Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giáo dục bắt buộc 9 năm vì sao không nên chậm trễ?

Con số hơn 500.000 thanh niên 17 - 19 tuổi chưa hoàn thành THCS đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hệ lụy khi chưa mở rộng giáo dục bắt buộc 9 năm hết bậc THCS.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên23/05/2025

Giáo dục bắt buộc 9 năm đã được xác định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW. Tuy nhiên, đến thời điểm sửa đổi luật Giáo dục lần này, chính sách vẫn dừng lại ở bậc tiểu học.

CHỦ TRƯƠNG MỞ RỘNG NHƯNG LUẬT VẪN "ĐỨNG YÊN"

Giáo dục bắt buộc (GDBB) là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập và phát triển bền vững. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo khẳng định mục tiêu: "Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD), thực hiện GDBB 9 năm từ sau năm 2020". Kết luận số 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định "thực hiện GDBB 9 năm". Đây là mức học vấn tối thiểu mà công dân cần có để tham gia lao động, học nghề, học THPT, tiếp cận những kỹ năng cơ bản trong xã hội hiện đại.

Giáo dục bắt buộc 9 năm vì sao không nên chậm trễ ? - Ảnh 1.

Giáo dục bắt buộc 9 năm, hết bậc THCS là một đòi hỏi cấp thiết

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, sau nhiều tranh luận, luật Giáo dục 2019 chỉ quy định GDBB đối với tiểu học. Cụ thể, điều 14 của luật này quy định: Giáo dục tiểu học là GDBB. Nhà nước thực hiện PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi và PCGD THCS. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện GDBB trong cả nước, quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện PCGD.

Theo dự thảo sửa đổi luật Giáo dục đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến, điều 14 vẫn khẳng định: Giáo dục tiểu học là GDBB. Nhà nước thực hiện PCGD mầm non cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi và PCGD THCS. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện GDBB trong cả nước, quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện PCGD. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Như vậy, so với luật hiện hành, dự thảo lần này chỉ mở rộng đối tượng PCGD mầm non từ 3 - 5 tuổi, nhằm đảm bảo rằng hầu hết trẻ em VN đều được học mẫu giáo. Đồng thời, Chính phủ sẽ ban hành một nghị định quy định về PCGD và GDBB.

Tuy nhiên, việc GDBB vẫn "đứng yên" là đi ngược lại chủ trương và chưa theo kịp xu hướng chung của thế giới đã thực hiện GDBB 9 - 12 năm.

NHỮNG KẾT QUẢ QUAN TRỌNG CỦA PHỔ CẬP GIÁO DỤC

Cần ghi nhận rằng, trong hơn 2 thập niên qua, VN đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong PCGD tiểu học và THCS. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê năm 2024, số năm đi học bình quân của VN tăng từ 9 lên 9,6 năm trong giai đoạn 2019 - 2024, giúp VN hoàn thành PCGD tiểu học và tiệm cận PCGD bậc THCS. Tỷ lệ đi học trung bình bậc tiểu học là 98,7% - đây là ngưỡng cao và gần như không thay đổi qua các năm. Tỷ lệ này ở THCS là 95,6% và THPT là 79,9%.

Hệ thống trường lớp được mở rộng đến tận xã, thôn, bản, tạo điều kiện cho HS vùng sâu, vùng xa được đến trường thuận tiện. Tỷ lệ HS bỏ học ngày càng giảm. Đây là kết quả đáng ghi nhận, cho thấy cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc thực hiện quyền học tập của trẻ em.

Tuy nhiên, khi phổ cập đã đạt đến một ngưỡng nhất định, thì yêu cầu tiếp là phải đảm bảo tất cả trẻ em đều học đủ ít nhất 9 năm, tức hoàn thành chương trình THCS.

HỆ LỤY KHI CHƯA THỰC HIỆN GIÁO DỤC BẮT BUỘC 9 NĂM

VN chưa triển khai GDBB 9 năm xuất phát từ một số nguyên nhân. Trước hết, rào cản pháp lý từ Hiến pháp 2013 và luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định giáo dục tiểu học là GDBB, khiến việc bắt buộc công dân học hết lớp 9 gặp khó khăn.

Kế đến, điều kiện giáo dục chưa đồng đều. Ở vùng sâu, vùng xa và khu dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên vẫn chưa đủ để đảm bảo tất cả trẻ em đều được học 9 năm. Chi phí cho ăn ở, đi lại, sách vở và các hỗ trợ khác vẫn còn là gánh nặng đối với nhiều gia đình khó khăn. Nhận thức về tầm quan trọng của người dân về việc học đến hết THCS ở một số vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhiều gia đình cho con em lao động sớm để phụ giúp gia đình hoặc có trường hợp tảo hôn.

Giáo dục bắt buộc 9 năm vì sao không nên chậm trễ ? - Ảnh 2.

Ngoài ra, thiếu một hành lang pháp lý đủ mạnh cùng với các biện pháp giám sát, xử lý vi phạm còn hạn chế cũng khiến việc thực thi chính sách GDBB khó khăn.

Việc chưa thực hiện GDBB 9 năm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Báo cáo tóm tắt tình hình giáo dục VN năm 2022 của Văn phòng UNICEF Đông Á - Thái Bình Dương đã phân tích các khía cạnh học tập và công bằng của trẻ em và phụ nữ VN cho thấy có 70.700 trẻ từ 13 - 15 tuổi chưa hoàn thành cấp tiểu học, 508.100 thanh niên từ 17 - 19 tuổi chưa hoàn thành cấp THCS và 1.562.400 thanh niên từ 20 - 22 tuổi chưa hoàn thành cấp THPT.

Một số địa phương có tỷ lệ thanh niên chưa hoàn thành THCS cao, như Tây nguyên (32%), ĐBSCL (25%), Đông Nam bộ (19%). Công dân không hoàn thành cấp THCS sẽ khó tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, cơ hội có việc làm và phát triển bản thân, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững quốc gia. Một bộ phận thanh niên học vấn thấp nguy cơ dẫn tới các tệ nạn xã hội.

Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ phá vỡ những nỗ lực phát triển bền vững mà VN đang theo đuổi, làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực - vốn là yếu tố then chốt trong thời kỳ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

GDBB 9 năm không chỉ là chính sách đúng đắn mà là một đòi hỏi cấp thiết. Một quốc gia không thể phát triển bền vững nếu công dân của mình thiếu nền tảng giáo dục cơ bản. Vì thế, dù còn nhiều vướng mắc, đã đến lúc chúng ta cần một cam kết chính trị, pháp lý và một chính sách giáo dục mạnh mẽ để thực hiện tương đương GDBB 9 năm. Đến khi sửa được Hiến pháp sẽ chính thức thực hiện GDBB 9 năm như nhiều nước trên thế giới.

VN có khả năng triển khai GDBB 9 năm

Trước hết, Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ học tập cho HS toàn quốc. Ngày 28.2.2025, Bộ Chính trị quyết định chủ trương miễn học phí cho toàn bộ HS mầm non, phổ thông công lập và hỗ trợ học phí đối với HS ngoài công lập trên toàn quốc từ năm học 2025 - 2026. Việc miễn học phí sẽ được luật hóa đầy đủ tránh áp lực tài chính khiến con em phải bỏ học.

Kế đến, hệ thống cơ sở giáo dục ngày càng được mở rộng, nhiều địa phương đã hoàn thiện mạng lưới trường lớp đến tận cấp xã, thậm chí là thôn, bản; số lượng và chất lượng giáo viên được nâng cao. Chất lượng và hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ngày càng được khẳng định.

Đây là những điều kiện chín muồi để áp dụng GDBB 9 năm. Theo các chuyên gia giáo dục, trong điều kiện chưa thể sửa đổi Hiến pháp vẫn có thể triển khai các biện pháp hành chính và chính sách để thực thi những cam kết tương đương với GDBB 9 năm. Khi xây dựng văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hoàn toàn có thể quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ và cộng đồng trong việc đảm bảo trẻ em học hết lớp 9.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát cụ thể đối với các địa phương cơ sở (phường, xã, đặc khu) khi có tỷ lệ bỏ học cao. Cùng với đó, các chính sách của Nhà nước, địa phương khuyến khích HS học tập sau bậc tiểu học.

Truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ, biến việc hoàn thành bậc THCS trở thành một chuẩn mực xã hội, chứ không chỉ là nghĩa vụ cá nhân; tiến tới doanh nghiệp không nhận lao động chưa hết bậc THCS.

Nguồn: https://thanhnien.vn/giao-duc-bat-buoc-9-nam-vi-sao-khong-nen-cham-tre-185250522215741927.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm