
Sau nhiều phiên điều chỉnh, thị trường vàng trong nước bật tăng trở lại trong ngày 11/7. Theo ghi nhận, giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu lớn như SJC, PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu… đồng loạt tăng 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều. Giá mua vào dao động từ 118,3 - 119 triệu đồng/lượng, giá bán ra phổ biến ở mức 121 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn 9999 cũng tăng nhẹ, niêm yết quanh ngưỡng 114 - 118,7 triệu đồng/lượng tùy thương hiệu.
Tuy nhiên, trong khi thị trường cả nước sôi động, thì tại Nghệ An, giao dịch vàng lại khá trầm lắng. Giá vàng miếng 9999 được các tiệm vàng tư nhân tại Nghệ An niêm yết chỉ từ 105 - 108 triệu đồng/lượng (mua vào) và 111 - 111,3 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn 5 - 7 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu lớn trong nước.

Theo tìm hiểu, sở dĩ có sự chênh lệch này là do phần lớn các tiệm vàng ở Nghệ An là cơ sở kinh doanh tư nhân, không phải đại lý chính thức của các thương hiệu lớn như SJC, PNJ hay DOJI. Vì thế, họ không được phân phối trực tiếp vàng miếng chuẩn thương hiệu mà chủ yếu giao dịch vàng nhẫn tròn trơn, vàng trang sức 9999 chế tác tại chỗ hoặc mua từ nguồn nhỏ lẻ. Điều này khiến giá đầu vào rẻ hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc không thể niêm yết cao như các thương hiệu lớn.
Tuy nhiên, đã từng có thời điểm giá vàng ở Nghệ An cao hơn giá niêm yết của các thương hiệu lớn trong nước đến 1-2 triệu đồng/lượng, đặc biệt, vào các đợt biến động mạnh như tháng 5 và tháng 6/2024. Điều này cho thấy, sự chênh lệch giá vàng tại Nghệ An so với thị trường chung là hiện tượng mang tính thời điểm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố đan xen.

Giá vàng ở Nghệ An, như nhiều tỉnh, thành khác, không phụ thuộc hoàn toàn vào giá niêm yết của các doanh nghiệp lớn, mà chịu ảnh hưởng mạnh từ quy luật cung - cầu thực tế tại địa phương. Khi nhu cầu mua vào cao đột biến (ví dụ dịp cưới hỏi, tích trữ cuối năm hoặc tin đồn tăng giá), giá bán ra của các tiệm vàng có thể bị đẩy lên vượt giá chung, thậm chí cao hơn SJC 1-2 triệu đồng/lượng. Ngược lại, khi thị trường trầm lắng hoặc nhiều người bán ra cùng lúc thì giá vàng ở Nghệ An lại thấp hơn giá vàng trong nước.
Đáng chú ý, biên độ chênh lệch mua - bán tại Nghệ An thời điểm này lên tới 4 - 4,5 triệu đồng/lượng, trong khi biên độ chung của thị trường cả nước chỉ khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/lượng.
.jpg)
Bên cạnh đó, giao dịch tại địa phương chủ yếu là nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu cưới hỏi, tặng biếu hoặc tích trữ gia đình, không phải đầu tư quy mô lớn. Việc thanh khoản thấp khiến tiệm vàng phải tăng biên độ để bù đắp chi phí vận hành, lãi suất vốn lưu động và rủi ro giá giảm bất ngờ.
Giá vàng tuy thấp hơn thị trường, nhưng khi bán lại thì “lỗ kép” vì chênh lệch mua - bán bị kéo giãn. Điều này khiến thị trường khó sôi động, giao dịch chỉ diễn ra cầm chừng, mang tính chất phòng ngừa hơn là đầu tư thực sự. Theo chủ một tiệm vàng lâu năm tại phường Trường Vin: “Giá vàng thế giới lên, trong nước tăng, nhưng tại địa phương lại trầm vì ít người mua. Lượng người đến bán vàng lại tăng 20% so với cùng kỳ tháng trước. Đa phần giao dịch hiện nay chỉ dừng ở mức nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu tặng biếu, cưới hỏi hoặc thanh khoản tạm thời”.

Thực tế, người dân cũng tỏ ra thận trọng khi đứng trước biến động của thị trường kim loại quý. Anh Khánh Huy (phường Trường Vinh) chia sẻ: “Giá vàng lên xuống khó lường, mua không đúng thời điểm là lỗ ngay. Có lúc, tôi mua xong 1 tuần đã mất 3 triệu đồng/lượng. Nếu mua tích trữ dài hạn thì được, còn ngắn hạn thì khó có lãi vì chênh lệch mua - bán quá cao”.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia khuyến nghị người dân nên thận trọng khi tham gia thị trường vàng, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Việc cập nhật thông tin thường xuyên, lựa chọn thời điểm mua - bán hợp lý và ưu tiên tích trữ lâu dài thay vì lướt sóng ngắn hạn là những yếu tố quan trọng để hạn chế rủi ro.
Nguồn: https://baonghean.vn/gia-vang-tang-tro-lai-bien-do-mua-ban-o-nghe-an-gian-rong-10302093.html
Bình luận (0)