Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp

Triển khai đồng bộ các chủ trương quan trọng của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, chính quyền tỉnh Lạng Sơn luôn nhất quán quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là động lực quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng công nghệ, khai thác tiềm năng vùng biên.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân25/07/2025

Việc được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO mở ra triển vọng lớn để tỉnh Lạng Sơn phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Nguồn: HDNLS
Việc được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO mở ra triển vọng lớn để tỉnh Lạng Sơn phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Nguồn: HDNLS

Kinh tế Lạng Sơn đã có sự tăng trưởng tích cực, cụ thể trong năm 2024, chỉ số kinh tế đo lường tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ cuối cùng trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,8%. Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh có vai trò rất lớn, hằng năm đóng góp khoảng 63% GRDP địa phương và 15% thu ngân sách trong toàn tỉnh Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, những nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng đã ghi nhận kết quả tích cực: Lạng Sơn liên tục duy trì vị trí tốp 30, với thứ hạng 13, 15, 16 trong ba năm gần đây. Riêng trong phát triển hạ tầng, tỉnh Lạng Sơn luôn thực hiện nghiêm túc cam kết hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, công nghệ và thị trường. Đặc biệt, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đang đẩy nhanh triển khai Đề án cửa khẩu thông minh theo định hướng Chính phủ, coi đây là đột phá trong cải cách thủ tục, tăng năng lực thông quan. Tháng 4/2025, tỉnh Lạng Sơn còn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, mở ra triển vọng lớn về phát triển du lịch sinh thái, văn hóa…

Tuy nhiên, khi phân tích làm rõ vai trò đặc biệt của vùng đất mang trong mình nhiều tiềm năng như: kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp bản địa, du lịch văn hóa - sinh thái... ông La Giang Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lạng Sơn, cho rằng, để doanh nghiệp khởi nghiệp của địa phương phát triển cần thêm những cơ chế linh hoạt và các chính sách thật sự phù hợp với thực tiễn vùng miền biên viễn này. Bởi thực tế cho thấy, khoảng cách giữa tư duy chính sách và thực tiễn triển khai ở cấp địa phương đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cụ thể hóa các Nghị quyết quan trọng của Trung ương bằng hành động thực chất, phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Nhìn từ một góc độ khác, ông Nông Ngọc Trung, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lạng Sơn cho rằng, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật và hỗ trợ khởi nghiệp là những trọng tâm cần được quan tâm, song điều mà doanh nghiệp mong đợi nhất vẫn là một hệ sinh thái công bằng, minh bạch và dễ tiếp cận.

Đơn cử như với Nghị quyết số 57-NQ/TW, theo ông Trung, nếu các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa phương chỉ được nghe nói mà không được trao không gian để hiện thực hóa, họ sẽ tiếp tục rút lui, bỏ cuộc, hoặc rơi vào những mô hình kinh doanh chộp giật, phi chính thức.

Bởi ông Trung cho rằng, nếu không có chính sách đặc thù cho địa phương, đặc biệt ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc thì các chỉ tiêu đổi mới sáng tạo này sẽ chỉ tập trung ở các đô thị lớn, và khoảng cách phát triển giữa các vùng ngày càng bị nới rộng. Nếu xu hướng này tiếp diễn, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương sẽ bị triệt tiêu, gây lãng phí nguồn lực, làm chậm tiến trình chuyển đổi số quốc gia và gia tăng sự phụ thuộc vào một vài trung tâm kinh tế lớn. “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại vùng núi không đòi hỏi quá nhiều ưu đãi, chỉ cần một môi trường cạnh tranh lành mạnh và cơ hội tiếp cận bình đẳng thị trường công - tư”.

Ghi nhận những đóng góp, cũng như những góp ý tâm huyết của của khu vực kinh tế tư nhân và Hội Doanh nhân trẻ Lạng Sơn cho sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian qua, ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, “bộ tứ then chốt” Nghị quyết lớn của Trung ương không chỉ định hướng chiến lược quốc gia mà còn mở ra cơ hội thay đổi toàn diện phương thức phát triển cho các địa phương vùng trung du miền núi phía bắc, trong đó có tỉnh Lạng Sơn.

Ông Đoàn Thanh Sơn nhấn mạnh, chúng ta cần xem đây là cơ sở để địa phương hoàn thiện chính sách và cải thiện môi trường đầu tư. Chính quyền luôn kỳ vọng các doanh nhân trẻ trong tỉnh mạnh dạn chia sẻ đề xuất, đồng thời tăng cường năng lực chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, hướng đến phát triển bền vững. Việc lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, đặc biệt là trong khu vực tư nhân, sẽ là tiêu chí quan trọng để điều chỉnh chính sách, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và sát nhu cầu. Vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân đã rõ ràng, đặc biệt là lực lượng doanh nhân trẻ trong phát triển kinh tế địa phương. Chính quyền tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là động lực quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng công nghệ, khai thác tiềm năng vùng biên.

Với những cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng hệ sinh thái đầu tư thân thiện, minh bạch và năng động, Lạng Sơn hướng đến mục tiêu không chỉ là điểm đến, mà còn là đối tác chiến lược của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình phát triển bền vững quốc gia.

Nguồn: https://nhandan.vn/dong-hanh-cung-doanh-nghiep-khoi-nghiep-post895752.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm