BẮC NINH - Tôi sinh ra ở vùng quê nằm giữa đôi bờ sông Cầu và sông Thương. Làng tôi thuộc xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nay là phường Nếnh, tỉnh Bắc Ninh, nơi cụ Thân Nhân Trung đã từng sống. Chính cụ là người để lại lời răn muôn đời cho hậu thế: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Bởi thế các Đức thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm công việc đầu tiên”.
Lời răn ấy vượt qua giới hạn của không gian và thời gian, trở thành lời mở đầu trong nhiều cuốn sử lớn, là ánh sáng cho mọi triều đại, mọi công cuộc dựng nước và giữ nước. Không chỉ là tinh thần của một vương triều, câu nói ấy còn là triết lý khai sáng cho mọi thời đại, khi con người còn cần trí tuệ để phát triển và đạo lý để đứng vững.
Từ mạch nguồn ấy, tôi lớn lên bên dòng sông Thương - dòng sông quê mùa, lam lũ mà có sức lay động. Không dữ dội như sông Hồng, cũng chẳng êm đềm như sông Hương, sông Thương thầm lặng mà thiết tha, mang trong lòng trầm tích của bao thế hệ vùng đất từng là phên giậu Thăng Long xưa.
Bên kia là sông Cầu - con sông của người quan họ, của làn điệu trữ tình và khúc hát giao duyên. Nhà văn Đỗ Chu - người đồng hương với tôi - từng viết: “Có con sông Thương chảy vào đời tôi, lại có dòng sông Cầu chảy qua đời tôi và có những trang sách nâng tôi bước đi theo năm tháng...”. Câu văn ấy như một lời thừa nhận: Chúng tôi sinh ra từ sông, lớn lên nhờ sông và suốt đời mang trong mình một phần cốt cách của những dòng chảy ấy. Sông Thương là Bắc Giang, sông Cầu là Bắc Ninh - hai dòng máu luân lưu, hai nhịp trầm bổng hòa thành một cung đàn lớn của đất nước. Văn của Đỗ Chu không chỉ là hoài niệm cá nhân, mà còn là áng văn tượng trưng cho ký ức chung của bao người con Kinh Bắc, Hà Bắc.
Có những thứ tưởng như chỉ là địa lý, nhưng khi gắn với lịch sử, văn hóa và số phận con người, nó trở nên thiêng liêng. Như Bắc Ninh và Bắc Giang, hai tỉnh từng được tách ra từ tỉnh Hà Bắc năm 1997, nay đã chính thức hợp nhất thành tỉnh Bắc Ninh mới. Gặp lại nhau sau gần ba thập niên, không phải trong một cuộc trở về lặng lẽ, mà là hành trình bước tới đầy tự tin, trong tâm thế hội tụ, khát vọng và trưởng thành.
Tôi đã nhiều lần đi qua những miền đất của Hà Bắc xưa - từ làng tranh Đông Hồ, chùa Dâu cổ kính ở vùng hạ lưu đến Phượng Nhãn, Yên Dũng, Lục Ngạn ở thượng nguồn - mỗi nơi đều mang trong mình một mảnh ghép của lịch sử, văn hóa, hợp thành bản đồ ký ức chung của cả vùng - nơi xưa kia được gọi là Kinh Bắc. Trong bản đồ ấy, Bắc Giang hiện lên là nơi kết tinh những giá trị văn hóa làm nên chiều sâu bản sắc Kinh Bắc. Không gian văn hóa Bắc Giang phong phú với hệ thống di sản được quốc gia và quốc tế ghi nhận.
Một vùng đất mới đang mở ra. Một kỷ nguyên mới đang bắt đầu. Và tôi, người con của mảnh đất quê mùa bên dòng sông Thương vẫn luôn tin vào sự vươn lên kỳ diệu của nơi đã sinh ra và nuôi lớn tôi, bằng những mùa lúa trĩu bông, tiếng gà trưa, lời ru của mẹ… và bằng một câu nói giản dị mà vĩ đại: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. |
Chùa Vĩnh Nghiêm, nơi lưu giữ bộ mộc bản cổ quý giá, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới; chùa Bổ Đà với kiến trúc cổ kính và vườn tháp độc đáo bậc nhất Việt Nam. Dãy Yên Tử phía Tây ôm trọn một phần không gian tâm linh Trúc Lâm - dòng thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, kết tinh tinh thần yêu nước và nhập thế đặc trưng của Phật giáo Việt Nam. Bắc Giang cũng bảo tồn và phát huy nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như ca trù, hát văn, thực hành Then... - những di sản đã được UNESCO vinh danh. Trên nền văn hóa đó là sự đa dạng sắc màu từ các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu… góp phần tạo nên một tấm thảm văn hóa rực rỡ, sống động giữa vùng trái ngọt bốn mùa.
Ở vùng đất ấy, có một biểu tượng thiêng liêng không thể không nhắc đến - Đền Đô, ngôi đền thờ tám vị vua triều Lý tại làng Đình Bảng, nơi khởi nguyên một vương triều đưa Đại Việt vào thời kỳ độc lập và phát triển. Không gian linh thiêng ấy như nhắc nhở mỗi người con Kinh Bắc hôm nay về cội nguồn cao quý của mình, nơi từng sinh ra bậc minh quân Lý Thái Tổ với tư tưởng thiên đô đầy tầm nhìn và khát vọng dựng xây một quốc gia vững mạnh.
Bắc Giang cũng tự hào là nơi có An toàn khu II - vùng đất Hiệp Hòa từng là căn cứ địa chiến lược của Trung ương Đảng từ năm 1943. Những ngôi đình cổ, mái chùa rêu phong, những nếp nhà tranh nơi làng quê ven sông Cầu đã từng âm thầm che chở cho cán bộ cách mạng, trở thành nơi in ấn tài liệu, nuôi giấu cán bộ, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến trường kỳ sau này.
Hôm nay, từ vùng đất từng là An toàn khu, Hiệp Hòa đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành một cực phát triển mới ở phía Tây Bắc Ninh, nơi kết nối truyền thống cách mạng với khát vọng đổi mới, hiện đại và hội nhập. Và không thể không nhắc đến Yên Thế, quê hương của cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài suốt ba thập kỷ do thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Dư âm của nghĩa quân xưa dường như vẫn vọng về qua mỗi lễ hội, mỗi vạt rừng, mỗi câu ca: “Trai Cầu Vồng Yên Thế - Gái Nội Duệ Cầu Lim”, một cách nói dân gian vừa ngợi ca khí phách, vừa gợi lên vẻ đẹp hài hòa giữa văn và võ, giữa chất bi tráng và trữ tình của con người vùng đất này.
Cái tên Hà Bắc về sau từng là biểu tượng của sự cần cù, sáng tạo. Nhưng ngay từ khi chưa mang tên này, vùng đất Kinh Bắc đã sinh ra nhiều bậc cách mạng, trí thức lớn như Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Ngô Gia Tự... Những con người ấy đã bước ra từ đất quan họ, đất khởi nghĩa, mang theo tinh thần yêu nước, chí khí đổi đời, góp phần vào dòng chảy lớn của dân tộc.
Nhưng Hà Bắc xưa cũng từng bị nhìn nhận là một vùng thuần nông, ít đột phá. Cuộc chia tách năm 1997 không chỉ là một quyết định hành chính, mà còn là phép thử bản lĩnh của hai vùng đất. Và thật kỳ diệu, sau gần ba thập niên, cả Bắc Giang và Bắc Ninh đều chứng minh được sự trỗi dậy đầy ấn tượng - không bằng lời nói, mà bằng những thành quả cụ thể, rõ ràng, đáng tự hào.
Bắc Giang, từ một tỉnh trung du nghèo đã vươn mình thành trung tâm công nghiệp mới ở miền Bắc, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP. Thành công này là minh chứng cho chiến lược đúng đắn, phát triển công nghiệp đi đôi với cải cách thể chế, mở rộng hạ tầng, đồng bộ quy hoạch và thu hút đầu tư có chọn lọc. Bắc Giang đi nhanh nhờ tư duy đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo và nhất quán trong xây dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, Bắc Ninh, từ vùng đất quan họ trữ tình đã sớm trở thành tỉnh công nghiệp phát triển mạnh. Là địa phương đầu tiên đón nhà máy Samsung vào Việt Nam, Bắc Ninh nhanh chóng vươn lên thành trung tâm công nghệ cao, điểm sáng về chuyển đổi số và cải cách hành chính. GRDP bình quân đầu người liên tục nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Bắc Ninh là “cái nôi” của di sản văn hóa phi vật thể, cũng là hình mẫu cho khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bản sắc văn hóa Việt Nam.
Hai nhịp phát triển khác nhau, nhưng cùng hướng tới một mục tiêu: Xây dựng trung tâm mới của miền Bắc - nơi hội tụ công nghiệp hiện đại, dịch vụ năng động, văn hóa giàu bản sắc và công nghệ tiên phong. Việc hợp nhất Bắc Giang và Bắc Ninh để tái lập tỉnh Bắc Ninh mới là sự trở về về mặt địa lý, đồng thời là cuộc gặp gỡ mang tính thời đại giữa hai dòng chảy phát triển mạnh mẽ, đầy khát vọng và nội lực.
Người Kinh Bắc xưa trọng chữ, trọng tình, trọng nghĩa. Từ mảnh đất ấy, những câu ca dao đã vang lên, thấm đẫm tinh thần nhân văn và lòng hiếu lễ. Chỉ một câu hát quan họ cũng có thể kết bạn trọn đời. Người dân nơi đây vẫn gọi nhau bằng “anh Hai”, “chị Ba” - cách xưng hô vừa gần gũi, vừa chan chứa ân tình, gìn giữ mạch nguồn văn hóa ứng xử mộc mạc chân quê mà sáng ngời phẩm cách.
Tôi tin rằng, Bắc Ninh mới sẽ là biểu tượng của một vùng đất đang chuyển mình mạnh mẽ. Nơi đó có sông Thương - sông Cầu vẫn miệt mài chảy. Nơi đó có những con người thức dậy mỗi sớm mai, mang theo mình cả một trời truyền thống và một tầm nhìn xa rộng. Nơi đó, những đứa trẻ sẽ học những bài học đầu đời qua câu hát quan họ, qua câu chuyện về cụ Thân Nhân Trung và lời cha ông để lại. Thế hệ trẻ lớn lên trên vùng đất ấy sẽ không chỉ học chữ, học nghề, mà còn được nuôi dưỡng bởi cội nguồn văn hóa, những câu ca dao, lời ru. Và cả những bài học về nghĩa khí, về đạo lý làm người mà cha ông để lại.
Mỗi chúng ta đang đứng trước một thời khắc lịch sử chưa từng có - giữa hoài niệm và hy vọng, giữa quá khứ đáng trân trọng và tương lai đang mở ra phía trước. Nếu lắng tai, ta vẫn sẽ nghe thấy tiếng gọi dịu dàng của đôi dòng sông: Sông Thương và sông Cầu, như hai nốt nhạc trong bản hợp âm lớn mang tên Kinh Bắc - Hà Bắc - Bắc Giang - Bắc Ninh - Bắc Ninh mới.
Một vùng đất mới đang mở ra. Một kỷ nguyên mới đang bắt đầu. Và tôi, người con của mảnh đất quê mùa bên dòng sông Thương vẫn luôn tin vào sự vươn lên kỳ diệu của nơi đã sinh ra và nuôi lớn tôi, bằng những mùa lúa trĩu bông, tiếng gà trưa, lời ru của mẹ… và bằng một câu nói giản dị mà vĩ đại: Hiền tài là nguyên khí quốc gia.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/dong-chay-hoi-tu-vung-kinh-bac-postid421001.bbg
Bình luận (0)