Tại hội thảo, TS Nguyễn Thanh Hùng (Viện Môi trường và Tài nguyên) thông tin: ngày 25-4-2025 đã xảy ra vụ va chạm nghiêm trọng giữa hai tàu KMTC Surabaya và Glengyle trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ cũ), làm tràn ra môi trường khoảng 259,17 tấn dầu FO. Sau 9 tuần, thống kê cho thấy khoảng 72,6ha rừng ngập mặn bị ảnh hưởng do dầu lan rộng, bám dính vào thực vật dưới tác động của ánh sáng và sóng biển.
Nhiều chuyên gia nhận định, để bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ – khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận – cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ đa dạng sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu và huy động sự tham gia của người dân và các bên liên quan trong quản lý, khai thác tài nguyên bền vững.
Theo TS Huỳnh Đức Hoàn, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ, đặc dụng TPHCM, cần kết hợp giữa quản lý – bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển kinh tế bền vững, đẩy mạnh du lịch sinh thái gắn với trung hòa carbon.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TPHCM Nguyễn Xuân Hoàng nhấn mạnh: trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ có vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường mà còn là nguồn tài nguyên quý phục vụ sản xuất, sinh kế và du lịch. Việc nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp khoa học, thực tiễn sẽ góp phần quan trọng trong bảo vệ và khai thác bền vững giá trị của hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dong-bo-giai-phap-bao-ve-rung-ngap-man-can-gio-post805186.html
Bình luận (0)