Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dòng chảy văn chương TPHCM: Khát vọng trẻ từ phương Nam

Cuối năm 2024, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức Hội nghị những người viết trẻ lần thứ 5. Đây tiếp tục là cuộc điểm danh lực lượng sáng tác trẻ hiện nay của thành phố, đồng thời cũng hé lộ những gương mặt văn chương đầy triển vọng, đúng như chủ đề hội nghị hướng đến - “Đồng hành khát vọng phương Nam”.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng14/05/2025

Một thế hệ đầy mới mẻ

Là đô thị lớn của cả nước, TPHCM mỗi năm lại đón nhận rất nhiều các bạn trẻ đến sống, học tập và làm việc. Nhờ đó, lực lượng viết trẻ của thành phố cũng được bổ sung liên tục, mang đến sinh khí mới cho văn chương thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, diện mạo văn chương TPHCM liên tục được bổ sung những gương mặt trẻ trung. Họ đem thanh xuân của mình nhập vào dòng chảy đô thị nhộn nhịp để viết nên nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận.

O6a.jpg
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cùng cây bút trẻ của TPHCM tại Hội nghị những người viết trẻ TPHCM lần thứ 5

Ra mắt đúng thời điểm diễn ra Hội nghị những người viết trẻ lần thứ 5, tuyển tập Dòng chảy của nước (NXB Văn học) dẫu chỉ mới điểm danh được 62 tác giả trẻ nhưng đã phần nào cho thấy một dòng chảy đầy sôi nổi, đam mê và liên tục của đời sống văn chương TPHCM, từ những tác giả 7X, 8X đã thành danh như Nguyễn Thị Châu Giang, Vũ Đình Giang, Ly Hoàng Ly, Tiến Đạt, Trần Nhã Thụy, Phạm Phương Lan, Ngô Thị Hạnh, Võ Thu Hương, Phương Huyền, La Thị Ánh Hường, Tống Phước Bảo, Bùi Tiểu Quyên, Văn Thành Lê… đến những gương mặt 9X, 10X đầy trẻ trung và dồi dào năng lượng sáng tạo, được xem là lực lượng chủ chốt của hội nghị lần này như Huỳnh Trọng Khang, Huy Bảo, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Vĩ Hạ, Trần Văn Thiên, Đoàn Nguyễn Anh Minh, Minh Anh…

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TPHCM, nếu so với các vùng miền khác thì đặc trưng nhất của văn chương trẻ TPHCM chính là sự đa dạng. Họ tự tìm con đường phát triển cho mình một cách năng động nhất mà các địa phương khác không có được. Đặc biệt, hội nghị lần này đã nhận diện rõ nét nhất một thế hệ tác giả công dân toàn cầu, có thể viết song ngữ như Minh Anh (sinh năm 2007), Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008).

“Bên cạnh ưu điểm thì điều đáng lo ngại nhất ở lực lượng trẻ là về lý luận phê bình và dịch thuật. Lý luận phê bình không thể chờ ngày một ngày hai được mà cần phải sống trong dòng chảy chung của xã hội thì mới nhập cuộc được. Về dịch thuật, điều đáng tiếc nhất là các dịch giả hiện ít trau dồi tiếng Việt, bản dịch của họ có thể chính xác về ngôn từ nhưng lại thiếu đi sự hoa mỹ của văn chương mà các thế hệ dịch giả trước đã làm rất tốt”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết thêm.

Nơi mang đến những trải nghiệm quý giá

Có một thực tế là ít nơi nào thường xuyên có những sân chơi dành cho các cây bút trẻ như TPHCM. Điển hình như cuộc thi văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước do Hội Nhà văn TPHCM và NXB Trẻ tổ chức trước đây, bên cạnh sự tham gia của rất nhiều nhà văn chuyên nghiệp thì đây cũng là cơ hội của nhiều tác giả trẻ. Có những người đã nhận được giải cao như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thị Thanh Bình…

Giải thưởng Nhà văn trẻ (dành cho các tác giả dưới 35 tuổi) của Hội Nhà văn TPHCM ra đời vào năm 2011, sau hơn 10 năm đã được trao cho nhiều tác giả như: Trần Minh Hợp với tập truyện Cô gái bán ô màu đỏ (2011), Bùi Tiểu Quyên với tập truyện ngắn Cỏ đồi phương Đông (2014), Lê Hữu Nam với truyện dài Mật ngữ rừng xanh (2015), Ngô Thúy Nga với tập thơ Nốt lặng (2016), Trần Đức Tín với tập thơ Ở đậu trong nhau (2021), Huỳnh Trọng Khang với tiểu thuyết Bể trăng côi (2023), Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài Dị bản…

Một số tác giả trẻ của TPHCM cũng đã đạt giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam như Trần Duy Bảo Khang (bút danh Vĩ Hạ) với tập thơ Đi tìm những bóng người (2022) và Trần Đức Tín (bút danh Khét) với tập thơ Chín nhánh da vàng (2022).

Đặc biệt, một dấu son trong đời sống văn học trẻ ở TPHCM chính là cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 đã góp phần phát hiện nhiều cây bút trẻ cho cả nước nói chung và TPHCM nói riêng như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, Nguyễn Thị Thanh Bình, Vũ Đình Giang, Hiền Trang, Yang Phan, Nhật Phi… Tiếc rằng, vào năm 2022, giải đã phải tạm dừng sau lần trao giải thứ 7. Tuy nhiên, liền sau đó Giải thưởng Văn học trẻ của Đại học Quốc gia TPHCM được ra đời, tiếp tục là sân chơi văn chương cho các tác giả trẻ. Sau 3 lần tổ chức, giải thưởng đã vinh danh nhiều tên tuổi mới như Cầm Văn Lương, Trần Thị Thùy Dung, Trần Văn Thiên, Phạm Nhã Chi, Trần Trọng Đoàn, Trần Minh Tâm, Lương Phan Huy Bảo…

Giống như rất nhiều bạn trẻ khác, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn của Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia TPHCM), nhà văn trẻ Phạm Anh Tuấn (sinh năm 1994, còn có bút danh khác là Yang Phan) quê ở Lâm Đồng đã lựa chọn lập nghiệp ở TPHCM. Song song với công việc của một biên tập viên, anh cũng hoạt động văn chương đầy năng nổ và nhận về thành tích đáng kể: đồng giải nhì (không có giải nhất) tại cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 7.

Anh hiện đã có cho mình 7 tập sách, mới nhất là truyện dài Biến thể của cô đơn (NXB Trẻ) được tái bản không lâu sau khi phát hành. “Nếu sống ở nơi khác, có thể tôi sẽ không có được kết quả như vậy. Khi quyết định chọn xuống TPHCM học, tôi hiểu rằng đây không chỉ là cái nôi văn chương mà còn là nơi mang đến cho mình rất nhiều va đập trong cuộc sống. TPHCM cho tôi mọi thứ mình cần để có thể phát triển văn chương”, nhà văn trẻ Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Năm 2006, nhà thơ Phạm Phương Lan quê tại Hà Tĩnh, sau đó chuyển vào Cần Thơ sinh sống và khi ngoài 30 tuổi, chị quyết định chuyển đến TPHCM lập nghiệp. Dù đã sáng tác từ trước đó, nhưng như chị tự nhận, chỉ đến khi sống và làm việc tại TPHCM, được sống cùng dòng chảy văn chương ở đây, nhận được góp ý từ thế hệ đi trước, đã giúp chị hoàn thiện và có thêm động lực để theo đuổi văn chương một cách chuyên nghiệp hơn. Tập thơ đầu tay Không là gió mây của chị được xuất bản sau 2 năm sống ở TPHCM.

“Những người bạn văn ở TPHCM đã cho tôi động lực rất nhiều. Tôi cảm nhận được môi trường văn chương ở TPHCM rất tích cực khi mọi người không những chấp nhận sự khác biệt mà còn góp ý, dìu dắt cho nhau. Điều này không phải ở đâu cũng có”, nhà thơ Phạm Phương Lan bày tỏ. Chị nhắn nhủ bạn viết trẻ: “Điều quan trọng nhất là sự kiên định với mục tiêu. Nếu các bạn xác định đi đường dài với văn chương, hãy yêu và kiên định với lựa chọn của mình. Nếu các bạn xem văn chương như một nghề nghiệp, đam mê thì mình sẽ đi được đường dài với nó”.

- Nhà thơ LÊ THIẾU NHƠN, Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TPHCM:

Lực lượng tác giả trẻ lần này buộc Hội Nhà văn TPHCM cũng như những ai quan tâm đến phát triển văn học phải nghĩ đến một kế hoạch dài hạn để bồi dưỡng và phát triển. Nhiệm kỳ vừa rồi, hội cố gắng duy trì mỗi năm một trại sáng tác cho các tác giả trẻ nhưng vẫn chưa đủ. Nhà văn trẻ cần có thêm nhiều hoạt động nữa, như những bàn tròn về văn chương trẻ, các hoạt động mang tính chuyên môn phải được tổ chức thường xuyên. Ngoài những bàn tròn văn học thì cần một diễn đàn dành cho văn chương trẻ.

- Nhà văn trẻ NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN:

Hiện nay đang rất thiếu sân chơi cho các cây bút trẻ, nhất là những bạn mới bắt đầu viết lách. Họ chủ yếu đăng tải bài viết, tham gia những diễn đàn văn chương trên mạng xã hội, bởi thế mạnh là có thể đưa bài viết của mình đến với nhiều người đọc và ngay lập tức nhận được sự tương tác, phản hồi. Tuy nhiên, qua một thời gian, nhiều cây bút từng tham gia tích cực các diễn đàn văn chương vắng bóng dần, có nhiều bạn ngưng luôn việc sáng tác.

Do việc đăng tải lên diễn đàn phần lớn “vui là chính”, những tương tác cũng đa phần là “khen cho vui”, việc không nhận nhuận bút cũng khiến các cây bút trẻ nản lòng. Hy vọng các báo, tạp chí có thêm nhiều đất cho các cây bút trẻ gửi gắm đứa con tinh thần. Và cũng hy vọng, tới đây sẽ có thêm nhiều cuộc thi văn chương có chuyên môn cao dành cho những cây bút trẻ. Việc này vừa kích thích sáng tạo, vừa phát hiện ra những cây bút tài năng…

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dong-chay-van-chuong-tphcm-khat-vong-tre-tu-phuong-nam-post795123.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm