Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dự án tái định cư chậm tiến độ

Đà Nẵng đang đồng loạt triển khai nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn. Trong khi mặt bằng cho các dự án được bàn giao đúng tiến độ, thì nhiều khu tái định cư lại thi công cầm chừng. Tình trạng “nợ đất tái định cư” kéo dài, gây xáo trộn đời sống người dân.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng12/07/2025

11_kinhte.jpg
Thiếu đất san lấp, nhiều dự án tái định cư trên địa bàn thành phố phải thi công cầm chừng. TRONG ẢNH: Dự án tái định cư khu trung tâm xã Hòa Bắc (giai đoạn 2), nay thuộc phường Hải Vân khó về đích theo kế hoạch đề ra. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Chậm thi công vì thiếu đất san lấp

Từ năm 2016, hàng trăm hộ dân ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (nay thuộc phường Hải Vân) bàn giao đất để thi công tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan. Đây là dự án giao thông trọng điểm quốc gia kết nối Đà Nẵng với Thừa Thiên Huế, góp phần hoàn thiện hành lang kinh tế Đông - Tây.

Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ vẫn chưa có đất tái định cư. Gia đình ông Hồ Phú Vỹ (trú thôn Phò Nam, phường Hải Vân, trước đây thuộc xã Hòa Bắc) là một trong những trường hợp điển hình. Năm 2016, ông Vỹ bàn giao hơn 500m2 đất để phục vụ dự án cao tốc và đã có phiếu bốc thăm đất tái định cư. Tuy nhiên, đến lượt bốc thì đất đã hết.

"Gia đình tôi hơn chục người phải thuê hai căn nhà để ở tạm. Đợi mãi không thấy đất, chúng tôi đành dựng lều tạm trên nền đất mượn của người quen trong khu tái định cư để trú ngụ. Gia đình chỉ mong khu tái định cư trung tâm xã Hòa Bắc (giai đoạn 2), nay thuộc phường Hải Vân được đẩy nhanh tiến độ để có đất mà ổn định cuộc sống", ông Vỹ thổ lộ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhu cầu đất tái định cư trên địa bàn thành phố hiện rất lớn do nhiều dự án đồng loạt thu hồi đất. Tuy nhiên, tốc độ đầu tư hạ tầng tái định cư không theo kịp, gây ách tắc trong bố trí đất cho người dân. Riêng tại các địa phương sau sáp nhập như phường Hải Vân, Hòa Khánh, xã Hòa Vang, Bà Nà và Hòa Tiến, hiện còn thiếu khoảng 1.000 lô đất tái định cư.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Chủ tịch UBND phường Hải Vân cho biết: “Tại khu vực xã Hòa Bắc (cũ), nhiều hộ dân đã có phiếu bốc thăm, có sơ đồ đất, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đất trên thực tế do các dự án tái định cư chưa hoàn thành hạ tầng”.

Trên địa bàn huyện Hòa Vang (cũ) có 13 khu tái định cư đang triển khai, nhưng phần lớn rơi vào tình trạng thi công cầm chừng. Trong khi đó, người dân mòn mỏi chờ đất để xây nhà.

Đơn cử, khu tái định cư trung tâm xã Hòa Bắc (giai đoạn 2), nay thuộc phường Hải Vân, khởi công từ tháng 12/2023, dự kiến hoàn thành tháng 9/2025 để bố trí đất cho các hộ chưa được nhận đất đợt đầu. Tuy nhiên, đến nay mặt bằng vẫn ngổn ngang, nhiều hộ chưa được giải tỏa, hạ tầng chưa hoàn thiện.

Tình trạng tương tự xảy ra tại dự án khu tái định cư phục vụ các công trình trên địa bàn huyện Hòa Vang (cũ) được triển khai xây dựng gần khu vực trụ sở xã Bà Nà ngày nay. Dự án khởi công từ tháng 7/2024, dự kiến hoàn thành tháng 7/2025 nhưng nhiều hạng mục vẫn dang dở. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu đất san lấp.

Ông Nguyễn Phong Trung, Chỉ huy trưởng công trình thuộc liên danh nhà thầu, cho biết: “Chúng tôi đã huy động đầy đủ máy móc, thiết bị nhưng nhiều lúc phải nằm chờ vì không có đất san lấp. Tiến độ chậm là điều ngoài mong muốn”.

Không chỉ thiếu đất đắp nền, nhiều khu tái định cư còn thiếu hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cấp thoát nước, điện sinh hoạt… khiến việc bàn giao đất thêm trì trệ.

Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng (chủ đầu tư 3 dự án tái định cư) lý giải: “Tiến độ chậm chủ yếu do khan hiếm vật liệu, đặc biệt là đất san lấp. Hơn nữa, các khu tái định cư thường nằm ở vùng trũng thấp, cần khối lượng lớn đất đắp để đạt cao trình quy hoạch nên kéo dài thời gian thi công”.

Để giải quyết tình trạng này, chính quyền các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp như hoán đổi vị trí đất, bố trí hộ dân vào các lô đất đã hoàn thiện hạ tầng ở khu vực lân cận. Đồng thời phối hợp với các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ và kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thi công.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cũng nhìn nhận, hầu hết xã thuộc huyện Hòa Vang (cũ) có tỷ lệ “nợ” đất tái định cư cao nhất thành phố, do triển khai đồng thời nhiều dự án lớn nhưng thiếu nguồn vật liệu san lấp. “Tái định cư phải đi trước một bước, đó là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy hạ tầng phát triển thực chất”, ông Chương cho hay.

Gỡ "nút thắt" bằng nguồn vật liệu chiến lược

Trước tình trạng thiếu đất san lấp trầm trọng, tại kỳ họp thứ 24 HĐND thành phố (khóa X) vừa qua, UBND thành phố đã trình đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 9,5ha rừng sản xuất sang khai thác khoáng sản tại mỏ đất số 3, do Công ty TNHH Xây dựng Phát triển Thái Anh Đà Nẵng đầu tư tại hai xã Hòa Liên và Hòa Ninh (cũ), nay là phường Liên Chiểu và xã Bà Nà.

Khu vực này là rừng trồng, trữ lượng gỗ không cao (bình quân khoảng 26,76m /ha). Việc chuyển đổi mục đích được cho là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đất san lấp hơn 40 triệu mét khối từ nay đến năm 2030. Ngoài việc bổ sung nguồn vật liệu thi công hạ tầng tái định cư, dự án còn góp phần tăng thu ngân sách, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực.

UBND thành phố khẳng định, việc triển khai dự án sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ môi trường, phục hồi rừng và giám sát khai thác. Đây được xem là giải pháp chiến lược để gỡ “nút thắt” vật liệu, nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều dự án tái định cư chậm tiến độ, ảnh hưởng dây chuyền đến việc bố trí đất ở cho người dân đã bàn giao mặt bằng.

Nguồn: https://baodanang.vn/du-an-tai-dinh-cu-cham-tien-do-3265526.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm