Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Du lịch Đông Giang - tiềm năng chưa được khai phá

Tài nguyên để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp của huyện Đông Giang rất lớn; tuy nhiên, hiệu quả khai phá còn hạn chế.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam15/05/2025

ẢNH 1
Du khách hòa mình cùng các vũ điệu truyền thống của người Cơ Tu tại khu du lịch Cổng Trời Đông Giang. Ảnh: CÔNG TÚ

Hiệu quả hạn chế

Ven quốc lộ 14G, 2 làng du lịch cộng đồng Bhơhôồng (xã Sông Kôn) và Đhrôồng (xã Tà Lu) khai trương hoạt động từ năm 2013.

Các hoạt động của 2 làng này do Ban Quản lý làng làng du lịch cộng đồng từng địa phương trực tiếp quản lý, điều hành các tổ, nhóm dịch vụ.

Dựa vào bản sắc văn hóa, sản phẩm đặc trưng của người Cơ Tu, làng Bhơhôồng cung cấp cho du khách các nhóm dịch vụ ẩm thực truyền thống, múa tân tung da dá, biểu diễn nhạc cụ - hát giao duyên, biểu diễn và dạy bắn nỏ, nghề đan lát, lưu trú homestay.

Đến với làng Đhrôồng, du khách được thưởng thức ẩm thực truyền thống, hòa mình cùng điệu múa tân tung da dá, đan lát và dệt thổ cẩm, lưu trú gươl…

ẢNH 0
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THCS huyện Đông Giang trải nghiệm làm món ẩm thực truyền thống. Ảnh: CÔNG TÚ

Quyền Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đỗ Hữu Tùng cho biết, những năm qua, làng Bhơhôồng đã được các cấp, sở ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ hoạt động.

Thông qua dự án của các tổ chức quốc tế, cộng đồng làm du lịch bước đầu được trang bị kiến thức chung về làm du lịch, nghiệp vụ đón tiếp khách, nghiệp vụ buồng phòng. Huyện còn tập trung đào tạo nhiều lớp nghề cho người dân lao động cả 2 làng nghề.

Nhưng do nhiều nguyên nhân, việc thu hút du khách đến với các làng nghề nói chung, làng Bhơhôồng và Đhrôồng còn rất khiêm tốn.

Theo thống kê, năm 2022, khi dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang tổ chức đón khách giai đoạn 1, lượng khách du lịch đến 2 làng này chỉ là 243 lượt, doanh thu hơn 76 triệu đồng; năm 2023 là 389 lượt, doanh thu hơn 108 triệu đồng. Thực tế đó cho thấy, lượng lớn du khách đến Cổng Trời Đông Giang đã không ghé vào 2 làng làng du lịch cộng đồng.

Dù là miền núi, Đông Giang lại sở hữu tài nguyên lớn về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Khảo sát ban đầu cho thấy trên địa bàn có 10 địa điểm tiềm năng phát triển. Chính vì vậy, huyện đã ban hành, triển khai kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin cũng đã tham mưu UBND huyện đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép xây dựng Đề án thí điểm phát triển nông nghiệp, quản lý, bảo vệ rừng gắn với khai thác văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn. Vậy nhưng, việc hình thành điểm du lịch kiểu này chủ yếu tự phát, lượng khách chưa nhiều.

Cần tháo gỡ rào cản

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Giang - ông Đinh Văn Bảo chia sẻ, huyện luôn tìm nhiều giải pháp để khai phá tài nguyên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng khi khai thác dịch vụ ăn uống, lưu trú tại các vườn, nông trại sản xuất nông nghiệp (farmstay) là rào cản lớn chưa được tháo gỡ.

ẢNH 2
Farmstay Suối Mây tại thôn Tống Coói (xã Ba). Ảnh: CÔNG TÚ

Một người dân kể, có doanh nghiệp từ miền xuôi lên đề cập cùng khai thác loại hình này, nhưng đành bỏ dở ý định vì liên quan đến pháp luật về đất đai. Ngược lại, cách dốc Kiền (quốc lộ 14G) không xa về phía đông, hàng chục điểm du lịch thuộc địa phận Đà Nẵng thu hút khá đông du khách khám phá, thưởng ngoạn.

Năm 2024, Đông Giang đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương để huyện xây dựng Đề án thí điểm phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng quy mô hộ, nhóm hộ gắn với khai thác văn hóa bản địa, nông nghiệp, rừng để khai thác lợi thế của huyện. Địa phương chờ cấp thẩm quyền có cơ chế chính thức để tháo gỡ.

Thêm một rào cản khác, tiêu chuẩn cơ sở dịch vụ lưu trú của loại hình dịch vụ du lịch kết hợp nông nghiệp (farmstay) chưa được quy định trong Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn liên quan. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của UBND cấp huyện đối với loại hình lưu trú du lịch dưới 20 phòng khi thực hiện kiểm tra cơ sở vật chất, điều kiện kinh doanh dịch vụ.

Để khai phá tiềm năng du lịch cộng đồng, ông Đỗ Hữu Tùng cho biết, địa phương chú trọng phổ biến, quán triệt thực hiện nội dung Nghị quyết số 35, ngày 23/10/2023 của Huyện ủy về tiếp tục lãnh đạo công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 28, ngày 25/10/2023 của HĐND huyện thông qua “Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Về du lịch nông nghiệp, huyện kiến nghị cấp thẩm quyền có cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng để các hộ gia đình, cơ sở sản xuất nông nghiệp khai thác dịch vụ du lịch tại vườn, trang trại. Quan tâm đầu tư cải tạo, mở rộng quốc lộ 14G để khai thác tiềm năng phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội nói chung...

Nguồn: https://baoquangnam.vn/du-lich-dong-giang-tiem-nang-chua-duoc-khai-pha-3154761.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm