Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC: Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga là người bạn đặc biệt, nhà lãnh đạo truyền cảm hứng không chỉ ở Việt Nam

Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam trước sự ra đi của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, ông Eduardo Pedrosa, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC cho biết, trong ký ức của mình, bà là một đồng nghiệp đáng kính, người bạn chân thành và cũng là nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết, có tầm ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam...

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế19/07/2025

Đại sứ Nguyệt Nga với Giám đốc APEC
Đại sứ Nguyệt Nga và ông Eduardo Pedrosa cùng các đồng nghiệp Việt Nam. (Ảnh: BTK APEC 2017)

Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC nhiệm kỳ 2025-2027 Eduardo Pedrosa cho biết, thật tình cờ ông đang có mặt tại Việt Nam khi nhận được tin buồn Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga qua đời. Trước đó vài ngày, ông vừa có buổi làm việc với một số bạn bè tại Bộ Ngoại giao để thảo luận việc hỗ trợ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2027. Vì vậy, tin buồn đến như một cú sốc lớn – bởi ký ức về Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, về những đóng góp của bà cho APEC và sự tham gia của Việt Nam trong khuôn khổ diễn đàn này vẫn còn nguyên vẹn trong ông.

Ông Pedrosa kể, một trong những ký ức mà ông nhớ mãi là bữa trưa ngoài trời đầy ấm áp mà Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã sắp xếp cho ông, với nhiều món ăn Việt Nam được chính bà giới thiệu tỉ mỉ, luôn quan tâm xem ông có thấy ngon miệng hay không. Không chỉ là sự hiếu khách, Đại sứ Nguyệt Nga còn khiến ông – một người nước ngoài – cảm thấy mình là một phần trong nhóm, là người trong cuộc chứ không phải người ngoài. Đó là một nét rất riêng của Đại sứ Nguyệt Nga, người luôn biết cách kết nối con người, luôn biết làm cho người khác cảm thấy được trân trọng.

Ông nhớ lại, trong suốt những năm làm việc chung, đặc biệt là thời điểm Việt Nam đăng cai Năm APEC 2017, ông đã chứng kiến vai trò nổi bật của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trong việc khởi xướng các tiến trình đối thoại, đóng góp định hình tầm nhìn chiến lược cho hợp tác APEC. Ít người biết rằng, vào thời điểm đó, chính Đại sứ Nguyệt Nga là người khởi xướng và thúc đẩy thành công việc tổ chức Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới năm 2020 và tương lai – một sáng kiến đã đặt nền móng cho việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC sau này.

Trên cương vị Tổng thư ký Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) thời điểm đó, ông Pedrosa đã có dịp được làm việc, phối hợp chặt chẽ với Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga để tổ chức các cuộc thảo luận. "Khi hay tin Đại sứ qua đời, tôi đã tìm lại những tài liệu lưu trữ của APEC, đọc lại các trao đổi, và thêm một lần nữa cảm phục tầm nhìn xa trông rộng của bà. Những vấn đề mà Đại sứ Nguyệt Nga quan tâm và đặt ra khi đó – về thay đổi trật tự toàn cầu, chuyển đổi công nghệ, và bối cảnh địa kinh tế đang biến đổi – đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, thậm chí còn trở nên cấp thiết hơn" - ông Pedrosa nhấn mạnh.

Đại sứ Nguyệt Nga với Giám đốc APEC
Ông Eduardo Pedrosa tham dự buổi tọa đàm "Cùng tăng cường hành động vì một tầm nhìn chung APEC" tổ chức tại Hà Nội, tháng 12/2015. (Ảnh: BTK APEC 2017)

Ông Pedrosa cho biết, có một câu hỏi cứ hiện lên trong đầu lúc này là nếu có mặt ở đây lúc này, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga sẽ hỏi chúng ta điều gì? Bởi bà luôn là người nhìn xa, đặt những câu hỏi đúng vào những thời điểm quan trọng – những câu hỏi thúc đẩy hành động và khai mở tư duy.

Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC Pedrosa nhớ lại rằng, trong năm 2017 – khi các nhà lãnh đạo APEC nhất trí thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC để hỗ trợ việc xây dựng định hướng sau năm 2020 – Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga Nga chính là lực đẩy quan trọng giúp nhóm này ra đời. Ngay từ đầu, với vai trò Phó Chủ tịch, bà đã thể hiện rất rõ phẩm chất lãnh đạo, dẫn dắt thảo luận, định hình mục tiêu và định hướng dài hạn cho APEC.

Theo ông Pedrosa, không có Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khi đó, có lẽ nhóm này đã không thể được thành lập, bởi thời điểm đó đã có nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ APEC về con đường hướng tới tương lai. Nhưng bà đã vượt qua mọi khác biệt, kết nối các bên, kiên trì tạo dựng đồng thuận.

Việt Nam chuẩn bị đăng cai APEC một lần nữa vào năm 2027 – đúng tròn 10 năm sau lần tổ chức thành công Năm APEC 2017. Với ông Pedrosa, đây không chỉ là một dấu mốc mới của Việt Nam, mà còn là cơ hội để tiếp tục thực hiện những ý tưởng và di sản mà Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã khởi xướng, ươm mầm.

Về một lời tiễn biệt gửi tới người bạn, người đồng nghiệp thân thiết, đáng kính của mình, ông Pedrosa ngậm ngùi “Chúng tôi sẽ luôn nhớ đến nghị lực, đam mê và trí tuệ của bà. Tôi hy vọng rằng ở một nơi nào đó, bà sẽ cảm thấy thanh thản khi biết rằng di sản của mình không chỉ để lại cho Việt Nam mà còn hơn nhiều thế nữa. Chúng tôi mang ơn bà – một món nợ mà có lẽ chúng tôi không thể trả hết, nhưng sẽ cố gắng sống và làm việc theo những chuẩn mực cao quý mà bà để lại".

Nguồn: https://baoquocte.vn/giam-doc-dieu-hanh-ban-thu-ky-apec-dai-su-nguyen-nguyet-nga-la-nguoi-ban-dac-biet-nha-lanh-dao-truyen-cam-hung-khong-chi-o-viet-nam-321617.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm