Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hòn Khoai - hoang sơ 'hòn ngọc thô'

Tàu đưa chúng tôi ra Hòn Khoai (Cà Mau). Hai bên sông Rạch Gốc, những xóm chài còn yên ngủ trong làn sương mờ ảo. Hướng Đông, nền trời ửng nhẹ màu cam phơn phớt.

Báo Long AnBáo Long An04/07/2025

26_918_cau-cang-bai-lon.JPG

Hòn Khoai cách đất liền ở cửa Rạch Gốc chừng 25km

Tàu đưa chúng tôi ra Hòn Khoai (Cà Mau). Hai bên sông Rạch Gốc, những xóm chài còn yên ngủ trong làn sương mờ ảo. Hướng Đông, nền trời ửng nhẹ màu cam phơn phớt. Một ngày mới bắt đầu. 6 giờ 15 phút, tàu ghé Trạm Kiểm soát biên phòng Rạch Gốc. Thuyền trưởng kiêm chủ tàu CM 8163 TS trình giấy, làm thủ tục. Biên phòng đếm người và kiểm soát phao. Tàu lui lại, rồi trực chỉ về phía cửa biển. Nắng đã lên, biển mênh mông, lấp loáng. Tàu rẽ nước hướng về Hòn Khoai. Phía đất liền chỉ còn thấy những dải rừng đước sừng sững như bức tường thành chắn biển. Đã thấy Hòn Khoai một cụm xanh lam phía trước. Hòn Khoai cách đất liền ở cửa Rạch Gốc chừng 25km. Tàu đánh cá chở chúng tôi chạy với vận tốc 6 hải lý. “Hai giờ nữa sẽ đến Hòn Khoai” - Có người trên tàu nói.

26_394_bai-da-trung-honkhoai-.JPG

Nước biển dần đổi màu xanh lơ chứ không đùng đục như ở ven bờ. Hòn Đồi Mồi, Hòn Tượng, Hòn Sao hiện lên rõ dần,... rồi đến Hòn Khoai. Đá núi hàng triệu năm bị sóng biển đánh mòn khuyết dưới chân, tạo thành những hình dáng kỳ quái! Hòn Tượng trong giống như một con voi khổng lồ chìm nửa thân dưới biển. Tàu ghé Bãi Nhỏ ở phía Tây Nam đảo. Cây cối trên núi um tùm, mang dáng vẻ hoang sơ, thơ mộng,... Bãi Nhỏ cạn nên tàu không cập sát bến được. Khách phải xuống thuyền nhỏ để vào bờ cách đó chừng 40m. Phía bên phải của bến là một bãi đá trứng thật đẹp như có bàn tay ai sắp đặt!

Đồn Biên phòng 700 dựa lưng sát vách núi. Hạt Kiểm lâm Hòn Khoai cũng nằm cạnh đó. Thực ra, trên Hòn Khoai không có dân cư. Hải quân đóng ở Bãi Lớn, phía Đông đảo. Một tổ công tác của Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải, trông coi ngọn đèn biển ở vị trí 8,25,36 độ vĩ Bắc 104,50,06 độ kinh Đông, trên đỉnh cao 317,5m.

Tôi và một số bạn trẻ ở xã Đoàn Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau cũ) bắt đầu leo đường núi để đi lên ngọn hải đăng trên đỉnh Hòn Khoai. Con đường xuyên rừng khá hiểm trở với những dốc dựng đứng, lổn ngổn đá trứng. Ấy vậy mà cây cối xanh tốt, mạnh mẽ lạ thường! Tôi đứng tần ngần, ngắm cây mù u rừng chừng bảy, tám người dang tay ôm chưa hết. Đi xuyên dưới tán rừng, có rất nhiều bằng lăng cổ thụ. Sao, dầu, muỗng, ràng vàng (lim) rải rác khắp nơi dọc triền núi. Tiếng chim ríu rít trên những cây trâm rừng có những chùm trái chín mọng, đen sẫm. Phảng phất hương ngọc lan tỏa bàng bạc giữa núi rừng. Thỉnh thoảng, chúng tôi băng ngang qua những con lạch, suối nhỏ, nước trong veo soi rõ mặt người. Đường lên ngọn hải đăng quanh co, chừng non 3km nhưng phải đi gần 2 giờ mới đến được. Hải đăng Hòn Khoai có máy phát điện chạy dầu. Ngoài ra, còn có dàn pa-nen hấp thu năng lượng mặt trời chuyển hóa thành điện năng phục vụ thắp sáng, xem tivi,...

Đèn biển Hòn Khoai nằm trong hệ thống hải đăng Cần Giờ - Côn Đảo - Phú Quốc, được người Pháp xây dựng năm 1939, đến nay đã nâng cấp, sửa chữa. Hải đăng cao 15,7m, mỗi cạnh 4m, xây bằng đá hộc, bên trong có thang xoắn, đèn pha sáng tới 35 hải lý.

Trên đỉnh Hòn Khoai, cạnh ngọn hải đăng, có bia ghi sơ lược cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai của nhà giáo Phan Ngọc Hiển. Mấy dãy nhà đá xây từ đời Pháp thuộc đứng chơ vơ, hoang tàn như là chứng tích của thời gian. Chúng tôi trở xuống núi, đi vòng qua phía Đông Hòn Khoai theo con đường nhựa thoai thoải, giữa những tán cây rừng “giao đu”(*). Có vài khúc quanh gắt và dốc. Bãi Lớn hiện ra như một Nha Trang thu nhỏ. Biển trong xanh, xa xa sóng gợn lăn tăn, lấp lánh. Tàu đánh cá nhấp nhô lướt sóng, gió rì rào thổi vào vịnh. Biển, rừng cây, đá núi đan xen tạo nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng và hoang sơ.

Chúng tôi đi tắt lên núi để về Bãi Nhỏ, mệt nhừ với đường núi dốc. Hòn Khoai chỉ có 561ha, nước ngọt có quanh năm. Vào mùa khô, dân ven biển Cà Mau và các tàu đánh cá thường ghé Hòn Khoai để lấy nước. Các nhà khoa học, những nhà hoạt động bảo vệ môi trường cũng như những người quan tâm đến Hòn Khoai có sự lo ngại chính đáng cho hòn đảo nhỏ này. Nếu không được bảo tồn nghiêm ngặt, hệ động, thực vật của Hòn Khoai sẽ có nguy cơ nghèo đi bởi diện tích rừng ở đây nhỏ và xa cách đất liền, thiếu sự giao lưu, bổ sung giữa các loài, giống. Sự tác động của con người cũng là điều đáng lưu ý khi đặt vấn đề du lịch cho đảo. Khai thác và bảo tồn phải là 2 tiêu chí song hành, chặt chẽ đối với môi trường thiên nhiên. Chúng tôi về ghé chốt kiểm lâm ở triền núi vừa giữa trưa. Cơm được dọn lên với cá dứa kho, canh chua đầu cá chẽm nấu kèm chuối cây rừng xắt ghém, cua biển luộc chấm muối ớt, cá đuối dơi nấu mẻ, tôm tích luộc, tôm sú hấp bia,... Hòn Khoai dường như không thiếu gì, có thiếu chăng là bóng dáng con người! Chúng tôi lên tàu về đất liền. Đồn trưởng, đồn phó và các chiến sĩ đứng trên bến vẫy tay tiễn chúng tôi. Tấm bảng nền xanh lá cây có chữ "Đồn Biên phòng 700" xa dần rồi mờ nhạt trong bóng chiều trên biển.../.

(*)giao đu (từ địa phương): Cây lá hai bên gie ra, phủ trùm lên con đường, sông, rạch, suối, lối mòn như mái vòm.

Hoàng Thám

Nguồn: https://baolongan.vn/hon-khoai-hoang-so-hon-ngoc-tho-a198111.html


Chủ đề: cà mauhoang sơ

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm