Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dòng sông 'giới tuyến' và hai chiều thời gian

Bài thơ 'Đưa dâu qua cầu Bến Hải' của tác giả Cảnh Trà là một lời nhắc nhẹ nhàng nhưng tha thiết về giá trị của hòa bình, tự do, thống nhất.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương01/05/2025

cau-hien-luong-2.jpg
Vào dịp lễ 30/4 - 1/5, cầu Hiền Lương hay cầu Bến Hải đón rất đông người đến tham quan

Đưa dâu qua cầu Bến Hải
Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu
Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải
Cầu vừa bắc xong
Sơn còn tươi rói
Đôi bờ xanh lúa mới ngậm đòng
Nhìn lại họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng
Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ
Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa, Cam Lộ
Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau
Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu
Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái
Bước chân Hiền Lương sao đường nghẽn lại
Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên…
Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên
Như là hoa, là lá
Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ
Mà hay chưa, bỡ ngỡ như chiêm bao
Tôi nhìn sông, nghe sông chảy rì rào
Ai hát đó tưởng như mời tôi hát
Ngắm mây bay tôi thấy trời bát ngát
Chân người đi rộn rịp quá người ơi!
Không chỉ là tôi, ai cũng thế, bồi hồi
Ai cũng thế, niềm vui này tột đỉnh
Chúng ta đã trải qua ngàn trận đánh
Để bây giờ đất nước được vẹn nguyên
Cho con đò khỏi “gác mái tình duyên”
Và chiếc cầu, “chặng đường thôi nghẽn lại”
Chừng vui quá nên cô dâu bối rối
Mắt thẹn thùng, chen trong đám chị em
Tóc cài hoa với chiếc áo thanh thiên
Mới nắng đó mà đỏ lừ đôi má
Chàng trai bâng khuâng tay đung đưa trong gió
Sông long lanh nước sóng sánh đôi bờ
Tiếng nói cười như chim hót sau mưa.
CẢNH TRÀ

Chỉ vài tháng sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” của nhà thơ Cảnh Trà ra đời như một tiếng reo vui giữa những ngày hội lớn. Thi phẩm chạm đến người đọc bằng cảm xúc trong trẻo, chân thành và niềm hạnh phúc ngỡ như chiêm bao sau hơn hai mươi năm khói lửa chiến tranh.

“Đưa dâu qua cầu Bến Hải” không viết về những trận đánh hào hùng hay bản anh hùng ca khải hoàn mà tác giả lựa chọn một chi tiết rất nhỏ nhưng có sức nặng biểu tượng vô cùng lớn là một đám cưới.

Một mai nắng vàng hoa ngâu
Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải
Cầu vừa bắc xong
Sơn còn tươi rói

Mở đầu bài thơ là một buổi mai “nắng vàng hoa ngâu”, tràn ngập ánh sáng ấm áp của bình yên trở lại cho thấy rõ tính thời sự của thi phẩm. Cầu Hiền Lương nơi từng bị chia đôi bằng hai màu sơn, giờ đã là một cây cầu thống nhất thực sự, còn “tươi rói” sắc sơn như một biểu tượng của sự bắt đầu mới. Đây là hình ảnh trực quan và cũng rất giàu sức gợi cho thấy đất nước vừa “vá lành” vết thương chia cắt và những mạch sống đang trở lại bằng những sự kiện đời thường cưới xin, sum vầy. Những chi tiết ấy đã khắc họa một cách chân thực tâm trạng của người dân khi chứng kiến một sự kiện tưởng như bình thường mà lại thiêng liêng đến nghẹn ngào.

Nhìn lại họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng
Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ

Nhà thơ đã rất tinh tế khi để hình ảnh cô dâu chú rể cụ thể hóa quá trình hòa hợp dân tộc:

Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa, Cam Lộ
Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau

Vĩnh Linh là huyện phía bắc sông Bến Hải, Cam Lộ ở phía nam và đám cưới là phép ẩn dụ tinh tế cho sự nối liền hai miền Nam - Bắc. “Sông tưng bừng”, “gió lâng lâng", dường như thiên nhiên cũng như đang ăn mừng cùng con người. Cảnh vật, con người, tình yêu, tất cả hòa vào nhau để tạo nên một không khí đầy xúc động và tươi sáng.

Bước chân Hiền Lương sao đường nghẽn lại
Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên…

Chiến tranh không chỉ là mất mát, hy sinh mà còn là những “cuộc tình dở dang” vì ranh giới địa lý. Bài thơ nhắc đến những tổn thương cũ không phải để oán trách hay khơi gợi hận thù mà để nhấn mạnh niềm hạnh phúc hiện tại có được là vô giá, là kết quả của bao mất mát và nhẫn nhịn. Tác giả đã dùng phép so sánh rất giản dị để diễn tả cảm giác hạnh phúc trở lại:

Như là hoa, là lá
Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ

Sự bình thường, cái bình thường mà chiến tranh từng tước đoạt giờ đây lại trở thành một điều diệu kỳ, khiến người ta ngỡ như đang mơ:

Mà hay chưa, bỡ ngỡ như chiêm bao

Chính sự “bỡ ngỡ” ấy là cảm xúc thật nhất, của một dân tộc vừa bước ra khỏi chiến tranh, chưa quen với hòa bình nhưng cũng đang học cách tận hưởng niềm vui rất thật, rất người.

Là một phóng viên, tác giả Cảnh Trà không chỉ đứng bên lề quan sát. Ông hòa vào đám cưới, hòa vào đám đông, ghi lại bằng thơ những khoảnh khắc mà đôi khi lời nói không thể diễn đạt trọn vẹn:

Tôi nhìn sông, nghe sông chảy rì rào
Ai hát đó tưởng như mời tôi hát

Lời thơ là tiếng lòng, một nỗi niềm rất riêng nhưng lại khiến người đọc cùng đồng cảm, cùng “hát” lên với chính tác giả. Bởi ai từng sống trong đất nước chia cắt, ai từng đón ngày thống nhất đều mang trong mình nỗi xúc động khôn nguôi ấy.

Để khép lại một vòng cảm xúc, nhà thơ lại trở về với hình ảnh đôi bạn trẻ cô dâu, chú rể trong vẻ e thẹn, vụng về đáng yêu:

Chừng vui quá nên cô dâu bối rối
Mắt thẹn thùng, chen trong đám chị em
Tóc cài hoa với chiếc áo thanh thiên

Hình ảnh này không chỉ làm "mềm" bài thơ mà còn là điểm nhấn giàu sức gợi. Dù là ai, ở miền nào, thì cũng đều là những con người trẻ trung, mơ mộng, yêu thương và hướng đến tương lai.

Tiếng nói cười như chim hót sau mưa

Chim hót sau mưa là hình ảnh kết thúc nhẹ nhàng mà thấm sâu, như một nốt nhạc ngân dài trong bản hòa ca của tự do và thống nhất. Tiếng cười trở lại, không phải từ sân khấu lớn hay khẩu hiệu mà từ đám cưới thôn quê nơi hạnh phúc thực sự bắt đầu.

“Đưa dâu qua cầu Bến Hải” là một trong những thi phẩm hiếm hoi chạm vào khoảnh khắc giao thời giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chia cắt và thống nhất, giữa đau thương và hạnh phúc. Gần 50 năm đã trôi qua, đọc lại “Đưa dâu qua cầu Bến Hải”, ta không chỉ sống lại không khí năm 1975 đầy xúc động mà còn thêm một lần nhận ra thống nhất không chỉ là địa lý, là bản đồ mà là lòng người, là từng mái nhà, từng câu hát, từng cái nắm tay nối từ đời này sang đời khác.

LÂM OANH

Nguồn: https://baohaiduong.vn/dong-song-gioi-tuyen-va-hai-chieu-thoi-gian-410078.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm