Không dừng lại ở một ca khúc hit thu hút hàng tỷ lượt xem, nghe, “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung còn gây hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng bằng những câu chuyện được nối dài...
Một số trường học đã đưa ca từ trong “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” vào đề thi nghị luận văn học. Mạng xã hội (MXH) cũng lan tỏa những bài viết, suy nghĩ chín chắn, đầy trách nhiệm của nhiều bạn trẻ - những người sống trong hòa bình từ “trend” này.
Khi ca khúc thành đề thi
“Em hãy phân tích một vấn đề thời sự mà bản thân quan tâm”. Với đề bài kiểm tra này, một sinh viên lớp Ngữ văn, Trường đại học Bạc Liêu đã thể hiện những suy nghĩ của bản thân mình về “hiện tượng” ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”: “Em khắc ghi từng ca từ trong ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, được trình diễn tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rồi sau đó lan tỏa rất mạnh mẽ qua MXH. Dù trước khi nghe ca khúc, em cũng biết rằng công lao của thế hệ cha anh đi trước là vô cùng to lớn để chúng em có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như hôm nay; nhưng bài hát với những lời ca như “Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình” đã một lần nữa tạo nên những rung cảm đặc biệt, nhắc nhở mỗi người trẻ hôm nay phải biết sống sao cho xứng đáng với những hy sinh đó...”.
Một trong những ca khúc thể hiện ở sự kiện trọng đại của đất nước đã trở thành “vấn đề thời sự” mà bạn sinh viên này quan tâm. Và giống như bạn, còn rất nhiều cảm nhận bằng cả tinh thần trách nhiệm, tự hào và qua đó tự soi vào trọng trách của bản thân đối với đất nước mình. Cho thấy lớp trẻ chưa bao giờ thờ ơ với truyền thống hào hùng của dân tộc mình.
Đề thi khảo sát chất lượng lớp 12 của một trường THPT khác cũng được lan truyền trên MXH và nhận được nhiều lời khen vì người ra đề đã nhập cuộc dòng thời sự này. Đề thi đưa ra như sau: Trong bài hát “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết: “Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình”. Từ góc nhìn của bản thân, anh chị hãy viết bài văn nghị luận bàn về những điều cần làm để “viết tiếp câu chuyện hòa bình”.
Một ca khúc đi vào đề thi cũng là phương pháp giáo dục thực tế nhất để các bạn trẻ cảm nhận thế nào là lòng yêu nước, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa những điều thiêng liêng nhất.
Tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc là “chất liệu quý” để các bạn trẻ viết tiếp câu chuyện hòa bình. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu và các đoàn viên - thanh niên nghe giới thiệu về di tích Bia khám lớn ở Phường 3 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
Làm gì để “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”
“Xin tri ân những người chiến sĩ quên đi niềm riêng, quên đi cả bản thân mình/ Cuộn chảy trong lòng một dòng máu nóng, dòng máu Lạc Hồng” - như một lời nhắc nhở về quá khứ hào hùng để thế hệ hôm nay tự nhận ra trách nhiệm của mình trong hiện tại. Hòa bình - thành quả được đánh đổi bằng máu xương của bao thế hệ đi trước sẽ được viết tiếp những trang đẹp đẽ khi con người sống nhân ái, biết san sẻ, tôn trọng lẫn nhau để xây dựng một môi trường sống yên bình. Đó là những cảm nhận chung của nhiều bạn trẻ khi được hỏi “thế hệ hôm nay cần làm gì để viết tiếp câu chuyện hòa bình?”.
“Viết tiếp câu chuyện hòa bình” là viết gì và làm gì? Điều trước tiên mà mỗi người đều có thể làm được, đó là cùng nhau nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và đoàn kết. Yêu nước bằng những hành động nhỏ nhất. Một học sinh tiểu học khi kể chuyện về Bác biết rưng rưng xúc động, hay kể về những anh hùng tuổi nhỏ như Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu... biết tự rút ra lời hứa học tập tốt, lao động tốt để xứng đáng với những hy sinh... thì đó chính là nền tảng của lòng yêu nước. Yêu nước là góp phần xây dựng đất nước vững mạnh từ những điều nhỏ nhất: học tập, làm việc chăm chỉ, sống trung thực và trách nhiệm. Khi mỗi công dân ý thức được vai trò của mình với xã hội thì đất nước sẽ vững bền hơn, Tổ quốc không dễ bị chia rẽ bởi các thế lực thù địch. Hay những hành động nhỏ như chung tay chống lại nạn bạo lực học đường, san sẻ, hỗ trợ người yếu thế cũng là góp những viên gạch nhỏ xây nền móng một cuộc sống hòa bình, nhân văn.
Bên cạnh đó, việc lan tỏa những bài học lịch sử, những câu chuyện về lòng nhân ái, sự tử tế; đấu tranh với những tư tưởng cực đoan, độc hại… qua MXH, bằng các phương tiện truyền thông cũng là một góc độ khác để viết tiếp câu chuyện hòa bình bằng sự phát triển bền vững.
Trân trọng, gìn giữ, phát huy giá trị của hòa bình, mỗi suy nghĩ, hành động tích cực của lớp người hôm nay chính là một nét chữ để viết tiếp câu chuyện hòa bình - món quà vô giá mà thế hệ đi trước đã để lại cho chúng ta.
Cẩm Thúy
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/hieu-ung-viet-tiep%E2%80%8B-cau-chuyen-hoa-binh-100860.html
Bình luận (0)