Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Du học sinh Việt nên làm gì trước cuộc chiến của chính quyền Mỹ và Harvard?

(Dân trí) - "Sinh viên Việt Nam không nên lo lắng bởi họ không phải mục tiêu của cuộc chiến giữa ông Trump với Harvard hiện nay", TS Đinh Công Bằng - chuyên gia tư vấn chính phủ điện tử tại Florida - nhận định.

Báo Dân tríBáo Dân trí25/05/2025

Harvard và các trường đại học sẽ sớm "đầu hàng"?

Sự việc chính quyền Tổng thống Trump thu hồi quyền tuyển sinh viên quốc tế của Đại học Harvard sáng 23/5 (giờ Việt Nam) làm dấy lên tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Mỹ, cho dù chưa đầy 24 giờ sau đó, thẩm phán liên bang Allison Burroughs đã ra một lệnh có giá trị tạm thời về việc tạm dừng hiệu lực của lệnh cấm Harvard tuyển sinh viên quốc tế .

Với riêng du học sinh tại Harvard, họ phải đứng trước hai lựa chọn: Chuyển trường hoặc trở thành người cư trú bất hợp pháp trên đất Mỹ.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một du học sinh Việt (xin giấu danh tính) cho hay, sở dĩ các sinh viên chịu ảnh hưởng trực tiếp không công khai bày tỏ quan điểm cá nhân là bởi những lo ngại về rủi ro pháp lý liên quan tới phát ngôn. 

Nếu có rủi ro xảy ra, danh tính của họ dễ dàng bị truy vết vì cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Harvard rất ít ỏi.

"Bầu không khí lo lắng bao trùm. Có cả những nỗi lo thực tế và những nỗi lo không thực tế. Tất cả đều nín thở theo dõi các động thái mới nhất từ trường", sinh viên này nói.

TS Đinh Công Bằng - chuyên gia tư vấn chính phủ điện tử tại Florida, người có nhiều năm làm công tác hỗ trợ cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Mỹ - chia sẻ góc nhìn riêng của ông về vấn đề này.

Theo ông Bằng, việc chính quyền Tổng thống Trump "tấn công" các trường đại học bản chất là một cuộc chiến chính trị. Dường như ông Trump muốn giành chiến thắng trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

"Trong cuộc chiến này, chính quyền Trump đã tìm ra vũ khí cực kỳ lợi hại là đánh thẳng vào "dạ dày" của các trường đại học. Nếu họ lùi bước thì đó là cuộc chiến thắng của ông Trump về ý thức hệ, đồng thời thu hút sự ủng hộ rất lớn của những người đã bầu ông. 

Du học sinh Việt nên làm gì trước cuộc chiến của chính quyền Mỹ và Harvard? - 1

TS Đinh Công Bằng là chuyên gia tư vấn chính phủ điện tử tại Florida, đồng thời có nhiều năm làm công tác hỗ trợ cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Mỹ (Ảnh: NVCC).

Cá nhân tôi cho rằng các trường không có cách gì thắng nổi ông Trump trong cuộc chiến này. Nhất là khi ông Trump có một lợi thế rất quan trọng là tòa án tối cao liên bang đứng về phía ông", ông Bằng phân tích.

Ông Bằng dự đoán, Harvard và các trường đại học sẽ sớm "đầu hàng". 

"Đến một thời điểm, Harvard phải quyết định là muốn bảo vệ quyền lợi của sinh viên hơn hay là bảo vệ tự do hơn.

Trong cuối tuần này và tuần sau, Harvard sẽ quyết định là "chiến" tiếp hay là tìm giải pháp mà phía chính quyền Tổng thống Trump chấp nhận.

Ở phương án 2, luật sư Harvard và luật sư của Bộ Tư pháp sẽ thỏa thuận ngầm các chính sách, quy định hoạt động trên khuôn viên nhà trường, sinh viên sẽ không được phép làm gì.

Ở phương 1, Harvard sẽ mở một vụ kiện mới độc lập.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục cuộc chiến này, Harvard chắc chắn mất và khả năng thua cao. 

Giả sử 3 tháng nữa Harvard thắng, khi ấy toàn bộ số sinh viên, chuyên viên, giảng viên, giáo sư... đang dùng visa F1, J1 đã phải về nước rồi. Các lớp học, LAB nghiên cứu, dự án của họ bỏ dở hoặc hủy hết rồi. 

Harvard thắng, tức là sinh viên tiếp tục được biểu tình chống Israel thoải mái trong khuôn viên trường, nhưng đó chỉ là một chiến thắng có tính biểu tượng chứ không có lợi ích gì cụ thể. Trong khi đó hàng ngàn sinh viên, nhân viên và cả giáo sư bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, để được chiến thắng này, Harvard phải huy động được đội ngũ luật sư "khủng", có thể đến cả Tòa án tối cao Liên bang, gây tốn kém tài chính vào làm sao nhãng việc chính của Harvard là giảng dạy và nghiên cứu", ông Bằng nêu quan điểm.

Cũng theo ông Bằng, các trường đại học khác trong nhóm Ivy League sẽ nghe ngóng Harvard. Nếu Harvard thắng, các trường sẽ cùng chiến đấu. Nếu Harvard lùi bước, các trường cũng sẽ lùi bước. Harvard cũng buộc phải thắng nhanh, trong vài ngày hoặc muộn nhất vài tuần. Vì thời gian ân hạn visa cho sinh viên quốc tế chỉ có 60 ngày.

"Không trường nào có nhiều tiền như Harvard, với những giáo sư luật hàng đầu và các mối quan hệ cá nhân trực tiếp trong toàn bộ hệ thống pháp lý của Mỹ. Nếu Harvard không đỡ nổi thì không ai cả", ông Bằng nói.

Du học sinh Việt tại Mỹ nên làm gì?

Ước tính cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Mỹ vào khoảng 230.000 người. Trong đó, số sinh viên, chuyên gia đang học tập, nghiên cứu, giảng dạy tại Harvard rất ít.

Tuy nhiên, ông Bằng cho biết, tâm lý hoang mang vẫn lan rộng trong cộng đồng. Mức độ ảnh hưởng trực tiếp thấp nhưng sang chấn tâm lý mạnh. Nhiều sinh viên đang học các trường khác cũng lo sợ về cơ hội của mình. Họ sợ rằng nếu trường đại học đưa ra quyết định đối lập với chính quyền Tổng thống Trump thì họ sẽ trở thành nạn nhân.

"Những điều đó chưa xảy ra, không có một nguy hiểm cụ thể nào, nhưng mối lo ở trong đầu khiến đời sống của sinh viên bị xáo trộn", ông Bằng nói.

Những giờ qua, ông Bằng dành nhiều thời gian tư vấn trong các nhóm du học sinh. Theo ông, những sinh viên, nghiên cứu sinh đang học Harvard không nên quá lo lắng. Thay vào đó, hãy vạch ra các phương án để chọn lựa. 

Nếu chọn phương án ở lại Harvard, sinh viên cần tìm kiếm sự trợ giúp từ nhà trường về vấn đề giấy tờ, đặc biệt trong trường hợp phải tạm ra khỏi nước Mỹ để không rơi vào cảnh cư trú bất hợp pháp.

Thời gian ở Mỹ, sinh viên cần tuyệt đối tuân thủ luật pháp Mỹ, đồng thời giữ kết nối với Ban quản trị nhà trường, nơi có những mối quan hệ sâu rộng đảm bảo được quyền lợi cho sinh viên của mình.

Nếu chọn phương án chuyển trường, Ban quản trị nhà trường cũng là nơi để sinh viên yêu cầu trợ giúp.

Du học sinh Việt nên làm gì trước cuộc chiến của chính quyền Mỹ và Harvard? - 2

Sinh viên Harvard cùng gia đình trong ngày nhập học (Ảnh: Fanpage Harvard University).

Trường hợp sinh viên đang học tại các trường đại học ngoài Harvard, tức không liên quan trực tiếp, ông Bằng khuyên nên tiếp tục tập trung vào những mục tiêu thực tế như học tập, nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội việc làm hay tìm học bổng bậc cao hơn. 

Với những học sinh chuẩn bị sang Mỹ, ông Bằng cho rằng đây là đối tượng hoàn toàn không liên quan tới cuộc chiến giữa ông Trump và các trường đại học, bởi họ không động vào ngân sách nghiên cứu - nguồn tiền mà ông Trump đang nhắm đến.

"Việc cân nhắc có nên sang Mỹ học hay không theo tôi là nỗi lo lắng không hợp lý. Về mặt tổng thể, nước Mỹ vẫn là nước có hệ thống giáo dục đại học và sau đại học tốt nhất thế giới, ngân sách dành cho nghiên cứu vẫn đang lớn nhất thế giới, cơ hội việc làm cho người nước ngoài cũng là lớn nhất và mọi thứ không có gì thay đổi cả", TS Đinh Công Bằng khẳng định.

Thạc sỹ Giáo dục Đinh Thu Hồng là giáo viên tiểu học lâu năm tại bang Georgia, Hoa Kỳ, cho rằng, "cuộc chiến" giữa chính quyền Trump và các trường đại học Ivy League là dịp để phụ huynh Việt Nam nhìn nhận lại về mục tiêu du học. 

Du học sinh Việt nên làm gì trước cuộc chiến của chính quyền Mỹ và Harvard? - 3

Thạc sỹ Giáo dục Đinh Thu Hồng - giáo viên tiểu học tại bang Georgia, Hoa Kỳ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hệ thống giáo dục đại học Mỹ với hơn 4.000 trường, có sự đồng đều về chất lượng bất chấp thứ hạng cách biệt. Việc học tập tại các trường nhỏ hơn, ít nổi tiếng hơn có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho học sinh, như học phí rẻ hơn, tỷ lệ giáo sư/sinh viên cao hơn, và do đó sự quan tâm của giáo viên nhiều hơn, cơ hội phát triển bản thân tốt hơn. 

Những trường này cũng có nhiều hỗ trợ tài chính và học bổng cho sinh viên quốc tế. 

Trong khi đó, việc vào Harvard hay các trường Ivy League không đảm bảo thành công nhưng mức độ cạnh tranh quá gay gắt. Thực tế, nhiều sinh viên gặp áp lực lớn, thậm chí gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần tại những trường này.

Cuộc tấn công của chính quyền Tổng thống Trump vào các trường đại học Ivy League càng cho thấy đó không phải là những lựa chọn duy nhất đúng.

Song theo bà Hồng, một bộ phận không nhỏ phụ huynh Việt Nam có tư duy "sính" trường danh tiếng, quan tâm quá nhiều đến thứ hạng của các trường thay vì quan tâm đến sở thích, khả năng của con. Vì thế, họ có thể bị "sốc", hoang mang, lo lắng trước những gì đang diễn ra.

"Tất nhiên, nếu vào được trường lớn, bạn sẽ có mạng lưới mối quan hệ tốt, có cơ hội thực tập cao hơn.

Nhưng ngược lại, nếu vào đó mà bạn bị áp lực, không hòa nhập được, thì lúc nào bạn cũng trong cuộc đua "rat raise" (nghĩa đen là đường đua chuột, nghĩa bóng là cuộc cạnh tranh không bao giờ dừng lại vì tiền bạc, danh tiếng).

Đó là một cuộc đua cực kỳ là vô nghĩa và bất hạnh cho những đứa trẻ", bà Hồng nêu quan điểm.

Bà Hồng cũng đưa ra lời khuyên, trong giai đoạn này, sinh viên Việt Nam tại Mỹ cần bình tĩnh và mở rộng phạm vi tìm kiếm cơ hội học tập. Thay vì chỉ tập trung vào Ivy League, họ có thể tìm hiểu về các trường khác hoặc các hướng đi khác, như học nghề. 

Mục tiêu cuối cùng là có được kiến thức và kỹ năng để thành công. Điều này có thể đạt được ở bất kỳ trường nào, miễn là sinh viên chăm chỉ và nỗ lực.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/du-hoc-sinh-viet-nen-lam-gi-truoc-cuoc-chien-cua-chinh-quyen-my-va-harvard-20250524151912253.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm