Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gen Z Đà Nẵng mê “đồ bành” vì chất sống xanh

ĐNO - Giữa những con phố tấp nập của Đà Nẵng, không khó để bắt gặp những cửa hàng nhỏ bày bán quần áo cũ – dân địa phương gọi là đồ bành – với giá chỉ từ 20.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng cho một chiếc áo khoác vintage hay một chiếc váy hoa kiểu thập niên 90. Những tưởng đây chỉ là lựa chọn “bất đắc dĩ” của người thu nhập thấp, nhưng không – ngày nay, “đồ bành” đang trở thành một trào lưu thời trang thực thụ, đặc biệt trong giới trẻ Gen Z.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng18/07/2025

banh.jpg
Đồ bành được bày bán nhiều tại các chợ, thu hút người mua, xem.

Đồ cũ – gu mới

Chợ Cồn, chợ Thanh Khê, hay những tiệm nhỏ nằm trên các tuyến đường như Thái Thị Bôi, Ông Ích Khiêm, Hùng Vương... là những “mỏ vàng thời trang” của giới săn đồ bành. Không gian chật hẹp, nhưng bên trong là cả một thế giới quần áo, phụ kiện đủ mọi phong cách – từ vintage Pháp, retro Nhật đến denim Mỹ, áo bomber Hàn Quốc. Với nhiều bạn trẻ Đà Nẵng, đây là nơi tìm ra bản sắc cá nhân, tạo nên phong cách không đụng hàng mà lại… cực rẻ.

Minh Trí – sinh viên năm ba ngành Văn hoá Du lịch, kể: “Mình thích phong cách cổ điển, bụi bặm. Một lần đi chợ Cồn tình cờ thấy chiếc áo len kiểu Scotland, chỉ 40 nghìn đồng. Mặc lên đúng chất mình luôn tìm. Từ đó, mình mê đồ bành!”

Cũng như Trí, nhiều bạn trẻ lựa chọn đồ cũ như một tuyên ngôn thời trang: mặc lại không phải nghèo, mà là ý thức. Họ không bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm nhanh, hàng hiệu đại trà mà tập trung vào tính cá nhân, độc lạ và đặc biệt là… bảo vệ môi trường.

Chị Lee Thảo – một tiểu thương lâu năm chuyên bán đồ bành nữ trên đường Thái Thị Bôi, vừa xếp gọn đống áo khoác hàng Nhật vừa chia sẻ: “Hồi trước, người ta ngại mặc đồ cũ, sợ ‘mất giá’. Giờ khác rồi. Học sinh, sinh viên tới chọn kỹ lắm. Cái gì độc, lạ, chất vintage là mê.”

Chị Thảo cũng là đầu mối bỏ sỉ cho các quầy hàng ở chợ Cồn. Hàng của chị chủ yếu nhập từ Nhật, Hàn – những nơi gom đồ xuất khẩu cũ. “Mỗi bao hàng về là như mở quà. Có khi cả bao chỉ vài món ưng ý, nhưng bán được giá. Cũng có hôm “hời” – có cái áo jean Levi's xưa, bán cho khách 300 ngàn.”

Theo chị Thảo, khách Gen Z cực nhạy xu hướng: “Họ biết style Y2K, boho, hay preppy... Cầm áo lên là biết phối sao cho đẹp. Mình cũng học được nhiều từ tụi nhỏ.”

Tại chợ Thanh Khê, chị Chính – người bán hàng bành hơn 15 năm, thừa nhận chưa bao giờ thấy đồ cũ "hot" như bây giờ. “Ngày trước chỉ người lớn tuổi, mấy cô lao động mới đi mua. Giờ tụi sinh viên đi đông. Có bạn mua xong chụp hình ‘OOTD’ đăng mạng, tag tên sạp mình luôn.”

Với chị Lữ Đào – nhân viên văn phòng ở phường Liên Chiểu, đồ bành là một lựa chọn kinh tế hợp lý, nhưng cũng mang yếu tố cảm xúc: “Tôi không mua theo mốt, mà theo cảm giác. Có những chiếc váy hoa kiểu cũ, mặc vào thấy như trở lại tuổi đôi mươi. Đồ bành như một kỷ vật thời gian.”

Chị Đào cũng nhấn mạnh: “Thực ra đồ bành nếu biết chọn sẽ rất bền, chất vải tốt hơn cả hàng mới giá rẻ. Có lần tôi mua cái áo len cashmere 60 nghìn, mặc ba năm vẫn đẹp.”

Từ thời trang đến lối sống xanh

Không đơn giản chỉ là tiết kiệm, nhiều bạn trẻ Đà Nẵng đang xem việc mặc đồ bành như một hành động tiêu dùng bền vững – một phần của lối sống “xanh”.

Tuấn – sinh viên thiết kế, cho biết: “Thời trang nhanh (fast fashion) đang tạo ra núi rác thải. Một chiếc áo sản xuất xong nếu không ai dùng sẽ mất hàng chục năm mới phân huỷ. Trong khi đồ bành giúp kéo dài vòng đời sản phẩm. Lựa chọn đó mang giá trị cộng đồng.”

Tuấn còn cùng vài người bạn lập tài khoản Instagram chia sẻ outfit hàng bành phối đồ mỗi tuần, với thông điệp "Reuse & Reinvent" (Tái sử dụng và tái tạo cá tính). “Bọn mình không cổ suý mặc cũ vì nghèo. Bọn mình cổ suý tiêu dùng có trách nhiệm.”

Thế giới của đồ bành không đơn thuần là “hàng thải” như định kiến xưa cũ. Với sự lựa chọn thông minh, sáng tạo và tinh thần tích cực của người trẻ, đồ bành đang được "tái sinh" trong một vai trò mới: biểu tượng của gu thẩm mỹ cá nhân, sự tiết kiệm, và một lối sống có trách nhiệm hơn với môi trường.

“Mỗi món đồ cũ đều có linh hồn,” chị Chính mỉm cười nói khi gấp gọn chiếc váy lụa nhăn nhẹ. “Nó từng thuộc về ai đó, từng đi qua những con đường khác. Giờ đến tay mình, lại bắt đầu một hành trình mới.”

Và có lẽ, hành trình ấy – từ tay người này đến tay người khác, từ xứ lạnh đến phố biển, từ “đồ bành” thành “chất sống” – chính là điều làm nên sức hút kỳ diệu của những món đồ cũ giữa lòng thành phố trẻ Đà Nẵng.

Nguồn: https://baodanang.vn/gen-z-da-nang-me-do-banh-vi-chat-song-xanh-3297202.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm