J-16 sẽ giúp Iran chặn đứng ưu thế của Mỹ - Israel
Với radar cỡ lớn, tên lửa tầm xa và khả năng đối phó tiêm kích tàng hình, J-16 được coi là quân bài chiến lược giúp Iran xoay chuyển thế trận trên không.
Báo Khoa học và Đời sống•20/07/2025
Sau cuộc không kích quy mô lớn của Israel vào Iran hôm 13/6, kéo theo sự tham chiến trực tiếp của Mỹ với máy bay ném bom tàng hình B-2 và tàu ngầm hạt nhân, thế giới đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến năng lực không quân của Tehran.
Dù sở hữu gần 300 tiêm kích, phần lớn trong số đó là F-4D/E, F-14 và Su-24 từ thời Chiến tranh Lạnh, lực lượng này bị đánh giá là gần như vô dụng trong vai trò phòng không hiện đại. Những máy bay lạc hậu khiến Iran không thể triển khai phản kích hiệu quả, phải đặt gánh nặng phòng thủ lên vai các tổ hợp tên lửa mặt đất và kho tên lửa đạn đạo.
Việc không có lực lượng không quân đủ mạnh cũng được coi là lý do khiến Iran không thể răn đe Israel và các đồng minh phương Tây trước khi xung đột bùng nổ. Dù trong nhiều năm qua Tehran từng đàm phán mua MiG-29, MiG-31 hay Su-30 từ Moskva, kết quả vẫn chỉ là các đồn đoán.
Gần đây, truyền thông Iran đưa tin nước này đặt mua tiêm kích Su-35, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẵn sàng bàn giao. Trong bối cảnh đó, phương án tìm đến chiến đấu cơ Trung Quốc - cụ thể là J-10C hoặc J-16, đang ngày càng được quan tâm.
Được phát triển từ khung thân Su-27 nhưng nâng cấp toàn diện, J-16 là tiêm kích hạng nặng thuộc thế hệ 4++ của Trung Quốc, được coi là đối trọng trực tiếp với F-15EX của Mỹ. So với J-10C vốn nhẹ và tầm hoạt động ngắn, J-16 tỏ ra vượt trội ở nhiều khía cạnh: từ diện tích radar, lượng nhiên liệu mang theo, cho tới tải trọng vũ khí và khả năng mang tên lửa đối không tầm xa.
Radar AESA cỡ lớn trang bị trên J-16 có khả năng phát hiện tiêm kích tàng hình ở khoảng cách xa hơn nhiều so với các đối thủ Nga như Su-35, do công nghệ điện tử Trung Quốc hiện đã bỏ xa Moskva.
Khi đặt cạnh radar AN/APG-81 của F-35 - vốn nhỏ hơn gần một nửa, lợi thế của J-16 càng trở nên rõ rệt. Ngoài ra, tiêm kích này còn được phủ vật liệu tán xạ sóng radar, có thân máy bay làm từ vật liệu composite và tích hợp đường truyền dữ liệu hiện đại - những công nghệ kế thừa từ chương trình tiêm kích tàng hình J-20.
Vũ khí chính của J-16 cũng rất đáng gờm. Các tên lửa PL-15 và PL-16 cho phép máy bay tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn với độ chính xác cao, được coi là đối trọng trực tiếp với AIM-260 của Mỹ. Ở cự ly gần, PL-10 trang bị đầu dò hồng ngoại và khả năng dẫn hướng theo góc lệch cực lớn giúp J-16 chiếm ưu thế tuyệt đối trong các cuộc không chiến quần vòng.
Một ưu điểm đặc biệt khiến J-16 trở thành ứng viên hoàn hảo cho Iran chính là khả năng mang tên lửa PL-XX - loại đạn quá lớn để J-10C có thể sử dụng. PL-XX được thiết kế chuyên biệt để tiêu diệt các mục tiêu cỡ lớn như máy bay tiếp dầu, chỉ huy cảnh báo sớm (AWACS) hay oanh tạc cơ. Trong bối cảnh Israel vẫn chủ yếu dùng F-16 và phải phụ thuộc hoàn toàn vào tiếp dầu trên không khi tấn công Iran, sự xuất hiện của J-16 mang PL-XX có thể xoay chuyển hoàn toàn cục diện chiến trường.
Ngay cả khi Iran chỉ đủ ngân sách để mua số lượng nhỏ J-16, máy bay này vẫn có thể gây ảnh hưởng lớn tới năng lực răn đe. Với radar mạnh, tên lửa tầm xa và hệ thống tác chiến hiện đại, một phi đội J-16 hoàn toàn có thể đương đầu với cả biên đội F-15 và F-16 của Israel trong những trận đánh ngoài tầm nhìn. Khoảng cách công nghệ sẽ bù đắp cho chênh lệch về huấn luyện phi công - vốn là thế mạnh lâu nay của Tel Aviv.
Khả năng bay xa, kết hợp với radar cỡ lớn và khoang vũ khí rộng, cho phép J-16 thực hiện các nhiệm vụ đánh phá hậu cần, tiêu diệt máy bay chỉ huy và làm gián đoạn hệ thống chỉ huy - kiểm soát của đối phương, kể cả khi chưa rời không phận Iran. Đó là điều mà J-10C hay bất kỳ chiến đấu cơ nào trong biên chế hiện tại của Tehran đều không thể làm được.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang J-16 sẽ không dễ dàng. Sự khác biệt về công nghệ khiến Iran phải xây dựng gần như toàn bộ chiến thuật, học thuyết và quy trình vận hành mới. Vấn đề huấn luyện phi công và bảo trì hậu cần cũng là một trở ngại lớn.
Ngoài ra, việc Trung Quốc chưa từng xuất khẩu J-16 cũng làm dấy lên nghi vấn rằng Nga - quốc gia thiết kế gốc khung thân Su-27 sẽ yêu cầu quyền phê duyệt. Nhưng trong bối cảnh Moskva đang ngày càng phụ thuộc vào UAV Iran trong cuộc xung đột tại Ukraine, không loại trừ khả năng Nga sẽ nhượng bộ.
Một điểm đáng chú ý là Trung Quốc hiện đã đạt được những bước tiến lớn trong chương trình tiêm kích thế hệ 5 và 6, khiến nguy cơ rò rỉ công nghệ J-16 - một máy bay 4++ là không còn quá đáng ngại. Việc Bắc Kinh từng xuất khẩu J-10C cho Pakistan hay Ai Cập, hai quốc gia có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Mỹ cho thấy khả năng bán J-16 cho Iran không còn là điều bất khả thi.
Bình luận (0)