Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hợp tác 3 “nhà” để nâng chất hoạt động khoa học và công nghệ

Hợp tác chặt chẽ giữa 3 “nhà”: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp (DN) là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đó là ý kiến chung của lãnh đạo Sở KHCN, đại diện các trường đại học, cao đẳng và Hội Tin học Đồng Nai tại buổi tọa đàm nhân kỷ niệm Ngày KHCN Việt Nam (18-5).

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai19/05/2025

Tiến sĩ Huỳnh Cao Tuấn, Trường đại học Lạc Hồng, giới thiệu Trợ lý AI Sở Khoa học và công nghệ - DNAI. Ảnh: H.YẾN
Tiến sĩ Huỳnh Cao Tuấn, Trường đại học Lạc Hồng, giới thiệu Trợ lý AI Sở Khoa học và công nghệ - DNAI. Ảnh: H.YẾN

Không chỉ phối hợp giữa 3 “nhà”, các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh cũng cần hợp tác chặt chẽ hơn trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học để cùng nhau phát triển.

Quả ngọt đầu tiên

Kỷ niệm Ngày KHCN Việt Nam (18-5) năm nay được Sở KHCN đánh dấu bằng sự kiện công bố Trợ lý AI Sở KHCN - DNAI. Đây là sản phẩm công nghệ đầu tiên được ra đời trên cơ sở hợp tác giữa Sở KHCN, Khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Trường đại học Lạc Hồng; Hội Tin học Đồng Nai và Công ty IOT Software.

Theo đó, Sở KHCN là đơn vị đặt hàng. Khoa CNTT, Trường đại học Lạc Hồng và Hội Tin học Đồng Nai, Công ty IOT Software cùng nghiên cứu, xây dựng, phát triển ứng dụng và chuyển giao sản phẩm.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, quyết liệt, sản phẩm công nghệ DNAI “trình làng” chỉ sau 2 tháng đặt hàng. Trước mắt, DNAI sẽ là trợ lý ảo hỗ trợ công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở KHCN. DNAI có 4 chức năng nổi bật: trợ lý tìm kiếm thông tin cho cán bộ, công chức; tìm kiếm, suy luận và trả lời trong tài liệu người dùng tải lên; đọc hiểu hình ảnh của người dùng; tự phân tích dữ liệu và trả lời các câu hỏi nội bộ của Sở KHCN; tìm kiếm văn bản hành chính của Sở KHCN.

Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai NGUYỄN THỊ HIỀN cho biết, mỗi năm, trường có từ 8-10 đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, các đề tài này chưa có dấu ấn lớn và chưa mang tính ứng dụng thực tế cao. Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai mong rằng Sở KHCN sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học để hướng dẫn thêm cho đội ngũ giáo viên, sinh viên trong hoạt động này.

Theo Giám đốc Sở KHCN Tạ Quang Trường, việc ra mắt sản phẩm công nghệ DNAI cho thấy hiệu quả của việc hợp tác 3 “nhà” trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đây cũng là cách làm mà Sở KHCN sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Trước mắt, đối với các nhiệm vụ KHCN hàng năm, Sở KHCN cùng với các sở, ban, ngành sẽ đặt hàng đề tài để các viện, trường tham gia nghiên cứu sao cho kết quả của các đề tài, nhiệm vụ KHCN có thể đưa vào ứng dụng trong thực tế cuộc sống.

“Các hoạt động nghiên cứu, phát triển KHCN của nhà trường, DN sẽ hoạt động thông qua Quỹ Phát triển KHCN của tỉnh. Chúng tôi mong rằng các trường đại học, cao đẳng, DN cùng nghiên cứu, đề xuất cơ chế để thực hiện các đề tài, giải pháp KHCN” - ông Trường bày tỏ.

Ông Trường chia sẻ thêm, bên cạnh việc đặt hàng nhiệm vụ KHCN từ phía nhà nước, Sở KHCN mong rằng các trường  tiếp tục mạnh dạn, chủ động đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu gắn liền với thực tiễn và sẽ cùng nhau thực hiện trên tinh thần “làm thật, nghiên cứu thật, sản phẩm thật, mang lại giá trị thật”.

Các trường cũng cần liên kết lại

Với cương vị vừa là Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng vừa là Chủ tịch Hội Tin học Đồng Nai, tiến sĩ Lâm Thành Hiển cho biết: “Các lĩnh vực liên quan đến CNTT, công nghệ kỹ thuật mà Trường đại học Lạc Hồng có thế mạnh, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ tối đa, tất nhiên cần có chính sách phù hợp. Mong muốn thiết tha của chúng tôi là xây dựng hệ thống chuyển đổi số của Đồng Nai phát triển nhanh, mạnh”.

Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai Ngô Kim Lân cho biết, để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhà trường đang rà soát toàn bộ quy trình liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học của trường để phù hợp với tinh thần Nghị quyết 57. Nhà trường tiến hành rà soát toàn bộ chương trình đào tạo để gắn đào tạo liên quan đến ngành vi mạch bán dẫn, đồng thời có kế hoạch mở các mã ngành đào tạo mới có liên quan đến các ngành công nghiệp mà tỉnh đang thu hút đầu tư (cơ khí chính xác, tự động hóa). Đầu năm nay, nhà trường ban hành kế hoạch chuyển đổi số liên quan công tác quản lý, giảng dạy, học tập của học sinh - sinh viên.

Theo ông Lân, quá trình thực hiện, nhà trường gặp phải khó khăn liên quan đến trang thiết bị đào tạo, trình độ giảng viên phù hợp với chương trình đào tạo mới. Nhà trường khắc phục bằng cách liên kết với các DN để tận dụng trang thiết bị của DN.

Về vấn đề này, ông Tạ Quang Trường cho biết, Sở KHCN sẵn sàng đề xuất tỉnh đầu tư máy móc, trang thiết bị cho các trường theo cơ chế của hoạt động phát triển KHCN. “Không nhất thiết cái gì các trường cũng đầu tư. Thay vào đó, cần phát huy mô hình 3 “nhà”: nhà nước - nhà trường - DN. Trong đó, kết hợp để DN tham gia đầu tư thiết bị cho nhà trường. Tuy nhiên, nếu quy mô 1 trường nhỏ, không phù hợp quy mô thiết bị thì có thể liên kết nhiều trường để sử dụng hết công năng, công suất của thiết bị, có như vậy thì DN mới sẵn sàng đầu tư” - ông Trường nói thêm.

Cũng theo Giám đốc Sở KHCN, các trường trên địa bàn tỉnh nên tận dụng lợi thế nằm gần Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để hợp tác cùng đơn vị này trong thực hiện Nghị quyết 57. Sở KHCN sẵn sàng làm đầu mối để kết nối cho các trường.

Hải Yến

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202505/hop-tac-3-nha-de-nang-chat-hoat-dong-khoa-hoc-va-cong-nghe-6762ba6/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm