Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đổi thay vùng quê Phú Tân

Trải qua nhiều giai đoạn xây dựng và phát triển, cùng với trợ lực từ trên, Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Tân đã đoàn kết, nỗ lực, không ngừng phát huy tinh thần lao động, sáng tạo để cù lao hôm nay khang trang hơn, tươi đẹp hơn.

Báo An GiangBáo An Giang30/04/2025

Công trình cầu, đường nông thôn nối liên ấp, liên xã

Nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, Phú Tân là một trong 4 huyện cù lao của tỉnh được Tỉnh ủy An Giang thành lập tháng 12/1968, trong bối cảnh vùng đất còn bị địch tạm chiếm; đội ngũ cán bộ, đảng viên ít, phân tán... Truyền thống yêu nước và khát vọng hòa bình luôn đong đầy, đoàn kết một lòng, góp phần vào thành công của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, Nhân dân - giải phóng hoàn toàn quê hương Phú Tân vào ngày 3/5/1975.

Ngày 4/7/1977, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ I xác định trọng tâm: “Làm chuyển biến phong trào trong huyện sôi nổi, liên tục với quy mô ngày càng rộng lớn, toàn diện hơn trên cơ sở tập trung vào sản xuất, chủ yếu là nông nghiệp, đồng thời tiến hành 3 cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng văn hóa - tư tưởng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt...”. Phương hướng cô đọng còn nguyên giá trị đến hôm nay.

Từ năm 2019 đến nay, Phú Tân là huyện đi đầu trong thực hiện chủ trương sản xuất “2 năm, 5 vụ”. Đây là giải pháp hiệu quả để đất đai tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Địa hình cù lao giúp vùng đất này màu mỡ, phát triển thế mạnh nông nghiệp, từ lâu nổi tiếng với những cánh đồng đặc sản nếp thơm ngon. Từ sản xuất “3 giảm, 3 tăng” nâng lên áp dụng “1 phải, 5 giảm”, đến nay huyện tiếp tục là địa phương tích cực thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao.

Bước sang giai đoạn mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Tân phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có. Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết, huyện đã xây dựng đạt chuẩn 9 xã nông thôn mới, 2 xã nông thôn mới nâng cao, 2 thị trấn văn minh đô thị. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt 71,6 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh lúa, nếp, một số nơi đã chuyển đổi trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; cây màu, chăn nuôi thủy sản có hợp đồng bao tiêu. Hiện có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao; làng nghề truyền thống duy trì sản xuất, ổn định sinh kế cho người dân.

Tuy có nhiều lợi thế, nhưng khó khăn lớn nhất của huyện cù lao là giao thông ngăn cách với các huyện, địa hình nhiều kênh, rạch. Những năm qua, phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” được Đảng bộ, chính quyền và người dân phát huy cao độ, tập trung sức người, sức của xây dựng nông thôn mới. Cầu ván, cầu tạm, đường nông thôn nhỏ hẹp từng bước được xóa bỏ, thay mới bởi cầu bê-tông, đường nhựa rộng rãi, kết nối giao thông liên ấp, liên xã thông suốt; đèn đường, cây xanh bao phủ đến tận vùng sâu một thời mệnh danh là xứ “khỉ ho cò gáy”.

Ông Lê Trung Anh (thị trấn Phú Mỹ) chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở quê hương này, chứng kiến sự đổi thay từng ngày, thấy rất tự hào. Bây giờ ở trung tâm thị trấn hay các nơi xa xôi đều mang diện mạo xanh – sạch – đẹp, khang trang, đời sống người dân ngày một nâng cao”. Lê Bảo Khánh (học sinh lớp 12A4, Trường THPT Chu Văn An) bày tỏ: “Những ngày tháng 4, sinh hoạt truyền thống tìm hiểu về lịch sử của đất nước, của tỉnh, trong đó có quê hương Phú Tân, chúng em trân trọng giá trị thế hệ ông cha để lại; quyết tâm học tập, rèn luyện để góp sức xây dựng quê mình ngày càng đổi mới, giàu đẹp”.

Tri ân thế hệ đi trước, huyện Phú Tân thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo gia đình chính sách, người có công; ưu tiên hỗ trợ nhà ở, xóa nghèo, trợ giúp sản xuất, thực hiện đầy đủ chính sách theo quy định. Cụ thể, chi chính sách ưu đãi theo Pháp lệnh người có công với cách mạng cho 3.564 lượt người; thực hiện chi trợ cấp thường xuyên và đột xuất bình quân trên 97.000 đối tượng/năm, tổng kinh phí trên 290 tỷ đồng (bình quân 58 tỷ đồng/năm). Toàn huyện có hơn 1.900 hộ có công với cách mạng. Đến nay, đã hoàn thành 100% mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho 42 hộ người có công cách mạng.

“Biết bao đổi thay Phú Tân ngày nay vẫn mang ân tình đầy”. Câu hát trong bài “Ân tình Phú Tân” nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Minh qua bao năm tháng vẫn vẹn nguyên ý nghĩa như tình đất, tình người trên cù lao này. Vào những dịp lễ trọng đại, lãnh đạo các thời kỳ của huyện luôn nhắn nhủ cho thế hệ sau bằng những lời tri ân sâu nặng nghĩa tình như thế. Huyện Phú Tân đã vượt qua bao gian khổ, hy sinh của nhiều thế hệ; sự chắt chiu xây dựng của cha anh; sự giữ gìn vun đắp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Thế hệ ngày nay, từ người lãnh đạo, quản lý đến từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân vừa trân trọng, tự hào, vừa phải nhận lấy trách nhiệm tiếp tục xây dựng vùng đất cù lao ngày thêm giàu đẹp.

MỸ HẠNH

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/doi-thay-vung-que-phu-tan-a419911.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm