Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kết nối các di sản tiêu biểu của Thủ đô với dự án “Yêu lắm Việt Nam”

NDO - Ba di tích nổi bật của Thủ đô Hà Nội là: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Nhà tù Hỏa Lò của Thủ đô Hà Nội chính thức “lên sóng” cùng Dự án “Yêu lắm Việt Nam”. Dự án do Báo Nhân Dân phối hợp các đối tác triển khai lắp đặt bảng gắn chip NFC nhằm quảng bá các di sản, thúc đẩy du lịch.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân18/04/2025



Những ngày tháng 4, khi cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long đông khách hơn thường lệ. Bởi đây không chỉ là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, mà còn là “Tổng hành dinh” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hà Nội có 6.489 di tích. Trong đó, Hoàng thành Thăng Long xứng đáng là “di tích số một”.

Sau khi dời đô từ Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) về Thăng Long vào năm 1010, nhà Lý đã tiến hành quá trình kiến thiết Thăng Long xứng tầm một kinh đô. Đến nay, nhiều công trình đã bị phá hủy cùng với thời gian, nhưng những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại đây là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia.

Kết nối các di sản tiêu biểu của Thủ đô với dự án “Yêu lắm Việt Nam” ảnh 2

Phòng họp tại Nhà D67 vẫn được gìn giữ nguyên vẹn như xưa.

Ngoài những công trình nổi còn tồn tại như: Kỳ đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc… giá trị của Hoàng thành Thăng Long còn nằm ở hàng triệu hiện vật khảo cổ khai quật được cũng như nhiều giá trị ẩn giấu khác.

Những đợt khai quật khảo cổ cho thấy sự liên tục của các dấu tích kiến trúc sớm nhất tại đây có từ thời Đại La (thế kỷ thứ 7-8).

Ở thời kỳ độc lập, các phế tích kiến trúc, hiện vật khảo cổ xếp chồng lên nhau suốt từ thời Lý, Trần, Lê, Lê Trung hưng cho tới thời Nguyễn là pho sử bằng hiện vật về kiến trúc, mỹ thuật, đặc biệt là kiến trúc, mỹ thuật cung đình Việt.

Trong kháng chiến chống Mỹ, khi mức độ đánh phá miền bắc ngày càng ác liệt, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng một ngôi nhà trong khu A, Thành cổ Hà Nội, được gọi là Nhà D67.

Nơi đây, từ tháng 9/1968 đến ngày 30/4/1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng. Trong đó có những cuộc họp đề ra chiến lược của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ.

Đặc biệt, sáng 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với quyết sách: Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975. Phương châm là “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Kết nối các di sản tiêu biểu của Thủ đô với dự án “Yêu lắm Việt Nam” ảnh 3

Hoàng thành Thăng Long là một trong những di sản hấp dẫn nhất của Thủ đô Hà Nội.

Nhiều thập kỷ trôi qua, toàn bộ hệ thống nhà và hầm vẫn được giữ gìn nguyên vẹn như xưa, với những phòng họp của Bộ Chính trị, phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đến gần, cũng là lúc thế hệ người Việt đến đây để tìm hiểu về Tổng hành dinh của quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.

Những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (đơn vị quản lý Hoàng thành Thăng Long) luôn chú trọng số hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Điển hình như Trung tâm triển khai ứng dụng Hoàng thành Thăng Long, phục dựng các di sản trong không gian số, ứng dụng công nghệ bán vé điện tử, tổ chức trưng bày trong không gian ảo…

Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Báo Nhân Dân lắp đặt bảng gắn chip NFC.


Hoạt động này phù hợp với lộ trình số hóa di sản của Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội nên việc lắp đặt được Trung tâm phối hợp Báo Nhân Dân triển khai nhanh chóng, thuận tiện. Bảng gắn chip được đặt ngay tại không gian trưng bày, gần nơi bán vé giúp khách du lịch dễ dàng thực hiện việc trải nghiệm, khám phá.

Cùng với Hoàng thành Thăng Long, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã chọn hai di tích nổi bật khác để lắp đặt bảng gắn chip NFC là Văn Miếu-Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) và Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm).

Văn Miếu-Quốc Tử Giám được xây dựng từ cuối thế kỷ 11, là nơi thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền của Nho giáo; đồng thời cũng là trường đại học đầu tiên của nước ta. Nơi đây đã đào tạo nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước trong nhiều thế kỷ.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám hiện đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Hệ thống 82 bia đá tại đây được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới, đồng thời là Bảo vật quốc gia.

Kết nối các di sản tiêu biểu của Thủ đô với dự án “Yêu lắm Việt Nam” ảnh 4

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mãi là hình ảnh đại diện cho tinh thần hiếu học của người Việt.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò là một trong những di tích nổi bật nhất trong hệ thống hàng trăm di tích Cách mạng, kháng chiến trên địa bàn thành phố.

Sau khi chiếm Hà Nội, thực dân Pháp đã xây dựng Nhà tù Hỏa Lò trở thành một trong những nhà tù kiên cố nhất Đông Dương, là nơi giam cầm các chí sĩ yêu nước, chiến sĩ Cách mạng.

Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã từng bị giam cầm nơi đây như: Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thụ…

Các chiến sĩ Cách mạng đã biến nhà tù thành trường học rèn luyện tinh thần Cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Ngày nay, di tích Nhà tù Hỏa Lò là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất trên địa bàn Thủ đô.

Kết nối các di sản tiêu biểu của Thủ đô với dự án “Yêu lắm Việt Nam” ảnh 5

Di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện nay trở thành nơi truyền lửa tinh thần Cách mạng cho các thế hệ.

Dự án “Yêu lắm Việt Nam” được Báo Nhân Dân triển khai đến các tỉnh, thành phố trong cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa trên mọi miền Tổ quốc; tạo trải nghiệm khám phá độc đáo cho du khách; thúc đẩy du lịch nên được cộng đồng hưởng ứng một cách nồng nhiệt.

Có mặt tại Hoàng thành Thăng Long, chị Đặng Hồng Vân, khách du lịch từ Đà Nẵng cho biết: “Khi check-in tại bảng gắn chip NFC, chúng tôi nhận được đường link dẫn đến trang web và hiển thị tất cả các thông tin cốt lõi nhất giới thiệu về khu di tích. Cùng với đó, trên điện thoại sẽ hiện lên số thứ tự thể hiện quý khách là người thứ bao nhiêu đã check-in tại địa điểm này và có thể chia sẻ những khoảnh khắc, lưu lại những dấu ấn về ngày, tháng, năm mình đã đến đây. Điều này khiến chúng tôi thấy rất thú vị”.

Chủ đề: 50 năm Thống nhất đất nước

Sáu tình huống phân luồng giao thông dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền nam

Kết nối các di sản tiêu biểu của Thủ đô với dự án “Yêu lắm Việt Nam”

Giáng Son và dự án "Yêu lắm Việt Nam"

Nguồn:https://nhandan.vn/ket-noi-cac-di-san-tieu-bieu-cua-thu-do-voi-du-an-yeu-lam-viet-nam-post872891.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm