Không chỉ ghi nhận về pháp lý, đây còn là cú hích để các trường ngoài công lập đầu tư bài bản và chuyên nghiệp hóa đội ngũ.
Bước tiến lớn
Theo quy định trong Luật Nhà giáo, lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật giáo dục của Việt Nam, khái niệm giáo viên được xác lập thống nhất, không còn phân biệt công lập hay tư thục. Tất cả giáo viên, dù giảng dạy ở bất kỳ loại hình trường nào, đều phải được đào tạo, rèn luyện và hoạt động trong một khung chuẩn nghề nghiệp chung.
Điều này được các nhà quản lý và đội ngũ nhà giáo đánh giá là bước tiến lớn, góp phần tạo công bằng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy phát triển đồng đều giữa các trường học.
Bà Phùng Thị Loan - Giám đốc điều hành khối THPT, FPT School Đà Nẵng cho rằng, quy định mới là sự khẳng định vị thế của giáo viên tư thục trong hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời cộng hưởng với triết lý “con người là tài nguyên quan trọng nhất” mà FPT Schools luôn theo đuổi. “Luật hóa chuẩn nghề nghiệp và thống nhất trong hệ thống củng cố niềm tin của chúng tôi rằng, chất lượng giáo dục phải được đảm bảo công bằng và bền vững, bất kể mô hình công hay tư”, bà Loan chia sẻ.
Luật mới thể hiện sự tôn trọng và công nhận công bằng đối với đội ngũ giáo viên ngoài công lập - những người đang đóng góp ngày càng lớn cho nền giáo dục quốc gia. Bày tỏ quan điểm, ông Tống Thiên Long - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Sky-Line Đà Nẵng (Hệ thống Giáo dục
Sky-Line) đồng thời đánh giá: Khi chuẩn nghề nghiệp được thống nhất, mỗi giáo viên có cơ hội khẳng định năng lực, đóng góp và được đánh giá minh bạch. Đây là động lực để các trường ngoài công lập mạnh dạn đầu tư vào lộ trình phát triển nghề nghiệp bền vững, từ tuyển dụng đến đãi ngộ.
Tại tỉnh Đắk Lắk - nơi hệ thống trường tư phát triển mạnh, Luật Nhà giáo được đón nhận với tinh thần chủ động và phấn khởi. Ông Nguyễn Phú - Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đông Du (Tân An, Đắk Lắk) nhận định: “Luật mới không chỉ là sự ghi nhận vị thế giáo viên tư thục, mà còn là động lực để nhà trường tiếp tục đầu tư mạnh mẽ và phát triển đội ngũ, phù hợp với định hướng giáo dục hiện đại”.

Chủ động chuyển mình
Thay vì lo lắng trước yêu cầu mới, nhiều trường tư tại miền Trung - Tây Nguyên coi đây như cơ hội để chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa toàn diện đội ngũ giáo viên.
Tại Trường THCS và THPT Đông Du, việc rà soát chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo quy định mới được triển khai nghiêm túc. Nhà trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn phù hợp từng bộ môn, khuyến khích giáo viên học tập, ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, giáo dục STEM trong giảng dạy. Sinh hoạt chuyên môn cũng được tổ chức theo hướng đổi mới, gắn với phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Còn ở Sky-Line, kế hoạch chuẩn hóa được triển khai bài bản và có chiều sâu. Trường xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp cá nhân cho từng giáo viên, kết nối với các đơn vị bồi dưỡng chuyên môn, áp dụng các nhóm năng lực cốt lõi gồm: Chuyên môn sâu, đạo đức - ứng xử, thiết kế chương trình cá nhân hóa, kỹ năng hợp tác - phát triển nghề, năng lực hội nhập và công nghệ. Hình thức đào tạo linh hoạt (offline, online, mentoring 1:1), gắn với kiểm tra đánh giá, giúp giáo viên có thể học mọi lúc, mọi nơi.
Với THPT FPT School Đà Nẵng, nền tảng văn hóa học tập được xem là cốt lõi, mỗi giáo viên phải hoàn thành ít nhất 35 giờ tự học/năm qua nền tảng Coursera. Trường cũng tổ chức các buổi đào tạo chuyên sâu, phân tuyến theo từng nhóm; kết hợp trao đổi, đào tạo liên trường và dự án trải nghiệm nhằm phát triển năng lực thực tiễn.
Tương tự, Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống đào tạo cá nhân hóa. Chia sẻ của ông Nguyễn Minh Phát - Phó Hiệu trưởng, đơn vị tích cực hợp tác với các trung tâm bồi dưỡng uy tín và chuyên gia giáo dục tổ chức chuyên đề đổi mới phương pháp, tích hợp công nghệ trong dạy học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Văn hóa học tập suốt đời được duy trì bằng cách khuyến khích giáo viên chia sẻ, lan tỏa tinh thần học hỏi trong toàn trường.
Thống nhất chuẩn nghề nghiệp giữa giáo viên công lập và tư thục, theo các nhà quản lý, đặt ra cả áp lực lẫn cơ hội. Với các trường tư, điều này buộc phải có đầu tư bài bản về con người, thay vì chỉ dựa vào sự linh hoạt như trước.
Trước yêu cầu mới, bà Phùng Thị Loan nhìn nhận: “Thiếu chế độ đãi ngộ hợp lý và văn hóa tổ chức tích cực, các trường tư sẽ khó giữ chân giáo viên giỏi. Do đó, đầu tư vào hệ sinh thái học tập, đào tạo thực địa, phát triển cộng đồng chuyên môn và phúc lợi toàn diện là yếu tố sống còn”.
Ông Tống Thiên Long cũng cho rằng, không còn “vùng an toàn” nghĩa là các trường tư phải đạt chuẩn toàn diện từ chuyên môn, đạo đức đến kỹ năng nghề nghiệp. “Sky-Line coi chuẩn nghề nghiệp không chỉ là mục tiêu, mà là nền tảng để phát triển đội ngũ lâu dài. Chúng tôi hướng đến xây dựng đội ngũ dẫn dắt đổi mới bằng năng lực và tình yêu nghề thực sự”, ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Lưu Tiến Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, địa phương có hơn 100 trường ngoài công lập. Luật Nhà giáo ra đời không chỉ khẳng định vai trò bình đẳng của giáo viên công - tư trong hệ thống giáo dục quốc dân, mà còn mở ra hướng đi mới cho các trường tư trong công cuộc phát triển bền vững đội ngũ. Khi giáo viên được công nhận, đầu tư và phát triển đúng nghĩa đồng nghĩa chất lượng giáo dục được nâng tầm thực chất và lâu dài.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-tu-thuc-khong-dung-ben-le-post741246.html
Bình luận (0)