Với trợ lực từ vốn vay Quỹ Tín dụng nhân dân Phương Định (Trực Ninh), hoạt động làng nghề ươm tơ dệt lụa của địa phương đã phát triển bền vững. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 42 QTDND với tổng số có 44.229 thành viên tham gia, bình quân mỗi QTDND có hơn 1.000 thành viên. Tính đến ngày 29/4/2025, tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh đạt hơn 5.647 tỷ đồng, tăng 133 tỷ đồng (2,41%) so với năm 2024, bình quân mỗi QTDND đạt 134,4 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động tiền gửi của thành viên, dân cư, tổ chức kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn với 5.059 tỷ đồng (chiếm 89,5% tổng nguồn vốn), tăng 202,6 tỷ đồng (4,17%) so với năm 2024. Dư nợ cho vay thành viên của các QTDND đạt hơn 4.416 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đối với tiền gửi điều hòa, Co-opBank Chi nhánh Nam Định luôn kịp thời điều chỉnh, áp dụng mức lãi suất huy động hợp lý, phù hợp, khuyến khích các Quỹ dư thừa nguồn vốn gửi tại Ngân hàng Hợp tác xã để có thêm nguồn lực điều hòa cho những Quỹ có nhu cầu sử dụng vốn lớn.
Hòa nhịp cùng xu thế chuyển đổi số của ngành Ngân hàng góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ; kết nối nông thôn - thành thị, mang dịch vụ tài chính ngân hàng với chi phí hợp lý tới các địa bàn; đồng thời tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm bán lẻ trên kênh số, các QTDND trên địa bàn tỉnh đánh dấu sự chuyển mình với một loạt sản phẩm Ngân hàng số như: Co-opbank Mobile Banking, Thẻ Co-opbank Napas, Thẻ GenZ dành cho học sinh - sinh viên, Chuyển khoản nhanh 24/7 tại quầy, Nạp tiền và thanh toán hóa đơn tại quầy, phát triển thanh toán bằng quét mã QR tại các hộ sản xuất, kinh doanh; mở tài khoản chi trả lương hưu cho các khách hàng của Quỹ… Qua các sản phẩm ngân hàng số hiện đại, các QTDND đã nâng cao uy tín, tăng cường vị thế, đa dạng hóa sản phẩm và đem lại rất nhiều lợi ích đến với thành viên.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ Ngân hàng số, Co-opBank Chi nhánh Nam Định thường xuyên đăng ký các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, đào tạo mới cho cán bộ, nhân viên QTDND. Đã có 40/42 QTDND tham gia hệ thống chuyển tiền điện tử CF-Ebank, chuyển tiền 24/7 NAPAS. Nhiều QTDND đã lắp đặt thiết bị nhận thẻ POS và trang bị các mã QR Code nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, khách hàng chuyển khoản, thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Tính đến hết tháng 4/2025, doanh số phát sinh chuyển tiền đi qua hệ thống chuyển tiền điện tử CF-Ebank, chuyển tiền 24/7 NAPAS là 4.985 tỷ đồng với 20.351 món. Doanh số phát sinh chuyển tiền đến đạt 3.492 tỷ đồng với 85.082 món. Các QTDND cũng đã phối hợp Co-opBank mở được 3.269 tài khoản thanh toán cho các khách hàng thành viên và phát triển được hơn 2.000 tài khoản thanh toán bằng mã QR cho các hộ sản xuất, kinh doanh, tiểu thương tại các địa phương. Nhìn chung, hệ thống các QTDND trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều hoạt động an toàn, hiệu quả, đóng góp ngày càng quan trọng trong hỗ trợ vốn kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo việc làm, là một kênh huy động vốn quan trọng đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của các địa phương; đồng thời hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Thành lập năm 1995, với sự nỗ lực của hội đồng quản trị và các thành viên, QTDND Đại An (Vụ Bản) hoạt động an toàn, bền vững, góp phần giảm nghèo và thực hiện tốt công tác tương trợ các thành viên, giúp người dân từng bước vươn lên trong cuộc sống. Đến hết năm 2024, tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ đạt 144,5 tỷ đồng. Tổng số nguồn vốn huy động gửi tiết kiệm đạt 132,9 tỷ đồng, trong đó huy động vốn từ thành viên đạt 80,55 tỷ đồng, chiếm 60,6%. Tổng dư nợ cho vay tại QTDND Đại An đạt 88,6 tỷ đồng với 535 lượt thành viên vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay trên địa bàn xã Đại An đạt hơn 65,5 tỷ đồng với 384 khách hàng, cho vay trên địa bàn xã Quang Trung đạt hơn 23 tỷ đồng với 151 khách hàng. Hoạt động hiệu quả, nhiều năm liền, QTDND Đại An là một trong những quỹ tín dụng có tốc độ tăng trưởng tốt và bền vững của tỉnh, tạo được niềm tin với khách hàng. Nhờ nguồn vốn vay từ QTDND, nhiều thành viên là hộ nông dân đã có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, tích cực đóng góp xây dựng quê hương theo tiêu chí NTM. Các thành viên vay vốn từ quỹ đều sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đúng mục đích. Mọi nhu cầu vay vốn đều được quỹ phân công cán bộ phụ trách xem xét, thẩm định nhanh gọn, chính xác, với thời gian được tính bằng giờ. Quỹ thường xuyên tập trung nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, nhân viên của quỹ; chú trọng xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp cho cán bộ, nhân viên, gắn quyền lợi với hiệu quả công việc được giao; đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh. Quỹ luôn bảo đảm an toàn trong việc vận chuyển tiền tệ, nâng cao hiệu suất lao động, các dịch vụ được thực hiện nhanh chóng và tiết kiệm tối đa chi phí.
Với mục tiêu từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, bảo đảm cho hệ thống QTDND trên địa bàn hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khu vực 7 tiếp tục chỉ đạo, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND trên địa bàn. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống QTDND nhằm chấn chỉnh, kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định đối với những QTDND có vi phạm, nhất là các vi phạm đã được cảnh báo, vi phạm tái diễn hoặc chậm khắc phục; chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan công an các vụ việc có dấu hiệu sai phạm; bảo đảm QTDND hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và theo đúng quy định của pháp luật. Các QTDND chủ động điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với diễn biến của thị trường và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn hoạt động; chú trọng nâng cao năng lực tài chính, công tác quản trị điều hành, kiểm soát; chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro; tuân thủ đúng các quy định về an toàn trong hoạt động, các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, phát huy tối đa lợi thế trong hoạt động của QTDND nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa bàn hoạt động.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/he-thong-quy-tin-dung-nhan-dan-tap-trung-phat-trien-on-dinh-ben-vung-50d5c0d/
Bình luận (0)