Tác động của chính sách thương mại toàn cầu
Ông Lương Duy Phước, Quyền giám đốc Nghiên cứu Thị trường CTCP Chứng khoán Kafi nhận định, chính sách thương mại toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ khi Mỹ sử dụng thuế quan như công cụ chiến lược để tái định hình chuỗi cung ứng và tăng lợi thế đàm phán song phương. Việt Nam đang chọn cách tiếp cận mềm dẻo, chủ động đàm phán và thể hiện thiện chí với Mỹ để giảm rủi ro và bảo vệ vị thế trong chuỗi cung ứng, đặc biệt khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là động lực tăng trưởng chính.
Mỹ dự kiến mở rộng thuế bổ sung vào các ngành chiến lược như xe điện, bán dẫn, năng lượng mặt trời, thép, đóng tàu, dược phẩm nhằm đưa sản xuất về nước và kiềm chế ảnh hưởng công nghệ từ Trung Quốc. Điều này khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên mong manh. Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2025 xuống 4%, còn Morgan Stanley giữ mức 4,5% nhưng cảnh báo rủi ro gia tăng, phản ánh tâm lý lo ngại của giới đầu tư trước căng thẳng Mỹ - Trung. Thương mại thế giới có thể bước vào thời kỳ “hậu toàn cầu hóa”, chuyển từ hợp tác đa phương sang song phương và khu vực hóa. Việt Nam được tạm hoãn áp thuế 90 ngày, tạo cơ hội quý giá để củng cố vị thế, thu hút FDI và tận dụng quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS) cho rằng, trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, phản ứng của các nước chia thành ba nhóm: một số nước chấp nhận thuế; có nước vừa chấp nhận vừa đa dạng hóa đối tác thương mại; nhóm còn lại là phản kháng. Những diễn biến này khiến tổng cầu toàn cầu sụt giảm, chi phí sản xuất tăng, đẩy Mỹ vào kịch bản tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn.
Với độ mở kinh tế cao, tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 165% GDP vào cuối 2024, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ thương mại toàn cầu. Nếu thuế đối ứng 46% được áp dụng toàn diện, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm 2-3 điểm phần trăm, tác động trực tiếp đến các ngành dệt may, gỗ, thủy sản và linh kiện điện tử. Tuy nhiên, việc hoãn thuế 90 ngày giúp Việt Nam có thêm thời gian đàm phán để đạt mức thuế ưu đãi hơn, dự kiến 10-15%, kèm cam kết giảm thặng dư thương mại, giảm tác động tiêu cực và củng cố kỳ vọng của giới đầu tư. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thời điểm này để tăng đơn hàng, đặc biệt trong quý II/2025, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, giá dầu giảm mạnh do lo ngại sụt giảm nhu cầu giúp kiểm soát lạm phát, mở ra dư địa cho các chính sách tiền tệ kích thích kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 là hoàn toàn khả thi, dù thách thức hơn, nhờ nỗ lực đồng bộ của Chính phủ, cơ quan liên quan và doanh nghiệp.
Dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Cổ phần Sun Tech |
Triển vọng của các ngành kinh tế và thị trường chứng khoán
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu chưa chịu tác động trực tiếp từ thuế mới. Tuy nhiên, nếu mức thuế 46% được duy trì từ nửa cuối năm 2025, biên lợi nhuận của các ngành dệt may, gỗ, thủy sản, linh kiện điện tử có thể giảm 5-20%, ảnh hưởng đến đơn hàng, chi phí sản xuất và logistics. Dòng vốn FDI cũng có xu hướng chững lại để theo dõi kết quả đàm phán, gây áp lực lên các doanh nghiệp khu công nghiệp và hạ tầng. Các doanh nghiệp đang tái cơ cấu thị trường đầu ra, chuyển hướng sang Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, nhưng quá trình này đòi hỏi thời gian và năng lực thích ứng.
Kết quả kinh doanh phụ thuộc vào cơ cấu khách hàng của từng doanh nghiệp. Nếu khách hàng tăng đơn hàng để tránh thuế hoặc chuyển đơn hàng từ thị trường bị thuế cao sang Việt Nam (với giả định Việt Nam đàm phán được mức thuế thấp hơn), doanh nghiệp sẽ hưởng lợi. Ngược lại, nếu khách hàng né tránh thị trường Việt Nam do lo ngại các tuyên bố thuế mới, doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi. Tỷ trọng thị trường Mỹ trong cơ cấu khách hàng là yếu tố then chốt quyết định mức độ ảnh hưởng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động mạnh dưới tác động của thuế quan Mỹ, với sự phân hóa rõ nét. Các nhóm cổ phiếu xuất khẩu và khu công nghiệp sụt giảm, trong khi nhóm phòng thủ và nội địa hóa cao giữ giá tốt hơn. Việc hoãn thuế 90 ngày tạo “vùng đệm tâm lý”, giúp nhà đầu tư tập trung vào kết quả kinh doanh quý I, mùa đại hội cổ đông và triển khai hệ thống KRX trong tháng 5/2025. KRX là bước ngoặt, nâng cao chất lượng giao dịch với các sản phẩm như T+0, bán khống, giao dịch lô lẻ và là tiền đề nâng hạng thị trường mới nổi, dù khó đạt được ngay trong 2025. Sự kiện này thúc đẩy dòng vốn ngoại trung và dài hạn, tạo tâm lý tích cực trong quý II/2025.
Các ngành nội địa như ngân hàng (MBB, ACB), hạ tầng và vật liệu xây dựng (HPG) được đánh giá có khả năng chống chịu tốt, hưởng lợi từ đầu tư công, tiêu dùng cá nhân và xử lý nợ xấu. Ngành thép dự báo tăng trưởng 8-10%, đầu tư công 10-12%, ngân hàng 10-15% trong năm 2025. Các ngành ít phụ thuộc vào thị trường Mỹ như công nghệ (FPT), thực phẩm, đồ uống, dược phẩm cũng duy trì triển vọng tích cực. Doanh nghiệp có chuỗi giá trị ổn định và khả năng mở rộng nội địa là điểm đến an toàn cho dòng tiền đầu tư.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/giua-thuong-chien-co-phieu-nganh-nao-van-tich-cuc-163514.html
Bình luận (0)