Sở Khoa học và Công nghệ ứng dụng công nghệ trong kiểm định chất lượng hàng hóa
Để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược này, tỉnh chủ động hợp tác với Đại học Quốc gia TP.HCM, các chuyên gia đầu ngành và cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng các giải pháp phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS trên địa bàn.
Quí I-2025, chỉ số sản xuất công nghiệp của Long An (cũ) tăng 11,06% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến - chế tạo tăng mạnh 11,72%; ngành sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước và xử lý chất thải đều tăng hơn 2%. Riêng ngành sản phẩm bằng nhựa, thiết bị bán dẫn, hàng may mặc,... có mức tăng trưởng ấn tượng, chiếm 35/74 nhóm ngành sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng so cùng kỳ.
Đến cuối tháng 4-2025, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 10.500 đơn đăng ký nhãn hiệu, 740 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 105 đơn sáng chế và giải pháp hữu ích cùng hơn 6.400 đơn xin cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, 480 đơn cấp bằng độc quyền kiểu dáng và 34 bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích. Những con số này không chỉ thể hiện tinh thần sáng tạo mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân mà còn cho thấy hạ tầng pháp lý và môi trường bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Long An (cũ) đang ngày càng hoàn thiện.
Việc quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ. Từ nhận thức đến hành động, các cấp, các ngành trong tỉnh đều thể hiện quyết tâm cao trong việc ứng dụng công nghệ mới. Đây là bước đệm quan trọng giúp Tây Ninh bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng thẳng thắn thừa nhận một số tồn tại như tốc độ CĐS còn chậm, quy mô và tiềm lực KHCN còn hạn chế, cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học về làm việc tại Tây Ninh; hạ tầng công nghệ số vẫn còn thiếu đồng bộ, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Để khắc phục hạn chế và hiện thực hóa mục tiêu lọt vào top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và CĐS vào năm 2030, Tây Ninh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Lấy chỉ số năng suất và các yếu tố tổng hợp (TFP) làm cơ sở đánh giá; nâng mức đóng góp của KHCN, đổi mới sáng tạo đạt tối thiểu 55%/năm; bố trí từ 2-3% tổng chi ngân sách hàng năm cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, CĐS tăng dần theo yêu cầu phát triển. Tỉnh tiến hành đặt hàng các viện, trường từ 15-20 nhiệm vụ nghiên cứu theo từng năm triển khai; đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào tất cả các lĩnh vực phát triển KT-XH.
Chuyên gia chia sẻ mô hình kinh doanh và giải pháp đổi mới sáng tạo tại khóa đào tạo do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức
Các sở, ngành cũng đang tích cực triển khai các giải pháp CĐS. Ngành Nông nghiệp áp dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Ngành Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Ngành Thuế áp dụng hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử và khuyến khích người dân sử dụng ứng dụng Long An Số trên nền tảng Công dân Số Long An.
Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Quyết nhấn mạnh: “Việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS là yêu cầu cấp thiết. Đây không chỉ là "chìa khóa" để khai thác tối đa lợi thế và tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong phát triển mà còn là động lực tăng trưởng mới, nâng cao chất lượng sống cho người dân”.
Từ những nền tảng đã đạt cùng quyết tâm chính trị cao, Tây Ninh đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ rằng, với chiến lược phát triển đúng đắn, tầm nhìn dài hạn và sự đồng hành của cộng đồng khoa học, doanh nghiệp và người dân, mục tiêu lọt vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo và CĐS vào năm 2030 không còn xa./.
Quế Quyên
Nguồn: https://baolongan.vn/huong-den-top-10-ca-nuoc-ve-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-a198268.html
Bình luận (0)