Theo đại diện Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Nga (Rosoboronexport), tại Triển lãm Hàng hải và Hàng không vũ trụ Quốc tế Langkawi 2025 (LIMA 2025) tổ chức ở Malaysia, công ty này đã lần đầu tiên giới thiệu phiên bản xuất khẩu của tiêm kích tàng hình Su-57E.
Đại diện Rosoboronexport tại Lima 2025 cho biết, các sản phẩm hàng không là điểm nhấn chính của triển lãm. Do đó công ty quyết định lựa chọn giới thiệu Su-57E – phiên bản chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 mới nhất của Nga.
Trước đó, Su-57 cũng từng xuất hiện tại Triển lãm hàng không vũ trụ (Aero India 2025) vào tháng 2, sự kiện mở đường cho khả năng ký kết hợp đồng sản xuất theo giấy phép để trang bị cho Không quân Ấn Độ.
Theo Military Watch, tại Đông Nam Á, Malaysia và Indonesia từ lâu đã được coi là những khách hàng tiềm năng hàng đầu của Su-57. Đây là mẫu tiêm kích thế hệ năm duy nhất trên thế giới được sản xuất ngoài Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia đang nắm độc quyền trong phân khúc này.

Tiêm kích tàng hình cho Đông Nam Á
Rosoboronexport cũng nhấn mạnh so với các mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 khác trên thế giới, Su-57 đã có kinh nghiệm tác chiến thực tế trong môi trường đối phương sử dụng cả tấn công đường không, phòng thủ bằng trí tuệ nhân tạo và tác chiến điện tử tiên tiến.
Su-57E là sự kết hợp giữa khả năng tàng hình, tính cơ động cao và hỏa lực mạnh, có thể triển khai trong nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Với trọng lượng cất cánh tối đa là 34 tấn, Su-57E được phân loại là máy bay chiến đấu hạng nặng, được tối ưu hóa cho nhiều hoạt động không đối không, trên bộ cũng như trên biển.
Su-57E có thể đạt tốc độ tối đa 1.350km/giờ và phạm vi bay lên tới 7.800km và có thể tiếp nhiên liệu trên không. Máy bay có tính cơ động cao nhờ công nghệ vectơ lực đẩy tiên tiến, cho phép thực hiện các chiến thuật di chuyển trên không phức tạp, điều này rất quan trọng đối với không chiến tầm gần.
Su-57E có 12 điểm treo vũ khí, bao gồm 6 điểm bên trong máy bay giúp duy trì cấu hình tàng hình. Tiêm kích này có thể mang theo tên lửa không đối không, bom và đạn dẫn đường chính xác. Hệ thống điều khiển vũ khí đa kênh của máy bay có thể thích ứng với nhiều cấu hình nhiệm vụ khác nhau, tạo điều kiện chuyển đổi linh hoạt giữa các tình huống giao tranh khác nhau.
Tự động hóa cũng là một tính năng nổi bật của Su-57E. Các hệ thống tự động tiên tiến giúp giảm tải áp lực cho phi công, cho phép quản lý nhiệm vụ hiệu quả và thích ứng nhanh với các tình huống chiến đấu phức tạp.
Ngoài Su-57E, Rosoboronexport cũng mang đến Lima 2025 các phiên bản chiến đấu cơ mới nhất phù hợp với yêu cầu của không quân các nước Đông Nam Á trong tác chiến hiện đại. Trong số này có thể kể đến tiêm kích đa năng Su-35 và Su-30SME.
Tiêm kích Su-35 được phân biệt bởi khả năng phát hiện mục tiêu tầm xa, kèm với đó là các hệ thống vũ khí tấn công tiên tiến.
Khác với Su-35, tính năng nổi bật của máy bay chiến đấu đa năng Su-30SME là cấu hình hai chỗ ngồi, cho phép thực hiện chuyến bay nhiệm vụ dài, bao gồm cả trên biển, cũng như hỗ trợ huấn luyện phi công.

Mở rộng hợp tác công nghệ quân sự
Bên thềm triển lãm Lima 2025, đại diện Rosoboronexport cho biết công ty mong muốn mở rộng quan hệ đối tác công nghiệp với các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự. Các đề xuất của phía Nga, dựa trên năng lực từng đối tác và có thể triển khai ngay tại địa phương.
Hiện tại Rosoboronexport đã và đang cung cấp công nghệ trong lĩnh vực vũ khí và thiết bị quân sự cho quân đội các nước Đông Nam Á và Nga sẵn sàng mở rộng hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực này.
Trong số các lĩnh vực đầy hứa hẹn được Rosoboronexport đề cập có thể kể đến như sản xuất vũ khí nhỏ, đạn dược các cỡ nòng khác nhau, hệ thống tên lửa phòng không, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống tên lửa chống tăng, xe bọc thép và các loại thiết bị quân sự hiện đại khác.
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/khach-hang-tiem-nang-cua-tiem-kich-tang-hinh-nga-tai-dong-nam-a-post1544218.html
Bình luận (0)