Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dư âm vang vọng mãi

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khúc ca khải hoàn thống nhất vang lên trên khắp đất nước Việt Nam chắc hẳn những ai sinh sống ở thời khắc đó giờ...

Báo Lai ChâuBáo Lai Châu03/05/2025

Năm 1967, khi chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn chiến đấu ác liệt, chàng trai Hoàng Công Ngự, ở Nam Định (nay sinh sống tại thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) tròn 19 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ. Cũng như bao thanh niên cả nước thời ấy, anh Ngự hướng về miền Nam với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
“Chúng tôi hành quân đường bộ rất vất vả. Đơn vị tôi đi 8 tháng từ Hòa Bình mới đến mũi Cà Mau và vừa chiến đấu vừa học tập. Lúc ấy, đồng đội đều hừng hực khí thế, trong lòng chỉ có một niềm tin đất nước phải độc lập, Bắc - Nam sum họp một nhà” - ông Ngự hồi tưởng khí thế quyết tâm của ngày ra trận.
Là chiến sỹ của Đại đội thông tin (Trung đoàn 10), ông Ngự được giao nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc giữa các mũi tiến công trên chiến trường ác liệt Tây Nam Bộ và Campuchia. Năm 1969, sau khi nghe tin Bác Hồ mất, dù cả Đại đội đều rất buồn và đeo băng tang trên ngực để tưởng nhớ Người, nhưng ai cũng đều quyết tâm cho trận đánh phía trước. Đơn vị ông có người hy sinh khi chưa kịp gọi điện về quê lần nào; có đồng đội nằm lại vĩnh viễn trong rừng già và mỗi lần nhắc đến, cổ họng ông lại nghèn nghẹn.
Ông Ngự kể: Trận chiến đầu tiên tôi tham gia là đánh đồn bốt ở biên giới Campuchia, khi đó tôi sát cánh cùng đại đội trưởng. Trận đánh đó rất ác liệt, trên bom, dưới đạn, làm đại đội trưởng và 2 chiến sỹ hy sinh. Tôi bị thương nặng, lạc mất đơn vị, đến khi được đồng đội tìm thấy, đưa về mới biết mình còn sống. Năm tháng chiến đấu dẫu có tang thương đến mấy nhưng người mất thì đã mất rồi, người còn sống vẫn phải xông lên dù còn chút hơi sức cuối cùng. Rồi cho đến một ngày, khi tôi và đồng đội đang tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh thì hay tin chiến thắng. Không còn từ nào diễn tả niềm vui của giây phút đất nước thống nhất.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Sáng (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên) kể lại cho lớp trẻ về những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh vì nền độc lập dân tộc.

Cùng tham gia những trận đánh ác liệt đuổi quân xâm lược Mỹ, song cựu chiến binh Hoàng Văn Sáng ở xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) lại tham gia chiến trường C ở nước bạn Lào. Trải qua 5 chiến dịch với 47 trận đánh ác liệt, ông Sáng bảo: “Làm nhiệm vụ quốc tế ở nước Lào, bảo vệ đất nước bạn cũng là bảo vệ đất nước mình nên phải dốc hết tinh thần trách nhiệm mà chiến đấu. Mình là quân nhân, là đảng viên, không thể lùi bước trước khó khăn thử thách. Đầu hàng chính là phản bội Tổ quốc. Đất nước ta được giải phóng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cũng hòa bình sau đó, chúng tôi thấy công sức, vinh dự của mình như được nhân đôi và niềm vui nhân lên gấp bội”.
Dù là người lính trực tiếp tham gia ở chiến trường miền Nam, làm nhiệm vụ quốc tế hay tham gia công tác, sản xuất ở địa phương, thì ký ức về những tháng năm khói lửa của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước vẫn in sâu trong tâm trí của người dân vùng biên giới Lai Châu.
Ông Phạm Ngọc Toan (ở thành phố Lai Châu) xúc động kể lại thời khắc lịch sử 30/4/1975: Trong khi tôi đang làm việc ở Bệnh viện huyện Tuần Giáo (tỉnh Lai Châu cũ), hôm đó đúng vào thứ 4, Đài Tiếng nói Việt Nam phát trên loa phát thanh báo tin miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Cả bệnh viện, trong đó có bệnh nhân ùa ra gần loa phát thanh để nghe cho rõ. Ai nấy đều rất phấn khởi reo hò vì vui quá, không ngờ lại giải phóng miền Nam nhanh đến thế.
Còn bà Lý Thị Lả (vợ của ông Toan) thì nhớ lại: Ngày đó tôi đang làm giáo viên dạy học ở trường học tận xã Dào San. Chúng tôi chuẩn bị đám cưới nhưng đất nước thực hiện lệnh tổng động viên nên phải xa nhau. Ngày 30/4/1975, nghe tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lúc ấy cảm xúc không biết diễn tả thế nào cho hết niềm hạnh phúc.
Cảm xúc của người trong cuộc chiến và ở hậu phương những ngày tháng 4 lịch sử chắc hẳn cũng là niềm hân hoan hạnh phúc của hàng triệu nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Giờ đây, mỗi khi nhắc lại, ai cũng không thể quên từng chi tiết, từng cảm xúc, từng câu chuyện… Nhưng, hạnh phúc nhất của người lính là được trở về an toàn sau chiến tranh. Họ “được” sự sống, “được” ghi ơn, nhưng mất mát quá lớn đó là những đồng đội còn nằm lại mãi trên chiến trường; họ “nợ” đồng đội những ân tình ngàn năm không trả hết. Nhân dân Việt Nam cũng vậy.
Chiến thắng 30/4 không chỉ là bản anh hùng ca vang vọng khắp non sông, mà còn là ký ức thiêng liêng được cất giữ trong trái tim mỗi người dân đất Việt, từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng hải đảo xa xôi đến đất liền ngay trước mặt; từ nơi tuyến lửa đến vùng biên cương xa xôi nhất. Trên mảnh đất Lai Châu đổi mới hôm nay, ký ức về ngày 30/4 không chỉ được nhắc nhớ, còn là động lực để các thế hệ sau viết tiếp trang sử vẻ vàng bằng hành động cụ thể xây dựng quê hương giàu đẹp, giữ gìn biên cương vững chắc, xứng đáng với những hy sinh của bao thế hệ cha ông.

Nguồn: https://baolaichau.vn/xa-hoi/du-am-vang-vong-mai-957239


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM
Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm