làm con đường này. Có nhiều hộ đã hiến 300 - 400m2; Riêng hộ ông Hà Thượng Hội đã hiến hơn 1.000m2 bao gồm cả tường, cổng và đất lâm nghiệp…” - chị Nhuần cho hay.

Nói thêm về điều này, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Môn Sơn Hoàng Nhật Sơn cho biết, để có con đường rộng 5m như hôm nay, các gia đình ở Bắc Sơn ai cũng hiến đất, hiến cây, tình nguyện phá dỡ cổng, bờ tường để nhường đất làm đường. Trong đó cán bộ, đảng viên là những người tiên phong...
Cùng với sự đồng hành của người dân, Nhà nước cũng đã và đang phân bổ nguồn đầu tư công giúp xã Môn Sơn nhiều công trình hạ tầng lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, như: Xây dựng 1.100m đường bê tông nội bản Thái Hòa; sửa kè bờ phải đập Phà Lài; Khởi công công trình nhà Văn hoá cộng đồng xã; Công trình cầu dân sinh Khe Búng; Dự án đường Cò Phạt, Khe Búng; đường Tân Sơn – Bắc Sơn; tu sửa Cụm di tích nhà cụ Vi Văn Khang…

Nếu như trước đây 2 bản Cò Phạt, Khe Búng là nơi thâm sơn cùng cốc, thì nay cộng đồng người Đan Lai ở đây đã có điện, đường, trường, trạm. Từ trung tâm xã Môn Sơn vào 2 bản này đã có 5 cây cầu treo được xây dựng và tuyến đường từ xã vào cũng đã hoàn thành được hơn 5km.

“Nhờ có đường thông hè thoáng, học sinh đi học không còn lo nguy hiểm; người dân thuận lợi trong đi lại, mua bán nông sản, hàng hoá nên việc phát triển kinh tế cũng thuận lợi hơn. Ở 2 bản nay đã có 7 hộ viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo” - ông La Văn Linh - Trưởng ban công tác Mặt trận bản Cò Phạt vui mừng bày tỏ.

Năm 1931, phong trào cách mạng bước vào giai đoạn thoái trào, Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật. Để đảm bảo lực lượng và duy trì cơ sở cách mạng, Xứ ủy Trung Kỳ cử các đồng chí Lê Xuân Đào (thuộc Xứ ủy), Nguyễn Hữu Bình (Tỉnh ủy Nghệ An), Lê Mạnh Duyệt (Phủ ủy Anh Sơn) về vùng Mường Quạ - Môn Sơn phối hợp hoạt động và gây dựng phong trào cách mạng. Về đây, các đồng chí đã liên lạc và giác ngộ đồng chí Vi Văn Khang, một thanh niên dân tộc Thái có học thức, gia đình khá giả ở bản Thái Hòa.
Tháng 3/1931, ở Mường Quạ (gồm 2 xã Môn Sơn và Lục Dạ ngày nay) đã diễn ra cuộc đấu tranh chống bọn cường hào, ác bá và giành được thắng lợi.
Khoảng 1 tháng sau, tại nhà riêng của đồng chí Vi Văn Khang, Chi bộ Đảng Môn Sơn chính thức được thành lập, gồm 5 đảng viên: Vi Văn Khang (Bí thư), Vi Văn Hanh, Vi Văn Quý, Trần Ngân, Lê Mạnh Duyệt, sau đó kết nạp thêm đồng chí Vi Văn Lâm. Đây chính là chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở địa bàn miền núi - vùng cao của Nghệ An.
Nguồn: https://baonghean.vn/doi-thay-o-mon-son-dia-chi-do-cach-mang-mien-tay-xu-nghe-10296402.html
Bình luận (0)