Kiểm soát chặt tàu cá
Sau vụ việc ấy, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chống khai thác IUU. Đồn Biên phòng Tân Thắng, UBND các xã có tàu cá tiếp tục giao cán bộ, chiến sĩ thường xuyên liên lạc nắm tình hình hoạt động đối với các tàu cá, đặc biệt đối với các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 500 tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m và thúng chai khai thác ven bờ; chỉ có 7 tàu cá từ 12 m đến dưới 15 m và 2 tàu cá từ 15 m trở lên, số lượng tàu cá tập trung ở các xã Tân Thắng, Thắng Hải, Tân Xuân và Sơn Mỹ. Qua rà soát, có 1 trường hợp tàu cá (số đăng ký BTh-86495-TS, có chiều dài 10,4 m, chủ tàu là Trần Ngọc Thiện, thôn Đá Mài 2, xã Tân Xuân) đã bán ra khỏi địa phương lâu ngày, chưa thực hiện các quy định về sang tên, không xác định được tình trạng hoạt động cũng như thông tin về chủ mới của tàu. Địa phương xác định thuộc nhóm tàu cá nguy cơ cao, nhưng chưa thể nắm thông tin chính xác, không neo đậu tại các cửa biển ở địa phương, nên chính quyền cũng như lực lượng chức năng không theo dõi, giám sát được đối với tàu cá này. Ngoài ra, qua nắm thông tin thêm, hiện nay có 2 tàu cá khác cùng nằm trong danh sách nguy cơ cao có chiều dài dưới 12 m đang hoạt động và neo đậu dài ngày tại tỉnh Kiên Giang, gồm: BTh 82306-TS, dài 7,5 m, chủ tàu Lê Tiến Sỹ; và tàu BTh 82307-TS, dài 7,1 m, chủ tàu Trần Xuân Tú, cùng ngụ thôn Gò Đồn, xã Tân Thắng.
Có thể thấy, tuy không phải là địa bàn trọng điểm nghề cá của tỉnh, nhưng chỉ vài tàu nằm ngoài kiểm soát cũng dễ phát sinh những vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài không mong muốn. Theo ông Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, từ danh sách đó, các tổ chức chính trị - xã hội huyện, xã tiếp tục lồng ghép các hoạt động để tuyên truyền, vận động đảng viên, hội viên, đoàn viên và ngư dân (trực tiếp là chủ tàu, thuyền trưởng) chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, phân công phụ trách, theo dõi, nắm chắc tình hình địa bàn, giám sát các đối tượng có nguy cơ cao vi phạm. Vận động nhân dân tích cực tố giác các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để chủ động ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, từ năm 2023 đến nay, địa phương không để xảy ra thêm trường hợp nào tương tự. Không có trường hợp vi phạm về các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Không chủ quan, lơ là
Một khó khăn hiện nay địa phương đang gặp phải là, trên địa bàn có 2 cửa biển Hồ Lân và Hà Lãng là nơi neo đậu tránh trú cho tàu cá. Tuy nhiên nhiều năm nay cứ vào mùa khô 2 cửa biển này đều bị bồi lấp dòng chảy, gây khó khăn trong việc tàu thuyền ra vào và neo đậu của ngư dân. Nhiều tàu cá đã phải di chuyển neo đậu tại Cảng La Gi, Cảng Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gây ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, cũng như khó khăn trong công tác quản lý tàu cá. Bên cạnh đó, tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép, sử dụng ngư cụ cấm, giã cào để khai thác hải sản ven bờ của huyện vẫn còn xảy ra, các đối tượng ngoài địa phương vẫn lén lút hoạt động chưa được phát hiện kịp thời và xử lý triệt để.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt đối với chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân khai thác trên các vùng biển xa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân cho biết thêm, thời gian tới các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã có tàu tiếp tục tập trung các nhiệm vụ chống khai thác IUU. Nghiêm túc quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của huyện trong khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Đồng thời, đẩy mạnh và duy trì thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt đối với chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân khai thác trên các vùng biển xa, các tàu cá câu khơi thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh. Rà soát danh sách tàu cá của địa phương đang lưu trú, hoạt động ngoài tỉnh, đặc biệt là đối với nhóm tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để vận động, tuyên truyền và yêu cầu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo dõi, giám sát hoạt động đối với các cơ sở đóng tàu trên địa bàn 2 xã, kiên quyết không để phát sinh tàu cá “3 không” trái phép trong thời gian tới. Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản.
Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về chống khai thác IUU, UBND huyện Hàm Tân kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh bố trí kinh phí mua sắm, trang bị ca nô để Đồn Biên phòng Tân Thắng có phương tiện thực hiện công tác tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các cửa biển nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Giao các sở, ngành có liên quan khảo sát, nghiên cứu lập dự án, bố trí vốn để thực hiện nạo vét đối với 2 cửa biển, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành khai thác thủy sản cũng như công tác quản lý tàu cá của huyện.
Ngoài ra, đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các lực lượng chức năng (Kiểm ngư) phối hợp với lực lượng Biên phòng rà soát thông tin, tình hình hoạt động đối với tàu cá BTh-86495 TS (tàu cá đã bán về cho 1 người dân thị xã La Gi từ năm 2022, không xác định được người mua). Nếu xác định tàu vẫn đang hoạt động thì yêu cầu người mua thực hiện thủ tục mua bán tàu cá theo quy định. Trường hợp không xác định được thông tin người mua, tình trạng hoạt động của tàu cá, thì kiến nghị Chi cục Thủy sản xem xét xóa đăng ký đối với tàu cá này…
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/ham-tan-de-khong-con-tau-ca-vi-pham-vung-bien-nuoc-ngoai-130156.html
Bình luận (0)