Phóng viên (PV): Được biết cuốn sách "Cùng non sông cất cánh" là công trình ông đã ấp ủ trong thời gian dài, ông có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện cuốn sách này?
TS Nguyễn Sỹ Hưng: Trước khi công tác trong ngành hàng không dân dụng, tôi đã có 26 năm là cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam. Để tri ân Quân chủng Phòng không-Không quân, tôi đã sưu tầm và nghiên cứu để viết một cuốn sách về "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam nhìn từ hai phía". Đối với ngành hàng không dân dụng, tôi cũng mong muốn viết được một cuốn sách để thế hệ sau có thể hiểu được giai đoạn đầu khó khăn như thế nào, những định hướng chiến lược, những quyết định có tính đột phá, sự kiện... để có được thành công trong 30 năm qua.
TS Nguyễn Sỹ Hưng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Ảnh: BẢO LINH |
Khi bắt tay vào thực hiện cuốn sách về Vietnam Airlines, tôi phải đối mặt với những khó khăn nhất định bởi vì hàng không là ngành kinh tế kỹ thuật, dịch vụ tổng hợp bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau từ kỹ thuật, kinh doanh, vận tải, hàng hóa, thương mại đến chất lượng, an toàn, sân bay, khí tượng, điều hành bay... Đã có những lúc tôi băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu, viết theo cách tiếp cận nào. Bản thân tôi không muốn cuốn sách này chỉ là sách về lịch sử đơn thuần, sự lặp lại của các sự kiện, quyết định... Qua nghiên cứu nhiều cuốn sách của các hãng hàng không nổi tiếng trên thế giới cũng như nhiều doanh nghiệp lớn, tôi nảy ra ý nghĩ không viết theo lối cũ nữa mà theo hướng đi mới để phù hợp với độc giả hiện nay. Trong cuốn sách cần có phần lời với dung lượng khoảng 50-60% để thấy được tiến trình lịch sử, đồng thời kết hợp với mô hình hóa, thiết kế, đồ họa để không tạo cảm giác nặng nề và sử dụng hình ảnh minh họa nhằm hấp dẫn người đọc.
Ví dụ, khi nói về mạng đường bay của Vietnam Airlines, cuốn sách sử dụng hình ảnh với các mốc thời gian để thấy rõ năm nào mở đường bay đến London (Anh) hay Paris (Pháp), Hoa Kỳ... Cuốn sách vừa có tính hàn lâm, cung cấp số liệu, quan điểm, vừa phù hợp với thị hiếu hiện đại. Hy vọng rằng cuốn sách này sẽ được độc giả theo dõi, đánh giá từ đầu đến cuối.
Khó khăn khác là trong ngành hàng không dân dụng có quá nhiều lĩnh vực, bản thân tôi không thể biết hết các lĩnh vực. Trong cuốn sách này có 18 chương tất cả, mỗi chương là một lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty. Trên cơ sở đề cương cuốn sách, tôi đề nghị các ban, cơ quan của Tổng công ty phụ trách từng lĩnh vực cung cấp thông tin, số liệu, sau đó sàng lọc, lựa chọn, tổng hợp. Ví dụ lĩnh vực tài chính, đầu tư hay lĩnh vực đào tạo, huấn luyện... Phải nói rằng quá trình thực hiện cuốn sách này rất kỳ công và có sự đóng góp của tập thể, từ đó giúp Ban biên tập thuận lợi hơn trong việc biên soạn. Một điểm cần nhắc đến là cuốn sách này có bản tiếng Việt và bản tiếng Anh riêng, không phải là sách song ngữ, với mong muốn nâng tầm cuốn sách lên tầm quốc tế tương xứng với Vietnam Airlines là hãng hàng không tầm cỡ quốc tế.
PV:Đề nghị ông chia sẻ về những thông điệp gửi gắm qua cuốn sách để độc giả có thể hình dung về hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của Vietnam Airlines?
TS Nguyễn Sỹ Hưng: Cuốn sách kỷ niệm 30 năm thành lập Tổng công ty mang nhiều ý nghĩa, trong đó, ý nghĩa chính, lớn nhất là nêu lại hành trình lịch sử hình thành và phát triển của Tổng công ty cũng như tầm nhìn hướng về tương lai. Trong hành trình đó chứa đựng rất nhiều sự kiện, con số, ý tưởng, quyết định, hành động để vượt qua khó khăn, xây dựng Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không lớn mạnh như hiện nay. Cùng với đó, những người lao động của Vietnam Airlines sẽ cảm thấy có mình trong đó, họ là những người đóng góp để kiến tạo nên các thành công của Tổng công ty. Mọi người cũng thấy được, để vượt qua khó khăn và đạt được những thành tích như hiện nay đã phải hành động như thế nào, lao động sáng tạo và hiệu quả ra sao. Để cô đọng thông điệp chính của cuốn sách, Ban biên tập có viết một cách khái quát trong lời kết cuốn sách như sau: Trong tâm thức phải dám ước mơ và khát vọng; trong tầm nhìn phải tiến thẳng vào công nghệ hiện đại, vươn tầm quốc tế; trong tư duy phải luôn đổi mới, sáng tạo; trong cách làm phải tạo đột phá, đi tiên phong và khoa học; trong hành động phải dũng cảm, đoàn kết, đồng lòng và quyết liệt để từ đó vươn mình, bứt phá.
Để xây dựng Vietnam Airlines từ một hãng hàng không nhỏ bé, chưa ai biết đến trở thành hãng hàng không lớn mạnh như hiện nay, chúng ta phải có khát vọng vươn lên. Khi có khát vọng rồi phải có bản lĩnh, trí tuệ và sáng tạo. Một điều rất quan trọng là phải đoàn kết, đồng lòng để xây dựng được Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không lớn, vượt qua những khó khăn. Nhìn về tương lai để vươn tới những đỉnh cao mới, những thành tựu lớn hơn thì cần có những ước mơ, khát vọng cùng một chương trình hành động khoa học, hiệu quả.
PV: Trong quá trình thực hiện cuốn sách, đâu là những dấu mốc lịch sử, những dấu ấn mà ông tâm đắc nhất khi nhìn lại hành trình 30 năm của Tổng công ty Hàng không Việt Nam?
TS Nguyễn Sỹ Hưng: Đối với tôi, có hai dấu mốc rất quan trọng là thành lập Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam vào ngày 20-4-1993 và thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam vào ngày 27-5-1995. Từ những dấu mốc này, Tổng công ty Hàng không Việt Nam có đủ thẩm quyền tự chủ về tài chính, kinh doanh và chủ động xây dựng chiến lược phát triển, đầu tư đội máy bay, xây dựng đội ngũ nhân lực và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với định hướng kinh doanh tầm quốc tế.
Một dấu ấn rất quan trọng là khi Tổng công ty quyết định lựa chọn công nghệ mới cho đội máy bay. Câu hỏi đặt ra vào thời điểm đó là: Chọn công nghệ nào, loại máy bay gì? Vào thời điểm đó, Tổng công ty đã quyết định đi thẳng vào công nghệ hiện đại nhất, nếu không chúng ta sẽ mãi đuổi theo thế giới về công nghệ. Hiện nay, Vietnam Airlines sở hữu đội máy bay hiện đại bậc nhất thế giới, sánh ngang với các hãng hàng không lớn khác.
Một điểm nhấn cần nhắc đến là Tổng công ty đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, sự đồng lòng của cán bộ, công nhân viên, người lao động. Những lúc khó khăn, mọi người cùng nhau chia sẻ, như giai đoạn chống chọi với dịch Covid-19, mọi người đều tình nguyện sẵn sàng giảm lương hay đi vào vùng khó khăn, nguy hiểm, không ai thoái thác nhiệm vụ. Cần khẳng định rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, triết lý kinh doanh, đồng lòng từ trên xuống dưới là yếu tố vô cùng quan trọng.
PV: Với việc mở ra sự phát triển cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa chiến lược của dấu mốc thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam?
TS Nguyễn Sỹ Hưng: Để đến với sự kiện thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam vào ngày 27-5-1995, cần dẫn dắt từ quá trình trước đó. Thời điểm đó, Chính phủ yêu cầu cần nghiên cứu một mô hình phát triển của hàng không dân dụng Việt Nam phù hợp với thị trường hàng không thế giới. Việt Nam đã làm việc với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sau đó với sự giúp đỡ của ICAO cùng các chuyên gia đã đề xuất tách riêng 4 lĩnh vực của hàng không dân dụng gồm: Quản lý nhà nước, sân bay, quản lý bay và hãng hàng không. Trên cơ sở đó, một đề án đã được lập và báo cáo với Chính phủ, giai đoạn đầu thành lập Hãng hàng không Quốc gia.
Đội máy bay hiện đại của Vietnam Airlines, trong đó có các máy bay thân rộng, công nghệ tiên tiến. Ảnh: MAI HƯƠNG |
Lúc mới thành lập Hãng hàng không Quốc gia không có các doanh nghiệp thành viên. Qua nghiên cứu một số mô hình doanh nghiệp hàng không trên thế giới như mô hình của Singapore Airlines thì thấy rằng họ áp dụng theo mô hình tập đoàn với công ty mẹ và các công ty con. Việc thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã xác lập mô hình công ty mẹ và 20 công ty thành viên. Đây là một bước rất quan trọng, chính nhờ mô hình này, Tổng công ty tự chủ hơn trong phát triển chiến lược và có các dịch vụ đi kèm cùng với vận tải như kỹ thuật, phục vụ mặt đất, xăng dầu, suất ăn... Điều này không chỉ giúp Vietnam Airlines bảo đảm chất lượng dịch vụ mà còn tạo tiềm lực về tài chính, có nguồn thu để có thể đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư đội máy bay.
Vietnam Airlines là doanh nghiệp vận tải hàng không đầu tiên của đất nước, quá trình hình thành và phát triển có không ít khó khăn nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Trước hết là sự quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, bộ, ngành. Nhờ có chiến lược đầu tư và đào tạo đúng đắn nên Vietnam Airlines xây dựng được cơ sở về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo đội ngũ phi công, tiếp viên, kỹ sư có chứng chỉ, trình độ quốc tế. Ban lãnh đạo các cấp được đào tạo bài bản, kinh nghiệm dày dạn. Bên cạnh đó, có sự giao lưu, hợp tác với các hãng hàng không lớn của thế giới. Có thể nói, Vietnam Airlines đã đi đầu trong hội nhập quốc tế.
PV:Trong tầm nhìn tương lai, Vietnam Airlines còn nhiều mục tiêu để hướng đến, những nền tảng đã có sẽ tạo điểm tựa như thế nào cho Tổng công ty trên những hành trình mới, thưa ông?
TS Nguyễn Sỹ Hưng: Đối với một hãng hàng không tầm cỡ, để tiếp tục phát triển cần phải luôn nhìn về phía trước, có những khát vọng vươn lên, không thể dừng lại được. Theo tôi, muốn phát triển, có nguyên lý rất quan trọng là chất lượng dịch vụ và an toàn. Thứ hai là phải phát triển một cách bền vững, không phát triển quá nóng nhưng kém bền vững, đồng thời không thể chậm chạp, không quyết đoán, không vươn mình, không bứt phá. Nền tảng rất quan trọng là những thành tựu, hạ tầng, con người, kinh nghiệm tích lũy được. Nhưng trong tình hình mới sẽ có những biến động mới, đòi hỏi tầm nhìn của ban lãnh đạo để định hướng cho Tổng công ty phát triển trong tương lai. Tôi tin rằng ban lãnh đạo hiện nay được đào tạo bài bản, trưởng thành từ cơ sở, có đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ để lãnh đạo Tổng công ty bước vào kỷ nguyên mới một cách thành công.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
MẠNH HƯNG (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn: https://baodaknong.vn/hanh-trinh-cua-vietnam-airlines-la-su-doan-ket-dong-long-vuon-minh-de-but-pha-253373.html
Bình luận (0)