Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải pháp hiệu quả trong chăn nuôi dê

BPO - Thay vì lệ thuộc vào cỏ tươi hay thức ăn công nghiệp, nhiều hộ chăn nuôi dê ở Bình Phước đang chủ động áp dụng kỹ thuật ủ chua thức ăn từ cỏ voi, cây bắp, củ mì… Cách làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ, không chỉ giúp giảm chi phí, công lao động mà còn tạo ra nguồn thức ăn ổn định, đảm bảo cho đàn dê phát triển tốt quanh năm.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước28/05/2025

Chủ động nguồn thức ăn

Hình ảnh người nông dân tay liềm, vai bao, mỗi ngày tất tả đi cắt cỏ cho dê ăn đang dần thay thế bằng những chiếc thùng ủ chua đầy ắp cỏ voi, cây bắp, củ mì. Đây không phải là kết quả của một chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia, mà bắt đầu từ chính nhu cầu thực tiễn và tinh thần học hỏi không ngừng của người nuôi dê.

Ông Võ Văn Rơ đang thu gom cỏ voi để chuẩn bị phối trộn ủ chua thức ăn cho đàn dê của gia đình

Trước đây, vào mùa khô hoặc mùa mưa kéo dài, đàn dê của ông Võ Văn Rơ ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh thường xuyên thiếu thức ăn, còi cọc, dễ bệnh. Nhưng từ khi học cách ủ chua thức ăn, mọi chuyện đã khác. Ông Rơ chia sẻ: “Trước kia, mỗi ngày tôi phải đi cắt hàng xe cỏ, lá keo, lá xoan rất vất vả mà chỉ đủ nuôi vài chục con dê. Hiện chỉ cần ủ cỏ voi một lần là có thể dự trữ cho dê ăn dần trong nhiều tháng. Mỗi ngày chỉ cần lấy ra từng phần đủ ăn, đỡ công đi cắt cỏ, lại tiết kiệm được thời gian và chi phí”.

Không chỉ giảm công lao động, phương pháp này còn giúp người chăn nuôi tránh lệ thuộc vào thời tiết, chủ động nguồn thức ăn. “Dê rất kén ăn, trời mưa cỏ ướt, dê bỏ ăn. Nhưng thức ăn ủ chua thì lúc nào cũng có, lại đảm bảo chất lượng, giúp dê ăn khỏe, ít bệnh” - ông Rơ cho hay.

Phương pháp ủ chua thức ăn cho dê dễ thực hiện, không đòi hỏi kỹ thuật cao hay thiết bị phức tạp. Các nguyên liệu thường dùng để ủ chua gồm cỏ voi, cây bắp, củ mì tươi... được băm nhỏ, trộn với rỉ mật đường ủ trong thùng kín khoảng 10-15 ngày để lên men. Tùy số lượng dê mà phối trộn thêm bã bia, vỏ đậu nành, muối, men tiêu hóa, các vitamin, khoáng chất khi cho ăn. Ưu điểm lớn nhất của cách làm này là có thể bảo quản thức ăn cho dê từ 3-6 tháng, thậm chí đến 1 năm mà không bị mốc hỏng, giúp người chăn nuôi chủ động dự trữ khối lượng lớn thức ăn.


Một trong những người tiên phong và thành công với mô hình ủ chua thức ăn cho dê là anh Trịnh Vinh Tuấn, chủ trang trại dê Tuấn Hồng ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp. Từ 10 con dê ban đầu vào năm 2014, đến nay, anh Tuấn đã mở rộng quy mô lên hơn 400 con, với khu chuồng trại rộng hơn 600m².

Anh Tuấn không chỉ sử dụng công thức ủ chua truyền thống mà còn sáng tạo nhiều công thức phối trộn mới nhằm tối ưu giá trị dinh dưỡng. Nguyên liệu chính mà anh sử dụng để ủ là cây bắp non, cỏ voi. Gần đây, anh còn tận dụng củ mì tươi làm nguyên liệu chính để ủ thức ăn cho dê.

Điểm đặc biệt trong cách làm của anh Tuấn là khả năng linh hoạt thích ứng với thị trường và thời điểm. Năm 2023-2024, khi nhiều hộ bỏ tiêu để trồng bắp, anh nhanh chóng tận dụng bắp và cỏ voi để làm thức ăn ủ chua. Năm 2025, khi giá củ mì xuống thấp, anh chuyển sang ủ củ mì thay thế, vừa tiết kiệm vừa tận dụng nguyên liệu địa phương.

