Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khẩn trương phối hợp tạo cú huých cho giao thông thông minh

(Chinhphu.vn) - Không còn cảnh xếp hàng chờ mua vé hay phải mang tiền lẻ, hành khách metro TPHCM nay chỉ cần chạm thẻ ngân hàng hoặc điện thoại là đã lên tàu. Giải pháp thanh toán hiện đại này đang mở ra bước tiến mới cho giao thông đô thị thông minh Việt Nam.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ23/05/2025

Khẩn trương phối hợp tạo cú huých cho giao thông thông minh- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS - Ảnh: VGP/Dương Tuấn

Một chạm-tăng tiện ích, giảm chi phí xã hội

Hơn 3 tháng sau khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức thử nghiệm vận hành, hình ảnh người dân xếp hàng chờ mua vé bằng tiền mặt đã dần được thay thế bởi những cú "chạm nhẹ" bằng thẻ ngân hàng hoặc điện thoại thông minh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), từ ngày 14/2, NAPAS đã phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM đưa vào vận hành hệ thống thanh toán không tiền mặt tại cổng soát vé. Không chỉ hỗ trợ thẻ nội địa NAPAS, hệ thống còn tương thích với thẻ quốc tế như Visa, Mastercard, cũng như ví điện tử.

Chỉ cần chạm thẻ vào thiết bị tại cổng vào và ra , quy trình được gọi là "tap-in" và "tap-out", hành khách đã hoàn tất thanh toán mà không cần phải rút tiền hay mua vé giấy. Điều này không những giúp giảm thời gian chờ đợi, mà còn giúp tránh tình trạng chen lấn thường thấy vào giờ cao điểm.

Thống kê từ NAPAS cho thấy lượng hành khách sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ tăng đều mỗi tuần. Đặc biệt, sau khi dịch vụ số hóa thẻ NAPAS tích hợp Apple Pay ra mắt vào ngày 15/4, lượng người sử dụng điện thoại thay thẻ để đi metro đã tăng đáng kể.

Đây là bước đi phù hợp trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, khi mà từ mua mớ rau ngoài chợ đến thanh toán ly cà phê, người Việt đã quen dần với hình thức không dùng tiền mặt.

Việc tích hợp thanh toán điện tử vào hệ thống metro không chỉ tạo thuận tiện cho người dân mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan. Với hành khách, việc không cần đổi tiền lẻ, không phải mang theo nhiều thẻ, chỉ cần điện thoại là đã đủ cho mọi hành trình công cộng, là một thay đổi lớn trong trải nghiệm di chuyển hàng ngày.

Với doanh nghiệp vận hành, thay vì phải bố trí nhân lực bán vé và xử lý tiền mặt, toàn bộ quy trình được số hóa, giúp thống kê doanh thu minh bạch và tiết kiệm chi phí vận hành. Đồng thời, nhà nước cũng tiết kiệm được ngân sách cho việc in ấn, lưu trữ và bảo quản tiền mặt.

Thực tế, ông Long cho biết NAPAS đã từng bước nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai từ năm 2020 với các mô hình như VinBus ở Hà Nội, bãi đỗ xe sân bay,… trước khi chính thức đưa vào metro. Như vậy, hệ thống hiện tại là thành quả của cả một lộ trình nghiêm túc và nhất quán trong suốt nhiều năm.

Từ góc nhìn rộng hơn, ông Long cho rằng hình thức này chính là cánh tay nối dài của chủ trương đẩy mạnh giao thông đô thị thông minh. Được ví như Tokyo, Thượng Hải, London, TP.HCM đang từng bước tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế trong xây dựng và vận hành hạ tầng giao thông hiện đại.

Song song đó, NAPAS cũng đang triển khai phương thức thanh toán bằng mã QR, dự kiến hiển thị trực tiếp trên điện thoại hành khách. Người dân chỉ cần đưa mã đến đầu đọc ở cổng metro là xong. Điều này mở ra thêm lựa chọn linh hoạt, đáp ứng mọi thiết bị và đối tượng người dùng.

Đằng sau hệ thống chạm thẻ, lên tàu tưởng chừng đơn giản là cả một cơ chế liên thông giữa hệ thống thanh toán ngân hàng và hệ thống kiểm soát vé tự động. Khi hành khách tap-in hoặc tap-out, dữ liệu lập tức được truyền về hệ thống của NAPAS, tiến hành ghi nợ tài khoản ngân hàng trong tích tắc. Đây chính là kết quả của quá trình chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật bài bản, với sự vào cuộc của cả hệ thống ngân hàng, phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp giao thông.

Khẩn trương phối hợp tạo cú huých cho giao thông thông minh- Ảnh 2.

Ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - Ảnh: VGP/Dương Tuấn

Phối hợp đồng bộ, khẩn trương tạo vé liên thông toàn quốc

Tại Tọa đàm "Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vừa qua, đại diện Sở Xây dựng cho biết, không chỉ dừng lại ở tuyến metro số 1 TP.HCM, nhiều tỉnh thành khác đang hướng tới hệ thống vé điện tử liên thông toàn quốc. Tại Hà Nội, dự kiến vào ngày 2/9/2025, hệ thống thẻ vé điện tử liên thông sử dụng tiêu chuẩn VCCS sẽ chính thức đi vào hoạt động, cho phép người dân dùng thẻ chip nội địa, thẻ quốc tế.

Tuy nhiên, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng nhìn nhận thẳng thắn, quá trình chuyển đổi sẽ gặp hai thách thức lớn. Một là thói quen của người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, vốn quen dùng tiền mặt, hai là vấn đề chuyển đổi lao động. Khi hệ thống điện tử vận hành, hàng nghìn nhân viên bán vé sẽ không còn vai trò như trước, đặt ra yêu cầu đào tạo và sắp xếp lại công việc hợp lý.

Khẩn trương phối hợp tạo cú huých cho giao thông thông minh- Ảnh 3.

Ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Metro Hà Nội - Ảnh: VGP/Dương Tuấn

Theo ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Metro Hà Nội: Hiện nay, ở Hà Nội hay TPHCM đang sử dụng hệ thống thu soát vé tự động. Ở Hà Nội, từng tuyến có hệ thống riêng, người nào sử dụng vé tháng thì rất thuận tiện, đi vào đi ra ổn định, không vấn đề gì. Nhưng nếu mua vé lượt thì phải đến nhà ga rồi đưa tiền cho nhân viên bán vé hoặc mua bằng máy bán vé. Ngoài ra, thẻ vé của hai tuyến chưa liên thông được với nhau. Đây là hai điểm bất tiện, tạm gọi là nhược điểm. Còn hai hệ thống thu soát vé tự động của cả hai tuyến này nếu hoạt động đơn tuyến rất tin cậy. Việc xử lý thông tin rất chính xác và tốc độ đóng mở cửa rất nhanh, bởi vì thông tin đơn giản. Đấy là ưu điểm lớn nhất của hệ thống này. Đặc biệt trong giờ cao điểm, hành khách phải đi ra, đi vào cổng rất nhiều nên hệ thống càng đơn giản, đóng mở càng nhanh thì thoát càng nhanh.

Ông Khuất Việt Hùng phân tích: Khi chúng ta thiết kế một hệ thống liên thông thì chúng ta xác định rõ trong hệ thống ấy vai trò, chức năng của doanh nghiệp như thế nào? Vai trò nào là của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề thanh toán bù trừ, trong quản lý dữ liệu và xây dựng nên hệ thống thể chế chính sách? Các doanh nghiệp có trách nhiệm quản trị cơ sở hệ thống vé của mình như thế nào để đảm bảo, ví dụ như trong hệ thống chung thì hoạt động thông suốt nhưng từng hệ thống riêng của doanh nghiệp không bị nhiễu sang nhau? Bởi trong trường hợp không cẩn thận, hệ thống chung xuất hiện sự cố thì có khi chúng tôi lại không dùng được.

Vì vậy, việc phân cấp công nghệ giữa tầng quản lý nhà nước và doanh nghiệp lúc ấy phải rất rõ và bảo đảm mọi trường hợp, doanh nghiệp vẫn có thể vận hành tự chủ hệ thống của mình và phân cấp đầy đủ dữ liệu báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước như Sở Xây dựng hay thực hiện những yêu cầu của Bộ Công an trong việc cung cấp dữ liệu cá nhân, thông qua hệ thống VNeID cũng như căn cước công dân để cung cấp về Trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự của ngành công an.

Theo ông Khuất Việt Hùng, việc quan trọng nhất để triển khai thành công là thực hiện. "NAPAS đã sẵn sàng hệ thống thanh toán, ví dụ như phải triển khai kết nối vào hệ thống của Metro để đảm bảo hệ thống chung của Sở Xây dựng có thể hoạt động thông suốt với hệ thống của chúng tôi. Chúng tôi cũng phải thiết kế hệ thống của mình kết nối được với hệ thống của Sở Xây dựng. Vấn đề này hai bên cùng thực hiện. Các nền tảng thanh toán sẵn sàng rồi, các công cụ đã đầy đủ, cần bắt tay vào làm", ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

Anh Minh


Nguồn: https://baochinhphu.vn/khan-truong-phoi-hop-tao-cu-huych-cho-giao-thong-thong-minh-102250523180211732.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm