Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí áp dụng từ năm học 2025-2026
ảnh: đào ngọc thạch
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GD-ĐT nêu mục đích ban hành nghị định nhằm rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý về học phí, cơ chế miễn, giảm, hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập để các bộ ngành, địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2025-2026.
Theo đó, nghị định áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của luật Giáo dục, luật Giáo dục ĐH, luật Giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của luật Giáo dục, luật Giáo dục ĐH, luật Giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Học phí đại học công lập: Từ năm học 2027-2028 điều chỉnh theo khả năng chi trả của người dân
Dự thảo nghị định quy định mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên từ năm học 2025-2026. Trong đó, học phí năm học 2025-2026 và năm học 2026-2027 như bảng sau:
Theo dự kiến, học phí đại học công lập chưa tự chủ năm học tới đây sẽ thu từ 15,2 triệu đồng/năm đến 31,1 triệu đồng/năm (tùy khối ngành).
Từ năm học 2027-2028 trở đi, mức trần học phí đại học công lập được điều chỉnh phù hợp với khả năng chi trả của người dân, điều kiện kinh tế xã hội nhưng tối đa không vượt quá tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tại thời điểm xác định mức học phí so với cùng kỳ năm trước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí của cơ sở chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí của cơ sở chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học căn cứ định mức kinh tế-kỹ thuật hoặc định mức chi phí của từng ngành, nghề đào tạo do cơ sở giáo dục ban hành để tự quyết định mức thu học phí; thực hiện công khai với người học, xã hội.
Học phí giáo dục nghề nghiệp công lập: Thấp nhất 13,6 triệu đồng/năm
Dự thảo nghị định cũng quy định mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên từ năm học 2025-2026. Theo đó, học phí dự kiến năm học 2025-2026 và năm học 2026-2027 như bảng sau:
Theo dự kiến, học phí trường cao đẳng và trung cấp công lập chưa tự chủ năm học tới đây sẽ thu từ 13,6 triệu đồng/năm đến 23,8 triệu đồng/năm (tùy khối ngành).
Từ năm học 2027-2028 trở đi, mức trần học phí được điều chỉnh phù hợp với khả năng chi trả của người dân, điều kiện kinh tế xã hội nhưng tối đa không vượt quá tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tại thời điểm xác định mức học phí so với cùng kỳ năm trước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí tối đa không quá 2 lần so với mức học phí của cơ sở chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được chủ động xây dựng và quyết định mức học phí theo quy định của luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản khác có liên quan.
Đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao và chương trình chuyển giao từ nước ngoài, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ định mức kinh tế-kỹ thuật hoặc định mức chi phí của từng ngành, nghề đào tạo do cơ sở giáo dục nghề nghiệp ban hành để quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng năm học, ngành, nghề đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý và thực hiện việc công khai trước khi tuyển sinh. Đồng thời phải duy trì các chương trình đào tạo tiêu chuẩn trong mức trần học phí nhà nước quy định để thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công và đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục người học.
Học phí trường dân lập, tư thục tính ra sao?
Theo dự thảo, nguyên tắc xác định học phí của nghị định kế thừa quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và cập nhật, bổ sung quy định của luật Giá 2023. Đối với cơ sở giáo dục công lập, mức học phí được xác định theo nguyên tắc bù đắp chi phí, có tích lũy hợp lý theo quy định của luật Giá và lộ trình tính đủ chi phí phù hợp với từng cấp học, điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm.
Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý theo quy định của luật Giá. Thực hiện công khai theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm giải trình với người học, xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định; thuyết minh các yếu tố cấu thành giá, lộ trình, tỷ lệ tăng học phí các năm tiếp theo (không quá 15% đối với đào tạo đại học; không quá 10% đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông).
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-phi-bac-dai-hoc-cao-dang-trung-cap-nam-hoc-2025-2026-co-gi-moi-185250704100254676.htm
Bình luận (0)