“Ban đầu tôi chỉ ủ cỏ voi. Thấy giá cây bắp rẻ, tôi mua về, sau đó cắt nhuyễn ra rồi ủ. Năm nay, nguồn củ mì tươi dồi dào, giá rẻ, lại giàu tinh bột nên tôi ủ thêm củ mì tươi. Tôi kết hợp 100kg củ mì ủ với mật mía từ 10-15 ngày, sau đó trộn thêm 35kg vỏ đậu nành, 1kg men tiêu hóa, 1 tạ bã bia và các loại vitamin. Hỗn hợp này vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo dinh dưỡng cho đàn dê, có thể nói đây là giải pháp “vàng” trong chăn nuôi”- anh Tuấn chia sẻ.

Nhờ áp dụng phương pháp này, mỗi tháng anh Tuấn chỉ tốn khoảng 7 triệu đồng cho thức ăn ủ chua, hơn 2 triệu đồng tiền cỏ, cám và công lao động. Trong khi đó, đàn dê tăng trọng đều, mỗi con tăng 3-4kg/tháng, ít bệnh, hệ tiêu hóa ổn định. Với giá dê hiện tại, anh Tuấn thu từ 50-70 triệu đồng mỗi tháng.

Cũng theo anh Tuấn, phương pháp ủ chua đòi hỏi người chăn nuôi phải tuân thủ đúng kỹ thuật. Cụ thể: Nên phối trộn các nguyên liệu khác như vỏ đậu nành, bã bia, men tiêu hóa... với củ mì đã ủ chua. Do củ mì sau khi lên men có tính axit cao, nếu cho dê ăn quá nhiều sẽ dễ gây tổn thương dạ dày, dẫn đến tiêu chảy. Phải chọn nguyên liệu sạch, không bị mốc, thối, nếu không sẽ làm hỏng quá trình lên men, gây ngộ độc cho dê. Trong quá trình ủ, phải nén chặt và đậy kín thùng, tránh không khí lọt vào gây hư hỏng. Ngoài ra, dê có đường ruột thẳng, vì vậy cần bổ sung men để hỗ trợ tiêu hóa và tăng hiệu quả hấp thụ.

Các nguyên liệu như cỏ, cây bắp, củ mì tươi cắt nhuyễn được trộn với mật mía trước khi đưa vào thùng ủ. Việc phối trộn đúng tỷ lệ giúp nâng cao chất lượng và bảo quản thức ăn được lâu hơn.

Hướng đi bền vững

Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình ủ chua thức ăn còn mang lại nhiều lợi ích lâu dài. Việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như lá keo, dây khoai lang, bã bia… giúp giảm thiểu rác thải hữu cơ ra môi trường. Đồng thời, dê ăn thức ăn ủ chua sẽ tiêu hóa tốt hơn, ít bệnh, giảm sử dụng thuốc kháng sinh - một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển chăn nuôi sạch, an toàn. Mặt khác, mô hình này còn phù hợp với những hộ có quy mô nhỏ, lao động ít. Với vài thùng ủ và kiến thức cơ bản, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được.

Mô hình ủ chua thức ăn cho dê không chỉ là giải pháp tạm thời trong thời điểm khó khăn mà đang dần khẳng định hướng đi bền vững, hiệu quả cho ngành chăn nuôi. Bằng việc tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, nông dân không những tiết kiệm chi phí mà còn chủ động trước biến động thị trường, giảm phụ thuộc vào cám công nghiệp.

Từ những câu chuyện làm kinh tế của ông Võ Văn Rơ, anh Trịnh Vinh Tuấn… có thể thấy, nông dân ngày nay đã biết quan sát, sáng tạo và dám thử nghiệm để thích nghi với thực tế. Trong bối cảnh nông nghiệp hiện nay, tinh thần chủ động, sáng tạo và tiết kiệm chi phí chính là “chìa khóa” để nông dân tự tin bám đất, bám nghề.

Sau khi ủ chua củ mì, anh Trịnh Vinh Tuấn phối trộn với vỏ đậu nành, bã bia, men tiêu hóa, các loại vitamin và xay nhuyễn trước khi cho dê ăn

Đàn dê của hộ anh Trịnh Vinh Tuấn ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp phát triển tốt nhờ được cung cấp thức ăn ủ chua mỗi ngày

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/173296/giai-phap-hieu-qua-trong-chan-nuoi-de


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm