Ổn định tổ chức, giữ vững quy mô
Từ ngày 1/7/2025, theo chủ trương sắp xếp tổ chức hành chính, hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái hợp nhất thành tỉnh Lào Cai mới. Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai Sở GD&ĐT cũ. Trong bối cảnh chuyển giao, ngành giáo dục đã nỗ lực ổn định tổ chức bộ máy, duy trì hiệu quả hoạt động của 1.045 cơ sở giáo dục, với hơn 15.300 lớp học và gần 470.000 học sinh.
Giáo dục mầm non hiện có 370 trường (195 trường thuộc địa bàn Lào Cai cũ, 175 trường thuộc Yên Bái cũ); tiểu học có 221 trường; THCS 363 trường; THPT 68 trường; hệ giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp duy trì 21 đơn vị. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 3 cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng với gần 8.200 sinh viên.
Cô Bùi Thị Kiên Nhẫn, giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ: “Sau sáp nhập, trường tôi và nhiều trường khác vẫn giữ nguyên đội ngũ, mô hình tổ chức và hoạt động. Tên mới của trường mang nhiều ý nghĩa, hy vọng sẽ là động lực để tập thể tiếp tục phát triển.”
Toàn ngành hiện có hơn 31.000 viên chức, người lao động, trong đó gần 26.000 là giáo viên từ bậc mầm non đến THPT và hệ giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Linh hoạt điều hành, nâng chất lượng dạy học
Năm học 2024–2025, dù trong quá trình hợp nhất, hai Sở GD&ĐT cũ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời về triển khai Chương trình GDPT 2018, tổ chức dạy học 5 buổi/tuần, đổi mới phương pháp giảng dạy, quản trị nhà trường bằng hệ thống hồ sơ điện tử, chữ ký số...
Các trường được trao quyền tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục, gắn với điều kiện thực tế; chú trọng chuyển từ tiếp cận nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Toàn tỉnh đã tổ chức trên 8.000 tiết dạy minh họa trong năm học vừa qua.
Mô hình “trường giúp trường” tiếp tục được nhân rộng, với hơn 500 lượt hỗ trợ giữa các cơ sở về chương trình, sách giáo khoa, nhân sự. Đội ngũ giáo viên cốt cán đóng vai trò tổ tư vấn chuyên môn, giúp các trường vùng khó triển khai hiệu quả chương trình mới.
Chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt. Học sinh lớp 6 đạt tỷ lệ rèn luyện tốt 80,19%, tăng hơn 4% so với năm học 2021–2022. Học sinh lớp 10 đạt học lực khá, giỏi trên 64%, tăng gần 9% so với năm trước.

Hướng tới giáo dục công bằng và toàn diện
Tại các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngành giáo dục tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Hai địa bàn sáp nhập đều duy trì chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập tiểu học đạt mức độ 3; THCS đạt mức độ 2, trong đó một số địa phương đạt mức độ 3.
Giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật được quan tâm. Năm học vừa qua, toàn tỉnh có 6 cơ sở được cấp phép can thiệp và hỗ trợ cho 260 trẻ khuyết tật, với sự tham gia của 53 giáo viên và cán bộ chuyên môn.
Hoạt động giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp được chú trọng, nhất là ở các trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp. Em Lý Đình Duy, học sinh Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên Lào Cai chia sẻ: “Chúng em vừa học văn hóa, vừa được học nghề. Các thầy cô luôn quan tâm đến cuộc sống của chúng em, tạo động lực rất lớn.”
Tuy nhiên, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kỹ năng sống, hướng nghiệp tại vùng sâu còn gặp khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, nhân lực. Một số môn học tích hợp như Khoa học Tự nhiên bậc THCS còn thiếu giáo viên chuyên trách, ảnh hưởng đến bố trí giảng dạy.

Ghi dấu thành tích nổi bật
Năm học 2024–2025, học sinh Lào Cai đạt 71 giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia – cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 2 giải Nhất và nhiều em được chọn vào đội tuyển Olympic khu vực và quốc tế.
Lần đầu tiên, học sinh Lào Cai, em Nguyễn Huy Phong giành Huy chương Đồng Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều học sinh khác đạt thành tích xuất sắc như Trần Như Ý (Huy chương Vàng ASMO và IOE quốc gia), Nguyễn Đức Minh (Huy chương Vàng Piano tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế), Má Thị Hoa Mai (phá kỷ lục Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc nội dung 1500m nữ)...
Những kết quả này phản ánh hiệu quả công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, đồng thời khẳng định hướng đi đúng đắn của ngành giáo dục Lào Cai trong đổi mới và nâng cao chất lượng.

tại cuộc thi Crescendo 2025.
Định hướng phát triển giai đoạn 2025–2030
Ngành giáo dục Lào Cai xác định các định hướng lớn đến năm 2030: tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học, THCS; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; duy trì vững chắc kết quả phổ cập và xóa mù chữ; tăng cường năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong quản trị và dạy học sẽ được đẩy mạnh; ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, đánh giá; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hướng nghiệp gắn với thực tiễn địa phương.
Kết hợp giữa hiện đại hóa cơ sở vật chất, phát huy nội lực đội ngũ và đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục sẽ là nền tảng để giáo dục Lào Cai phát triển bền vững, toàn diện và phù hợp với đặc thù vùng cao Tây Bắc.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-lao-cai-on-dinh-sau-sap-nhap-huong-toi-phat-trien-toan-dien-post739371.html
Bình luận (0)