Họa sĩ Lê Xuân Chiểu, phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, xem triển lãm 'Bình minh châu thổ' - Ảnh: H.VY
Những tâm tình thân thương, gần gụi “như vừa về nhà” đó được họa sĩ Hồng Quân gửi gắm qua hơn 200 bức tranh màu nước trên giấy ép nguội, chất liệu anh sáng tác xuyên suốt từ năm 2019 đến nay.
Gần 70 bức trong số đó vừa được chọn lọc cho triển lãm ‘Bình minh châu thổ’, đang trưng bày từ nay đến 15-7 tại Maii Art Space (72/7 Trần Quốc Toản, TP.HCM).
Những câu chuyện không thể ngừng kể
Với triển lãm cá nhân thứ 7 này, họa sĩ tiếp tục đưa người xem về lại miền Tây với nhiều nếp sinh hoạt đời thường thân thuộc đang trên đà thay đổi trong buổi bình minh châu thổ. Và vẽ màu nước là cách để anh viết nhật ký, ghi lại những khoảnh khắc đang dần lùi về quá khứ.
Đó là những dòng sông nơi ghe thuyền đã dần thưa vắng. Những ngôi nhà không còn quay mặt về mé sông, mà hướng về đường lộ phía trong. Những chợ nổi không còn tấp nập, những khung cảnh bóng quê vẫn thân thuộc nhưng man mác hoài niệm trước nhiều đổi thay.
Cũng ở đó, những khoảnh khắc mộc mạc, bình dị nhưng đầy sức sống của người dân miền Tây neo đời trên sông nước vẫn hiện diện đầy nhắc nhớ.
Họa sĩ Hồng Quân không chỉ tái hiện những khoảnh khắc đời thực, những cảnh vật gợi nhớ thương, mà còn tỉ mỉ quan sát và lưu giữ từng nhịp chuyển sống động, đổi thay của đời sống trong tranh.
Từng màu nước biến chuyển theo mùa mưa nắng, khác biệt giữa từng vùng, từ nước sông đổ ra cửa biển, sự chuyển mình của ánh sáng trên dòng phù sa, và cả những biến đổi ẩn sâu trong nụ cười, ánh mắt, bóng dáng sinh hoạt thường ngày của người dân miền sông nước.
Như chính họa sĩ Hồng Quân tâm sự: "Tôi không vẽ để làm đẹp cho đời. Tôi vẽ để giữ lại bóng quê, giữ lại ánh sáng, giữ lại những chiếc ghe đã cũ, những mái tóc bạc ngồi ngó nước chiều, những buổi bình minh miền châu thổ…".
Hình ảnh đôi ghe đầy thân thuộc trong tranh màu nước của họa sĩ Hồng Quân
Họa sĩ Hồng Quân là con trai của nhạc sĩ Phan Nhân và NSƯT Phi Điểu, nhưng anh không theo nghề của ba má, mà lại chọn theo đuổi hội họa. Dù sinh ra trên đất Bắc, nhưng miền châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long - quê hương ba má - lại trở thành nguồn cội nghệ thuật trong anh.
Sau khi tốt nghiệp mỹ thuật ở TP.HCM, họa sĩ Hồng Quân trở về miền Tây, làm việc trong Đoàn văn công Đồng Tháp với vai trò họa sĩ thiết kế. Những năm tháng rong ruổi theo đoàn văn công để lại trong anh một thứ ký ức đặc biệt: ký ức của người làm nghệ thuật giữa đời sống thường nhật, giữa sông nước, ánh đèn vàng và tiếng chèo khua trong đêm.
"Những hình ảnh đó trở thành chất liệu tinh thần xuyên suốt trong tranh của tôi, đặc biệt là khi tôi chuyển sang thể nghiệm với màu nước. Tôi không vẽ để làm đẹp cho đời. Tôi vẽ để giữ lại bóng quê, giữ lại ánh sáng, giữ lại những chiếc ghe đã cũ, những mái tóc bạc ngồi ngó nước chiều, những buổi bình minh miền châu thổ…
Tôi tin rằng một bức tranh, nếu thành thật, dù chỉ vài nét cũng đủ để người ta dừng lại một chút. Như dừng chân bên con kênh nhỏ, nhìn bóng mình in trên mặt nước, mà nghe lòng mình lặng đi" - Hồng Quân tự sự.
Họa sĩ Hồng Quân bên những góc sông nước miền Tây tại triển lãm "Bình minh châu thổ" - Ảnh: H.VY
Dùng màu nước vẽ bóng quê sông nước
Theo họa sĩ Phan Trọng Văn, với triển lãm lần thứ 7 này, Hồng Quân tiếp tục khẳng định dấu ấn hội họa cá nhân qua cách xử lý bố cục, gam màu và trạng thái cảm xúc rất riêng biệt.
Tranh của anh không tái hiện thế giới theo hình ảnh tả thực mà đi sâu diễn đạt trạng thái không gian và cảm xúc, những khoảng lặng nội tâm, những ký ức mờ nhòe, hay sự biến chuyển mong manh của thời gian.
Chất liệu màu nước trên giấy ép lạnh (arches cold press) được anh khai thác điềm đạm và tinh tế: từng lớp màu chồng mỏng, những khoảng trắng của giấy, những vệt loang nhẹ như sương mai... Tất cả tạo nên một không gian vừa quen vừa lạ, gợi cảm thức trầm tĩnh và suy tưởng.
Anh đã đạt đến giai đoạn chín muồi trong hành trình sáng tác. Trong từng vệt màu, người xem không chỉ thấy bóng sông, mà còn thấy bóng người, bóng quê và cả bóng mình.
Lặng ngắm tranh của họa sĩ Hồng Quân tại triển lãm 'Bình minh châu thổ' - Ảnh: H.VY
Việc chọn màu nước để ghi lại hồn quê sông nước cũng là một trải nghiệm đặc biệt với nghệ sĩ Hồng Quân, vì anh vốn được đào tạo chính quy từ khoa sơn dầu, Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Nhưng màu nước, chất liệu biến chuyển đầy khó đoán, lại cuốn hút anh khám phá và chinh phục, càng vẽ lại càng thêm đồng điệu.
Họa sĩ bộc bạch ngày trước, anh toàn vẽ chất liệu nặng ký, màu dày, bố cục đậm. Nhưng càng vẽ lại càng nhẹ dần, nhẹ về tay, nhẹ về lòng. Rồi một ngày, anh cầm cọ màu nước. Cái trong veo của màu, cái loang lổ tự nhiên của giấy, của màu… như nước thấm đất, làm anh nhớ miền đất phương Nam.
"Vẽ màu nước, với tôi, là cách để sống chậm lại, để thở cùng nhịp sông, để giữ lại những thứ tưởng chừng trôi tuột theo thời gian. Tôi không cố làm cho tranh mình thật 'kỹ', mà chỉ mong sao giữ được cái hồn của miền sông nước: mộc mạc, chân thành, mà đâu đó cũng đượm buồn…".
Màu nước là cách tôi kể chuyện. Và miền Tây, là chuyện tôi không thể nào ngừng kể” - họa sĩ Hồng Quân khẳng định.
Họa sĩ Hồng Quân vẫn trăn trở khi chưa có trường mỹ thuật nào tại Việt Nam đưa màu nước vào môn học chính khóa. Anh mong chất liệu mình yêu quý sẽ được đưa vào trường lớp, để những ai muốn học có thể tiếp cận bài bản hơn, từ đó tạo nên tác phẩm chuyên nghiệp, chứ không chỉ để ký họa hay phác thảo.
Một số hình ảnh tại triển lãm Bình minh châu thổ:
Trên những dòng phù sa
Xuôi dòng
Bình yên sông nước
Xuôi ngược những dòng kênh
Biển mây
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoa-si-hong-quan-con-trai-nhac-si-phan-nhan-va-nghe-si-phi-dieu-ve-mot-mien-tay-khong-on-ao-20250709004048442.htm
Bình luận (0)