Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, Việt Nam đang đi ngược xu hướng của thế giới khi Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo ông Đặng Đức Anh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược (IPS) Việt Nam, hiện có một số nhóm động lực chính để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên trong 5 năm tới, một mức mà nước ta chưa đạt được trong suốt 40 năm đổi mới.
Ông Đặng Đức Anh cho rằng, động lực đầu tiên đến từ lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đóng vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng nếu Việt Nam tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về công nghệ, nâng cấp sản phẩm trong chuỗi giá trị. Trong nhóm ngành này thì công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực có dư địa lớn nhất.
“Với một số ngành khác, nếu tận dụng được thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, áp dụng tự động hóa, chuyển đổi số, nâng cấp phụ tùng nguyên liệu, thì cũng có thể tạo ra được sự chuyển đổi. Một ví dụ là ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Đây là “mỏ vàng” rất lớn của Việt Nam nếu giải quyết được các điểm nghẽn về thể chế. Xây dựng cũng là một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng bứt phá với các công trình trọng điểm của Nhà nước về mở rộng hệ thống đường cao tốc, cảng biển và xây dựng và hệ thống cảng hàng không”, ông Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
Phân tích thêm, ông Đặng Đức Anh cho hay, động lực thứ hai là dịch vụ, vốn có tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt là với các ngành du lịch, thương mại điện tử, vận tải kho bãi và dịch vụ tài chính. Nông nghiệp vốn cũng được coi là trụ đỡ của nền kinh tế. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển ngành này, kể cả trong lĩnh vực sản xuất hay xuất khẩu.
“Động lực thứ ba chính là tận dụng dư địa phát triển từ các cực tăng trưởng. Tại nhiều vùng địa phương, tiềm năng phát triển vẫn còn, đặc biệt là ở những khu vực có lợi thế về hạ tầng, nhân lực và tài nguyên. Nhân tố này càng trở nên nổi bật khi Đảng và Chính phủ đang trải qua cách mạng về thể chế, tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại địa phương để mở rộng không gian phát triển” - ông Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
Mặc dù có động lực để tăng trưởng 2 con số, nhưng để đảm bảo quá trình này diễn ra trong dài hạn, ông Đặng Đức Anh khuyến nghị Nhà nước cần phải đảm bảo quá trình tăng trưởng đi liền với chuyển đổi mô hình phát triển, tránh việc dựa quá nhiều vào tăng trưởng vốn trong khi các yếu tố khác như năng suất, khả năng đổi mới sáng tạo bị lãng quên.
"Việt Nam cũng cần thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để đảm bảo dòng tín dụng không đi vào vùng rủi ro cao, tạo ra bong bóng kinh tế”, ông Đặng Đức Anh khuyến nghị.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/khai-thac-tiem-nang-cac-dong-luc-moi-huong-toi-tang-truong-tren-8-3366189.html
Bình luận (0)