Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng bộ các phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ được mở rộng địa giới, dân số tăng lên, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông ngày càng lớn. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Báo Phú ThọBáo Phú Thọ21/07/2025

Đồng bộ các phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Mỗi gia đình cần nâng cao ý thức đảm bảo an toàn giao thông để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của các thành viên và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, an toàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.100km quốc lộ, gồm QL2, QL32, QL70, QL21, QL6...; gần 5.000km đường tỉnh, đường xã; hơn 60km đường sắt; 6 tuyến sông lớn gồm sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Bứa, sông Bôi và sông Thao với tổng chiều dài gần 400km, rất thuận lợi cho giao thông thủy nội địa.

Tuy nhiên, đi kèm tiềm năng phát triển kinh tế là những thách thức về quản lý, điều hành giao thông. Lưu lượng phương tiện tăng nhanh, đặc biệt ở các tuyến kết nối trung tâm Việt Trì với các địa phương lân cận. Tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông còn phổ biến, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều đoạn đường xuống cấp, thiếu biển báo, thiếu hệ thống đèn chiếu sáng, dễ gây tai nạn.

Bên cạnh đó, ý thức người điều khiển phương tiện còn hạn chế khiến tình hình TTATGT diễn biến phức tạp. Trên các tuyến sông lớn như sông Hồng, sông Đà, hoạt động khai thác cát, sỏi, vận chuyển vật liệu xây dựng diễn ra rầm rộ; nhiều phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, thiếu thiết bị cứu sinh, không chấp hành quy định vận hành an toàn...

Đồng bộ các phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Các ngành chức năng đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông, bao gồm tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nâng cao ý thức người tham gia giao thông và duy trì, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền lưu động tại các trường học, thôn, bản, chợ, khu công nghiệp, phát động phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT” gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, tổ chức ký cam kết chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho học sinh và phụ huynh; yêu cầu chủ bến, bãi, chủ phương tiện thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Lắp đặt mới biển báo, đèn tín hiệu thông minh tại những khu vực trọng điểm. Triển khai hệ thống camera trên QL2, QL32, QL70, trục kết nối các địa phương mới sáp nhập để giám sát, xử lý phạt nguội...

Công an tỉnh tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, xe chở quá tải, cơi nới thành thùng, xử lý học sinh chưa đủ tuổi điều khiển mô tô. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, tập trung vào hành vi vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, phương tiện hết hạn đăng kiểm... Đề xuất đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường liên tỉnh, liên xã, xóa “điểm đen” tai nạn giao thông; lắp đặt đèn tín hiệu, biển cảnh báo tại khu vực đông dân cư, trường học, chợ, bến xe...

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền lưu động, xây dựng mô hình “Tổ tự quản an toàn giao thông” trong khu dân cư. Phối hợp với các nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức các hội thi, diễn đàn về an toàn giao thông để giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ. Trọng tâm là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông an toàn; kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết, số người bị thương; không để xảy ra tình trạng ùn tắc trên các trục chính, đầu mối giao thông trọng điểm, khu vực đô thị, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Các cơ quan chức năng chủ động xây dựng phương án ứng phó sự cố trên sông, chuẩn bị lực lượng cứu nạn, cứu hộ; lắp đặt biển cảnh báo, cọc tiêu tại những điểm nguy hiểm, khúc cua khuất tầm nhìn, cầu yếu hoặc nơi thường xuyên có tàu thuyền qua lại. Tăng cường kiểm tra các bến thủy nội địa, đặc biệt là bến khách ngang sông, chuyên chở vật liệu xây dựng, than, gỗ...; xử lý nghiêm trường hợp chở quá tải, không có giấy phép, bến không phép, phương tiện hoán cải không đúng quy chuẩn.

Kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt; lắp đặt cảnh báo, gờ giảm tốc khu vực giao cắt với đường bộ. Tổ chức chiến dịch truyền thông tại các trường học, khu dân cư, nhấn mạnh nguy cơ tai nạn khi đi bộ, chơi đùa, băng qua đường ray không đúng nơi quy định. Khảo sát các điểm từng xảy ra tai nạn hoặc có nguy cơ cao, đề xuất phương án cải tạo. Phối hợp với dân quân, bảo vệ dân phố, khu dân cư trong việc giám sát lối đi tự mở, cảnh giới tai nạn. Kêu gọi người dân ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn đường sắt...

Đồng bộ các phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Lớp học ATGT tại Trường mầm non Sao Mai, phường Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ.

Sau sáp nhập, mô hình tổ chức bộ máy quản lý giao thông cũng được điều chỉnh. Sở Xây dựng, Công an tỉnh và các địa phương phối hợp chặt chẽ, kết nối dữ liệu quản lý phương tiện, điều hành giao thông khu vực giáp ranh; liên kết với các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội... để kiểm soát luồng phương tiện liên vùng.

Việc triển khai đồng bộ công tác quản lý nhà nước, đầu tư hạ tầng, công nghệ và đẩy mạnh tuyên truyền là chìa khóa tạo nên hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Triệu Ngọc Toàn - Lê Minh

Nguồn: https://baophutho.vn/dong-bo-cac-phuong-an-dam-bao-trat-tu-an-toan-giao-thong-236454.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm