Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kể chuyện kpan Êđê

Xưa lắm rồi, các buôn làng Êđê vùng núi rừng Đắk Lắk có những căn nhà dài bằng “một hơi ngựa chạy”, dài “hơn một tiếng chiêng ngân”.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk13/07/2025

Người ta bảo rằng nhà có bao nhiêu cửa sổ thì có bấy nhiêu cô con gái. Không biết có đúng thế không nhưng hình ảnh thấp thoáng những bóng váy áo thướt tha lại qua trên sàn nứa (thiếu nữ Êđê mặc váy áo dài tay phủ kín gót chân) hoặc chiều chiều có những người phụ nữ “da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hòa” cặm cụi ngồi dệt vải bên khung cửa sổ thật đẹp đến say lòng người. Mỗi khi gia đình có một người con gái cưới chồng thì căn nhà sẽ được nối thêm một gian nữa cho vợ chồng mới. Gọi nhà dài là thế.

Tập quán của người Êđê là mỗi khi có việc lớn, sẽ tấu chiêng knah trong nhà dài nên trong nhà sàn của gia đình nào cũng có một chiếc ghế kpan dài từ 5 - 10 m, thậm chí 15 m để dàn chiêng ngồi trình tấu. Và chỉ người Êđê mới có kpan. Voi, ghế kpan, trâu bò, chiêng, ché… là những hiện vật biểu hiện sự giàu có, hùng mạnh của một gia đình, một dòng tộc.

Không phải nhà nào trong buôn cũng đủ điều kiện để làm kpan, vì phải qua nhiều lần cúng lễ rất tốn kém. Và gia chủ phải qua 60 mùa rẫy, có tài sản kha khá chiêng, ché mới được làm kpan chứ không phải ai muốn, làm lúc nào cũng được.

Bởi rừng luôn được đồng bào xem là một thực thể linh thiêng cần được tôn trọng nên khi quyết định làm kpan, đầu tiên phải có một lễ nhỏ gồm một con gà, một ghè rượu xin phép các Yang cho vào rừng tìm gỗ. Đi hết cánh rừng này sang khoảnh rừng kia, tìm sao chọn được cây phải to từ 2 - 3 vòng tay người ôm, thẳng đuột, không có bất kỳ loại cây hay dây leo tầm gửi nào. Phải tìm cho được từ 1 - 2 cây kích thước giống nhau vì một bộ ghế kpan để trong nhà phải gồm 3 chiếc: một chiếc kpan lớn dành cho đội ching, hai chiếc jhưng ngắn là chỗ ngủ của chủ nhà và cho khách.

Kpan là nơi dàn chiêng ngồi diễn tấu. Ảnh: Hữu Hùng

Tìm được cây rồi, đánh dấu lại đó để người khác biết cây đã có người chọn. Đến ngày quyết định đi chặt cây cũng lại phải có một ghè rượu, con gà ở nhà để báo với các Yang việc sẽ làm ngày hôm ấy. Đoàn người vào đến khoảnh rừng nơi có cây gỗ được chọn, thầy cúng lại phải một lần nữa xin thần rừng cho chặt hạ cây với con gà, ché rượu.

Sau lời khấn của thầy cúng, 7 chàng trai mang theo kiếm và khil sẽ múa quanh gốc cây 7 vòng để xua đuổi các thế lực xấu ngăn chặn việc làm ghế. Xong thủ tục rồi việc chặt cây nhanh chóng được tiến hành. Khi chặt, người ta phải xem xét cây sẽ đổ vào hướng nào sao cho không làm gãy, hỏng các cây ở chung quanh.

Cây hạ xuống rồi, người thợ cả có kinh nghiệm nhất sẽ dùng gang tay và que nứa để tính toán độ dài rộng của ghế. Một cây gỗ có chiều dài hơn 10 m, đường kính 4 gang tay là đã có thể xẻ làm đôi, đủ làm được cả kpan lẫn jhưng rồi. Cây nhanh chóng được róc vỏ, chặt khúc vừa ý, rồi lại xẻ đôi. Sự giỏi giang của người thợ Êđê sẽ được thể hiện rất rõ ở đây: Chỉ với những chiếc rìu – xagat, chẳng có bào, đục gì mà biến hình hài những thân cây thành mặt phẳng lì, khéo léo bóc tách sao cho nguyên khối cả chân lẫn mặt ghế kpan. Phần còn lại cũng thành hình một hay hai chiếc jhưng, chỉ ngắn hơn, chứ bề rộng và bề dày lẫn chân vẫn phải nguyên khối. Gặp cây gỗ lớn, xẻ ra làm được cả bộ 3 chiếc. Thân và chân liền một khối, đấy chính là điều đặc biệt của những chiếc ghế kpan, jhưng Êđê.

Kpan làm xong, cần phải có một lễ báo với thần rừng là ghế sẽ được mang về làng. Sau lễ, 7 chàng trai lại múa khil và kiếm xua đuổi các thế lực xấu, rồi tất cả mới khởi ghế lên vai vác đưa về buôn. Về đến sân nhà chưa được đưa ngay lên sàn, phải có các thiếu nữ xinh đẹp múa điệu grứ phiơr - chim bay và một lần nữa các chàng trai múa kiếm, với sự phụ họa của các cô gái té nước để vừa đón ghế, vừa đề phòng có… ma xấu từ rừng theo về, cũng là khoe tài múa khil khéo, bị tạt nước mà không ướt áo khố. Xong thủ tục này rồi mới được khiêng ghế lên sàn. Đặt dọc theo chiều dài, phía Nam nhà sàn (dàn chiêng sẽ ngồi quay mặt ra hướng Bắc).

Kpan là nơi dàn chiêng ngồi trình tấu khi trong nhà có việc. Ảnh: Nguyễn Gia

Đây là lúc mừng vui nhất cho gia chủ. Lớn thì 1 - 2 con trâu hoặc bò, nhỏ cũng phải 1 con trâu, 2 con heo hiến dâng cho các Yang để đón nhận kpan hoặc kpan điêt. Sau đó, các cô gái múa điệu pah kngan rông yang vỗ tay mời các thần về uống rượu, rồi lễ khấn báo Yang, chúc mừng sức khỏe cho gia chủ và dòng họ.

Người làm chủ cuộc rượu (gai piê) sẽ mời khách quý theo hình thức thác rượu (7 cô gái nghiêng các ống nứa ngắn rót nước vào ché, khách phải uống hết), rồi lần lượt mời mọi người uống rượu mnhăm mring chia sẻ với gia đình theo thứ tự tuổi cao thấp, nữ trước, nam sau.

Cần rượu phải chuyền nhau không được rời tay cho đến hết dãy ché. Cuối cùng là đến phần vui chơi, người ta sẽ hát điệu k’ưt tự sự để tâm tình, điệu arei vui nhộn để đối đáp giao duyên hay đố vui… Rượu chảy tràn, ché này nhạt thay bằng ché khác. Lễ rước kpan là một trong những lễ lớn nhất của gia đình, cũng là niềm vui chung của cả cộng đồng.

Sau ngày đón kpan về nhà là đến công đoạn làm tiếp các jhưng, cũng sẽ phải tuần tự các bước như làm kpan.

Các lễ hội gắn bó với đời sống cộng đồng, cho dẫu theo nông lịch hay theo vòng đời, thường diễn ra vào mùa “ăn năm uống tháng” – mùa xuân – mùa Tết của người Tây Nguyên. Tiếng chiêng knah náo nức từ trên chiếc kpan bay lên vượt qua mái nhà sàn dài chấp chới cùng mây xanh và nắng vàng “cho con thỏ lắng nghe quên gặm cỏ, con khỉ quên leo trèo”... Cả buôn cùng mừng cho sự giàu có, lớn mạnh, no đủ của gia đình, của cộng đồng...

Linh Nga Niê Kđăm

Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202507/ke-chuyen-kpan-ede-88a1353/


Chủ đề: văn hóaÊđê

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm