Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng Tháp: Chung tay lan tỏa phong trào "Bình dân học vụ số"

Trong thời đại chuyển đổi số toàn diện, việc nâng cao nhận thức và năng lực số cho người dân là nhiệm vụ mang tính chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tỉnh Đồng Tháp đã phát huy vai trò Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) và tuổi trẻ trong công tác tuyên truyền, tổ chức, lan tỏa sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số” đến hội viên, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên và người dân trên địa bàn tỉnh.

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang19/07/2025

Tuyên truyền phong trào “Bình dân học vụ số” đến hội viên, phụ nữ xã Tân Thuận Bình.
Tuyên truyền phong trào “Bình dân học vụ số” đến hội viên, phụ nữ xã Tân Thuận Bình.

1. Hội LHPN tỉnh xác định: Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng hoạt động Hội và phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong công cuộc phát triển quê hương. Hội LHPN tỉnh cũng cho rằng, thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ là nhiệm vụ nhất thời, mà là một yêu cầu tất yếu của thời đại.

Các cấp Hội LHPN tỉnh cần xác định rõ đây là nội dung xuyên suốt trong công tác Hội. Phụ nữ cần được tiếp cận công nghệ một cách an toàn, chủ động, hiệu quả. Từ đó, nâng cao vị thế, quyền năng kinh tế và năng lực số, từng bước khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội. Hội LHPN phải là cầu nối, là người bạn đồng hành, không để bất kỳ hội viên, phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số.

Từ khi triển khai đến nay, phong trào “Bình dân học vụ số” đã và đang lan tỏa mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở. Cụ thể, Hội LHPN xã Tân Thuận Bình đề ra mục tiêu là hằng tháng có hoạt động, nội dung tuyên truyền phong trào “Bình dân học vụ số” và đưa nội dung phong trào vào sinh hoạt chi, tổ hội định kỳ; đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hội viên, phụ nữ tham gia xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số. Theo đó, mỗi chi hội xây dựng được ít nhất 1 mô hình “gia đình số”.

100% hội viên, phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có điều kiện, được tham gia các hoạt động tuyên truyền/tập huấn/bồi dưỡng nâng cao năng lực tham gia chuyển đổi số do Hội LHPN các cấp triển khai thực hiện. 100% cán bộ Hội các cấp tham gia học tập ít nhất 1 khóa học/chương trình nâng cao năng lực về chuyển đổi số (trực tiếp hoặc gián tiếp). Hỗ trợ 100% phụ nữ quản lý doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận các khóa đào tạo/tập huấn, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh…

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Bình Lưu Thị Thúy Hằng cho biết, thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ là nhiệm vụ nhất thời mà là nội dung xuyên suốt trong công tác Hội năm 2025 và những năm tiếp theo.

Gắn với chủ đề năm 2025: “Phát huy vai trò phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới”, Hội LHPN xã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt Hội và đời sống thường ngày. Đồng thời, Hội phối hợp ngành Công an xã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”.

Theo kế hoạch năm 2025, Hội LHPN xã Tân Thuận Bình tổ chức 3 cụm tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, phụ nữ thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” với trên 150 hội viên, phụ nữ tham gia. Tại các buổi tuyên truyền, hội viên, phụ nữ được hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, tích hợp các tính năng mới, thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Được trực tiếp hướng dẫn sử dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng VNeID, bà Võ Thị Kim Liên, ở ấp Tân Đông, xã Tân Thuận Bình chia sẻ: “Khi tham gia buổi tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”, tôi được các cán bộ phụ nữ, các em sinh viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân hỗ trợ tích hợp các tính năng mới, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong ứng dụng VNeID. Từ đó, giúp tôi nâng cao kỹ năng số, hướng dẫn người thân trong gia đình tích hợp các loại giấy tờ và biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên ứng dụng VNeID”.

Các cấp Hội LHPN tỉnh còn có Fanpage tuyên truyền, kết nối mạng xã hội; các lớp tập huấn kỹ năng số đã được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở; các mô hình như Câu lạc bộ “Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng” được thành lập; các lớp học kỹ năng sử dụng phần mềm, sử dụng dịch vụ công, thanh toán không dùng tiền mặt, hay tạo gian hàng thương mại điện tử… đã mang lại thay đổi rõ rệt cho hàng ngàn hội viên, phụ nữ.

Đội hình “Bình dân học vụ số” tuyên truyền trên địa bàn khu phố 2, phường Đạo Thạnh.
Đội hình “Bình dân học vụ số” tuyên truyền trên địa bàn khu phố 2, phường Đạo Thạnh.

2. Hiện phong trào “Bình dân học vụ số” đã và đang lan tỏa mạnh mẽ tại phường Đạo Thạnh. Trong đó, tuổi trẻ mà cụ thể là những cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên phường đang phát huy vai trò của mình trong việc lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số” cho người dân địa phương. 

Phong trào “Bình dân học vụ số” giai đoạn 2025 - 2027 được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai trên toàn quốc từ tháng 2-2025 nhằm thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Qua đó, giúp mọi tầng lớp nhân dân, từ thanh niên, công nhân, nông dân đến người cao tuổi, tiếp cận công nghệ và thích ứng với quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội việc làm, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Tại phường Đạo Thạnh, phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai tập trung vào “dạy kỹ năng số, học công nghệ số” những kiến thức thiết yếu để không bị tụt lại trong thời đại chuyển đổi số toàn diện. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Đạo Thạnh cho biết, rất nhiều người dân, nhất là người cao tuổi, tiểu thương, người lao động phổ thông sử dụng điện thoại thông minh chưa thành thạo, không tiếp cận được các dịch vụ công trực tuyến. Đó chính là động lực để Đoàn Thanh niên phường Đạo Thạnh phát động phong trào “Bình dân học vụ số”.

Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đoàn Thanh niên phường Đạo Thạnh phối hợp với Công an phường, Đội hình Chiến dịch Hành quân xanh là sinh viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân tập trung hướng dẫn đến các em học sinh và người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng định danh điện tử VNeID.

Đồng thời, hướng dẫn chi tiết các thao tác thực hiện nộp hồ sơ thủ tục trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an và dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, chia sẻ những kiến thức thực tế và kỹ năng nhận biết, phòng tránh các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội - những vấn đề dễ gặp phải trong môi trường số hiện nay.

Theo học ở các lớp kỹ năng của phong trào “Bình dân học vụ số” chủ yếu là người cao tuổi, tiểu thương, công nhân, người lao động tự do… Họ không giấu sự bối rối trong những buổi đầu tham gia. Nhưng chính sự gần gũi, tận tâm của người dạy đã tạo nên không khí học tập thân thiện, xóa đi mọi mặc cảm. “Ban đầu, nhiều người dân còn e dè vì nghĩ mình đã lớn tuổi, học cũng không tiếp thu được nhiều.

Nhưng khi các bạn đoàn viên, thanh niên, Công an tận tình hướng dẫn tiếp cận các dịch vụ tiện ích trên điện thoại thông minh, ứng dụng VNeID, thao tác nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia… đã giúp người dân dần tự tin hơn”, đồng chí Nguyễn Ngọc Hiếu chia sẻ.

Theo thống kê của Đoàn Thanh niên phường Đạo Thạnh, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 7-2025, đã có hơn 400 lượt người dân trên địa bàn phường được hướng dẫn kỹ năng số, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại phường tăng hơn 30%.

Nhiều người dân còn chủ động đến nhờ đoàn viên hướng dẫn, hỗ trợ khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Không chỉ mang lại kỹ năng, phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai tại phường Đạo Thạnh còn góp phần gắn kết các thế hệ trong gia đình, tăng tính cộng đồng trong khu dân cư.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết: “Cái hay của phong trào “Bình dân học vụ số” là phổ cập công nghệ thông tin, công nghệ số đến với tất cả mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, trình độ. Để mọi người dân được trang bị công cụ để hội nhập, vươn lên và tự bảo vệ mình trong thế giới số. Giờ đây, hầu hết người cao tuổi đều dùng được mạng xã hội để kết nối với con cháu, đọc tin tức…

Họ không còn thấy công nghệ là thứ xa lạ. Đó là tín hiệu tích cực cho một xã hội học tập suốt đời. Chúng tôi không dừng lại ở việc tuyên truyền, mà đang hướng tới xây dựng các “điểm tiếp cận số” cố định tại từng khu phố. Ở đó, người dân có thể đến bất kỳ lúc nào để được hỗ trợ về công nghệ. Quan trọng nhất là duy trì phong trào “Bình dân học vụ số” bằng tinh thần tự nguyện, đoàn kết, vì cộng đồng”. 

Hành trình mang “tri thức số” đến với người dân của tuổi trẻ phường Đạo Thạnh âm thầm, bền bỉ và đầy nhân văn. Với sự nhiệt quyết, năng động và cống hiến của tuổi trẻ đã và đang chung tay lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số” để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.

SỚM MAI - SONG AN

Nguồn: https://baoapbac.vn/xa-hoi/202507/dong-thap-chung-tay-lan-toa-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-1047035/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm